Mẹ cần biết cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn để vừa giữ bé khô ráo, sạch sẽ, vừa bảo vệ phần rốn mỏng manh, dễ tổn thương của con.

Trẻ sơ sinh rụng rốn sau bao nhiêu ngày?

Phần lớn bé sơ sinh sẽ rụng rốn sau khoảng từ 8-10 ngày sau sinh và đến ngày thứ 15 thì phần rốn của con sẽ liền hẳn. Nhưng đây chỉ là thông tin tham khảo, một số bé có thể rụng rốn sớm hoặc muộn hơn mốt này tùy vào cơ địa và cách chăm sóc của mẹ.

Vẫn có bé sau sinh 2 tuần mới rụng rốn. Nếu rốn của con khô, sạch và không có các dấu hiệu nhiễm trùng thì đây vẫn là điều bình thường.

cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

(Nguồn ảnh Sakuko Japanese Shop)

Đối với trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, mẹ cần chú ý vệ sinh rốn mỗi ngày và thường xuyên thay băng rốn cho con. Mẹ nên nhớ tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên rốn của con nếu bác sĩ chưa chỉ định. Hành động này có thể khiến thời gian rụng rốn kéo dài hơn và càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Và mẹ cần biết cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn để tránh những nguy cơ này.

>> Có thể mẹ chưa biết: Hướng dẫn các bước tắm bé sơ sinh trước và sau khi rụng rốn

Cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh sau khi rụng hoặc chưa rụng rốn khá giống nhau. Đối với các bé sơ sinh chưa rụng rốn, mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng là giữ cho phần rốn của con được khô thoáng, vệ sinh, đề phòng dẫn đến nhiễm trùng, uốn ván rốn sẽ nguy hiểm cho con.

Các bước đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ và lau khô hoàn toàn.

Bước 2: Để sẵn các vật dụng cần thiết khi thay bỉm cho con: Chậu nước ấm, giấy ướt, giấy lau khô, kem chống hăm, tấm lót.

Bước 3: Tiến hành vệ sinh vùng kín cho trẻ. Bé trai và bé gái sẽ có những lưu ý khác nhau khi vệ sinh:

Với bé trai: Mẹ cởi đồ của con và lấy giấy thấm nước ấm, lau xung quanh vùng kín của con. Sau đó mẹ dùng giấy sạch phủ lên vùng kín tránh tình trạng bé tè khi đang vệ sinh, phần nước tiểu có thể dính vào vùng rốn chưa rụng. Dùng giấy ướt để lau quanh hậu môn và phần nếp gấp da của con. Cuối cùng là lau khô và bôi kem chống hăm.

Với bé gái: Mẹ cũng vệ sinh cho con bằng giấy mềm nhúng nước ấm, chú ý lau từ trước ra sau cho con, không làm ngược lại vì sẽ đưa vi khuẩn từ hậu môn vào cơ quan sinh dục của bé. Sau đó, lau hết bộ phận xung quanh và vùng kín của con bằng nước sạch.

cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

(Nguồn ảnh Avakids)

Bước 4: Cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn.

Khi kem chống hăm đã khô hoàn toàn, mẹ hãy nhẹ nhàng mặc bỉm cho bé. Khi mặc qua đùi và eo của con mẹ nên kéo rộng phần bỉm càng nhiều càng tốt để tránh để lại các vết hằn trên da con.

Bẻ gập phần eo phía trước miếng bỉm, không kéo lên cao tránh để bỉm cọ vào phần rốn chưa rụng của con. Mẹ luôn ghi nhớ là cần để rốn của con sạch sẽ và khô thoáng thì sẽ nhanh rụng và tránh nhiễm trùng.

Lưu ý khi đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn

Trong quá trình thay và mặc bỉm mới cho trẻ chưa rụng rốn, bố mẹ cần chú ý tuyệt đối không để nước, nước tiểu hay phân của con dính vào phần rốn, dễ gây nhiễm trùng. Nếu bé chẳng may bị nhiễm trùng rốn thì các vi khuẩn sẽ xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu và đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Bí kíp để con không quấy khóc khó chịu trong thời gian thay bỉm là bố mẹ nên nói chuyện với con và vỗ về con.

Thời gian thay bỉm lý tưởng là 30-40 giây.

Mẹ đã biết cách đóng bỉm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn và những lưu ý giúp rốn con luôn khô thoáng không nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc lựa chọn bỉm phù hợp với con và sử dụng đúng cách sẽ giúp bé khỏe mạnh, vui vẻ, không quấy khóc đấy.

Nguồn thông tin: Nhathuoclongchau

Xem thêm bài viết liên quan:

TOP bỉm sơ sinh thấm hút tốt, êm ái với làn da non nớt của con và không lo hầm bí

TOP 8 tã dán sơ sinh chống tràn tốt, thấm hút cực nhanh và nhẹ dịu với làn da bé

Có nên đóng bỉm 24/24 cho trẻ sơ sinh hay không?

Học cách thay bỉm cho trẻ sơ sinh vừa nhanh vừa đúng khoa học