Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra với con bạn, mà không hề có bất cứ dấu hiệu nào báo trước, và dễ dàng lấy đi sinh mạng của bé...



Vì thế mẹ nên tìm hiểu một số phương pháp phòng ngừa để giúp bé không bị ngạt thở dẫn đến đột tử trong giấc ngủ!



Mấy ngày trước, tôi đọc một bài viết về trường hợp một bé trai mới vừa 3 tháng tuổi đã chết tại nhà trẻ trong khi ngủ. Người mẹ quá bàng hoàng và day dứt với cái chết đột ngột của con. Nguyên nhân cái chết của bé được chuẩn đoán là đột tử trong khi ngủ. Thật quá kinh hãi, mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, gắn bó với con trong 3 tháng, biết bao tình cảm, vậy mà con lại chết quá bất ngờ như vậy.



Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) thường xảy ra với trẻ sơ sinh từ 1 tháng đến 1 tuổi. Đây không phải là một căn bệnh, nó không có bất kì triệu chứng hay dấu hiệu nào báo trước về sức khỏe. Nhiều bố mẹ bỗng thấy con mình biến sắc, mặt tím tái xanh xao, cơ thể mềm nhũn và đã tắt thở từ bao giờ. Một số ít trường hợp may mắn, bé sẽ được hồi tỉnh lại bằng các phương pháp hồi phục sự hoạt động của tim và hô hấp. Nhưng đa số là không thể cứu sống được.



Tôi nhớ khi vừa mới sinh con, tôi và chồng cũng đã tìm hiểu thật kỹ về hội chứng đột tử ở trẻ, và còn hỏi thêm thông tin từ bác sĩ sản khoa. Ngay từ khi sinh ra, con tôi đã được nằm ngủ riêng trong cũi, và tôi cố gắng tạo một môi trường rộng rãi, thoải mái cho con khi ngủ, đồ chơi và thú nhồi bông được tôi dọn gọn gàng, không để bất cứ vật gì gây vướng víu cho con. Tôi luôn để một vật gì đó dưới chân con, để cho bàn chân của con tôi đụng vào vật đó, nhằm tạo cảm thấy yên tâm, không chới với trong khi thiếu hơi mẹ.



Và thực tế là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh ngay cả khoa học cũng chưa tìm ra được nguyên nhân cái chết. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được nhiều biện pháp có thể ngăn ngừa. Tuy không thể ngăn ngừa 100%, nhưng mẹ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm hội chứng này cho con, bằng cách làm theo lời khuyên của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP). Hãy đảm bảo cho con có một giấc ngủ an toàn, sẽ giảm tối đa nguy cơ cho con khỏi các nguyên nhân dẫn tới đột tử như nghẹt thở, khó thở.



1. Bé phải được nằm ngửa khi ngủ



Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong số trẻ đột tử trong khi ngủ thì đa số trẻ có tư thế ngủ sấp. Vì thế các chuyên gia nhi khoa khuyên các bậc cha mẹ nên cho bé nằm ngửa, thẳng lưng trong khi ngủ. Đây được xem là tư thế ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh, được khuyến cáo là giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh bởi khi bé nằm nghiêng, nguy cơ úp mặt và dẫn tới thiếu dưỡng khí, ngưng thở là điều rất dễ xảy ra.




Tư thế nằm sấp như thế rất dễ chèn ép tim và có khi bé không ngóc đầu dậy hoặc không thể trở mình lại được gây ngạt thở…. Trong trường hợp này, nếu người lớn không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho bé. Vì thế, với trẻ dưới 12 tháng, nhất là vào ban đêm, bố mẹ cần cẩn trọng khi cho con ngủ, nên thường xuyên kiểm tra giấc ngủ của bé. Nên mua hai cái gối to và nặng vừa phải chặn hai bên hông bé, vừa giúp bé có tư thế ngủ an toàn, vừa tránh trường hợp gối nhẹ quá bé lăn đạp tung tóe, làm gối úp vào mặt gây ngạt thở.



