Trẻ nhỏ hay “xì xoẹt” cứ mỗi lần con như vậy, mẹ lại có thói quen nhìn “thứ ấy” để đoán xem bé bị gì? Phần lớn sự biến đổi phân của trẻ em hay bắt nguồn từ chế độ ăn uống của con, mẹ cũng căn cứ vào đó mà có biện pháp điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý cho con. Trong một số trường hợp, cần đưa bé đi thăm khám nếu thấy phân bất thường kéo dài. Bài viết dưới đây, sẽ nêu ra một số sự trường hợp thay đổi phân để mẹ có thể nhìn phân đoán bệnh của trẻ.

hình ảnh

1. Phân của trẻ bình thường là như thế nào?

Để có thể nhìn phân đoán được bệnh của bé, mẹ cần phân biệt phân của bé khi bình thường và khi bất thường – biểu hiện của một số bệnh lý. Vậy phân của trẻ được gọi là bình thường sẽ như thế nào?

hình ảnh

Với trẻ bú mẹ, phân của con thường có màu vàng tươi như màu hoa cải. Mốt số trường hợp cũng có thể lỏng và có màu xanh, đây là điều bình thường mà ba mẹ không cần phải lo lắng.

Với những trẻ lớn hơn, phân thường khô, thành khuôn, có màu vàng. Nếu trong trường hợp phân của bé lỏng hay có màu xanh có thể là dấu hiệu của bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột. Lúc này cần đưa con đi thăm khám với bác sĩ.


2. Nhìn phân đoán bệnh của trẻ

hình ảnh

2.1 Phân nhạt màu

Phân nhạt màu, có màu hơi trắng, có thể là dấu hiệu của chứng tắc ống dẫn mật. Nếu phân khi đổ vào nhà vệ sinh thấy “nổi bập bềnh” và có mùi hôi có thể là dấu hiệu của chứng khó hấp thu. Điều này xảy ra khi hệ thống tiêu hóa của bé không hấp thu đủ chất dinh dưỡng, có thể do không dung nạp, khó tiêu hóa, dị ứng thực phẩm.

Nếu thấy phân bé nhạt màu, kèm nước tiểu sẫm, cần đưa bé đi thăm khám sớm để bác sĩ kiểm tra hệ tiêu hóa và bệnh lý về gan của trẻ.

2.2 Phân có chất nhầy, lẫn máu

Nếu bé đi ngoài, phân có chất nhầy, có mùi tanh có thể bé đang bị rối loạn tiêu hóa. Nếu lượng phân ít, có dính chút máu tươi thường gặp ở trẻ táo bón, bé phải rặn khi đi ngoài gây nứt, rách hậu môn khiến phân có thể dính máu.

Phân vừa lẫn máu và có chất nhầy, đó có thể là biểu hiện của chứng viêm đại tràng hay viêm trực tràng, hoặc một số bệnh lý nhiễm trùng.

Nếu bé đi ngoài có phân màu đỏ, sền sệt như thạch thì cần đưa đi khám ngay. Thông báo với bác sĩ về tình trạng phân của con, các triệu chứng bé đau bụng dữ dội và trông nhợt nhạt, đây có thể là biểu hiện của chứng tắc ruột, bé cần được cấp cưu ngay tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

3. Khi nào cần đưa bé đi thăm khám

Nhiều ba mẹ nghĩ phân của trẻ nhỏ thỉnh thoảng bất thường cũng là chuyện bình thường, mẹ thay đổi chế độ ăn uống cho bé có thể giúp con cải thiện tình hình và phân bé sẽ lại bình thường. Nhưng những trường hợp phân của bé bất thường là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, nếu không được xử trí sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của con, một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Do đó nếu thấy phân của bé có các biểu hiện sau đây, ba mẹ nên cho con đi thăm khám với bác sĩ để được tư vấn và có biện pháp xử trí giúp tốt nhất:

– Đi ngoài phân xanh, lỏng, bé mệt mỏi có thể kèm theo các biểu hiện của bệnh lý khác.

– Đi ngoài phân lỏng, xanh khi trẻ đang bú bình hoàn toàn, không bú mẹ.

– Bé mệt mỏi, màu sắc, tình trạng phân không trở lại bình thường sau vài ngày.

– Đi ngoài ra máu

– Phân có màu bất thường, nước tiểu sẫm,..

Hy vọng bài viết trên đã giúp các mẹ có thêm được thông tin để có thể nhìn phân đoán bệnh, biết được tình trạng sức khoẻ hiện tại của con. Nếu có bất kì thắc mắc gì, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn cách điều trị cũng như lời khuyên về chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học để con yêu phát triển khoẻ mạnh.