Làm cha mẹ, ai ai cũng quan tâm đặc biệt đến từng cột mốc phát triển của trẻ. Những biến chuyển từ khi con vừa mới lọt lòng đến khi trở thành một nhóc tì có tính cách riêng, bước những bước đi đầu tiên thật kỳ diệu. Dựa trên các mốc phát triển của trẻ sơ sinh bên dưới, bố mẹ có thể nhanh chóng phát hiện ra những bất thường của con để kịp thời can thiệp và giúp đỡ trẻ.


1 tháng tuổi


<​img></​img>


Bé 1 tháng tuổi có thể nhìn chăm chú ba mẹ của mình; kéo căng người cũng như co duỗi các ngón tay và ngón chân. Bé cũng có thể nhận ra được giọng của bạn và ngẩng đầu lên khi nằm sấp.


2 tháng tuổi


Khi bước sang tháng thứ 2, bé đã có thể cười và nhận ra những vật thể xung quanh khi chúng xuất hiện trước mặt bé. Ở giai đoạn này, bạn cũng có thể nghe được những tiếng ừng ực trong miệng bé và tiếng bé cười. Nhóc tì nhà bạn còn có thể tạo ra những âm thanh vui nhộn và phấn khích; đá chân và huơ tay liên tục. Ngoài ra, bạn có thể thử xem bé có tự đưa vào miệng những món mà bạn đặt vào tay bé hay không nhé.


3 tháng tuổi


Ở mốc thời gian này, bé nhà bạn đã có thể lật. Cậu chàng cũng sẽ chộp ngay lấy những vật đặt ngay trước mắt; cố gắng tì sức nặng lên 2 chân khi được ba mẹ hỗ trợ. Đồng thời bé có xu hướng mút lấy nắm tay và ngón tay của mình.


4 tháng tuổi


Bé yêu nhà bạn đã biết hóng chuyện và chăm chú lắng nghe những âm thanh bạn nói với bé; bắt đầu nói chuyện, dĩ nhiên là theo ngôn ngữ của bé; biết lật thuần thục và đang cố gắng học ngồi dậy. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy cô nhóc 4 tháng tuổi của mình cố gắng mút ngón chân nhé.


5 tháng tuổi


Bé sẽ rất cố gắng vươn tay đến những vật khác nhau trước mặt. Các cô cậu nhóc cũng bắt đầu thổi bong bóng nước bọt; lật người thuần thục và cố gắng dùng vai để đẩy người ngồi dậy. Bé còn biết ôm bố mẹ và những người bạn thú bông thật chặt rồi đấy.


6 tháng tuổi


<​img></​img>


Bé cưng đã biết chơi và rất thích thú với trò ú òa với người lớn. Giai đoạn này, bé có thể nhìn rõ được khắp phòng. Những khi bạn xuất hiện, bé sẽ giơ tay chào đón bạn. Bé có thể uống được những hớp nhỏ nước và tự ngồi vững.


7 tháng tuổi


Bé nhà bạn bắt đầu chộp lấy những vật lớn hơn; nói bập bẹ nhiều và rõ hơn; cố gắng trườn bằng cách kéo lê và lắc lư người của mình. Bé yêu cũng đã có thể đứng được bằng cách bám vào các điểm tựa xung quanh.


8 tháng tuổi


Bé 8 tháng tuổi có thể cầm chắc được bình sữa, dùng tay đưa thức ăn vào miệng và cố gắng cầm những vật nhỏ bằng ngón tay.


9 tháng tuổi


Bé đã có thể phát âm được những âm tiết đơn giản bằng cách bắt chước người lớn. Bé cũng có thể kéo lê mông hoặc trườn người nhiều hơn; vỗ tay; đứng vững trong vài giây mà không cần đỡ; bắt đầu thích trèo lên đồ vật và bậc thang. Đặc biệt là bé sẽ phản ứng lại khi có người gọi tên mình.


10 tháng tuổi


Bé hiểu được khi bạn hỏi bé những câu “có” hoặc “không. Giai đoạn này bé đã có thể tự đi được vài bước không cần đỡ nhưng chủ yếu bé thích đi lòng vòng khắp nhà bằng cách bám víu vào các đồ vật xung quanh.


11 đến 12 tháng tuổi


<​img></​img>


Bé có thể cầm đồ vật đưa cho bạn, đặc biệt là khi bạn yêu cầu bé. Điều này chứng tỏ cục cưng nhà bạn đã có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản rồi đấy. Bé biết đặt đồ vật nhỏ vào thùng đồ và có thể uống nước trực tiếp từ cốc. Cô nàng hoặc cậu chàng đã dùng được một số những từ đơn giản để gọi tên một số đồ vật quen thuộc.


Cần nhớ rằng một số bé đạt đến những mốc phát triển trên sớm hơn các bé khác. Vì thế, bạn đừng so sánh bé nhà mình với các bạn đồng lứa để tránh cho mình sự chán nản hoặc hoang mang nhé. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển của bé con, có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.


Nguồn: Tuticare.com