2. Môi trường ngủ phải rộng rãi, an toàn



Mẹ không nên để quá nhiều đồ vật xung quanh chỗ ngủ của bé. Những đồ vật như mền, gối, thú nhồi bông, đồ chơi của bé,… có thể khiến bé bị mắc kẹt gây ngạt thở trong khi ngủ.



Hơn nữa, mẹ không nên ủ ấm quá kỹ hoặc đắp chăn trùm kín mặt bé khi ngủ bởi việc làm này dễ khiến trẻ đột tử. Do đó, ba mẹ luôn chú ý tới bé lúc ngủ, phải đảm bảo rằng nhìn thấy đầu và mặt của bé.



Dù là cho bé ngủ chung hoặc đặt nôi, cũi; ba mẹ cũng nên đặt bé gần giường của mình để theo dõi những bất thường và xử lí kịp thời khi bé ngủ.






3. Nệm đạt tiêu chuẩn



Nệm ngủ của bé nên bằng phẳng và vững chắc. Tránh mua những chiếc nệm mỏng, có độ đàn hồi kém, vừa nguy hiểm cho giấc ngủ của trẻ, vừa gây hại cho sống lưng; do mệm quá mỏng, dễ bị xẹp thì không nâng đỡ phần lưng của bé được.



4. Không khói thuốc lá



Khói thuốc lá được cho là không tốt với sức khỏe của trẻ, ngoài ảnh hưởng đến trí não còn gây nguy cơ đột tử cao. Vì thế ba mẹ hãy đảm bảo môi trường sống của con trong lành, mẹ nên hạn chế không cho bé tiếp xúc với những người hút thuốc. Tốt nhất, không nên hút thuốc lá trong nhà, nơi có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.



5. Cho bé bú sữa mẹ



Hãy cho bé bú ít nhất là 6 tháng. Theo một nghiên cứu lớn của các nhà khoa học Đức, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến khi bé 1 tuổi có khả năng giảm tối đa nguy cơ giảm chứng đột tử cho trẻ.



6. Có thể cho bé ngậm ti giả khi ngủ



Cho bé ngậm ti giả cũng là cách giúp bé ngủ ngon, sâu giấc và giảm thiểu khả năng bị mắc chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.



7. Hạn chế ngủ cùng bố mẹ



Cho trẻ ngủ chung giường với bố mẹ là thói quen của rất nhiều người. Đặc biệt là theo quan niệm của người Việt, cho rằng trẻ mới sinh ra cần phải được ngủ chung với mẹ, được mẹ ủ ấm và ngửi hơi mẹ, như vậy trẻ mới phát triển tốt. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Viện Nhi khoa Mỹ, ngủ chung giường là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây hội chứng đột tử ở trẻ, cũng như gây ra các vấn đề liên quan tới giấc ngủ dẫn đến trẻ tử vong.



Nguyên nhân có thể do bố/mẹ ngủ say vô tình làm bé ngạt thở, bé bị kẹt giữa bố và mẹ (nếu nằm giữa) hoặc bị kẹt ở khoảng giữa tường và giường (nếu nằm sát tường), bị chăn mền làm ngạt thở… Và quan trọng hơn là người lớn hít khí Oxy và thải ra khí CO2 một lượng lớn, vì thế sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Khi đó trẻ thiếu lượng khí Oxy và hít quá nhiều khí CO2 độc hại từ bố mẹ thải ra.



8. Mẹ nên bảo vệ sức khỏe, tránh tình trạng sinh non



Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ sinh non, sinh thiếu tháng hay nhẹ cân có nguy cơ đột tử cao hơn các trẻ bình thường khác. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cả mẹ và bé, mẹ nên có lịch khám thai định kỳ từ trước khi sinh nhằm theo dõi cân nặng, sự phát triển của thai nhi và phòng ngừa nguy cơ sinh non. Đặc biệt, tuyệt đối trong thời gian mang thai, mẹ không được hút thuốc, uống rượu hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào khác.