Bắt bệnh trẻ sơ sinh thông qua hình dáng và màu sắc của phân
Phân con như thế nào thì mẹ yên tâm?
Nhiều chị em mới sinh con đầu lòng vô cùng lo lắng và sốt sắng khi thấy phân của con không giống phân của mình. Phải cuống lên đi khám khắp nơi. Vậy phân của con như nào mới yên tâm?
Đi khám bác sỹ khác cho chắc?
Trước mặt chúng tôi là chị Đỗ Thị Thu H., 24 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội). Chị mới lấy chồng và mới sinh cháu đầu lòng, được 6 tháng tuổi. Cháu trai rất kháu khỉnh, đẹp trai hơn bố. Chúng tôi hoàn toàn thấy cháu chơi đùa bình thường, phản xạ rất nhanh nhạy vàrất thích được giỡn.
Chúng tôi thắc mắc không biết cháu mắc bệnh gì hoặc có vấn đề gì sức khỏe. Chồng chị Thu H. bức xúc: Em đã bảo vợ em là con mình không làm sao. Con không đi ngoài, không phân sống nhưng vợ em không nghe, cứ bắt đi hết bác sỹ này bác sỹ khác cho chắc ăn.
Chị vợ bên cạnh trừng mắt: Anh có nuôi con đâu mà anh biết. Em thấy đứa con hàng xóm bằng tuổi mình ngày nó đi có 1 lần, có khi 2 ngày mới đi. Con nhà mình ngày nào cũng 2 lần, phải bác sĩ khám mới được.
Sự lo lắng về tình trạng phân của bé yêu trong những tháng đầu đời là mối lo ngại chung của các cặp vợ chồng mới xây dựng gia đình. Phân là sản phẩm thải của tiêu hóa. Thông qua nhận xét hình dạng và tính chất phân, người ta có thể biết được tình trạng tiêu hóa của bé tốt hay không.
Như thế nào là tốt?
Trước hết, chúng tôi cần nói ngay rằng phân của trẻ thơ không bao giờ như phân người lớn. Số lần đi đại tiện, số lượng phân trong 1 lần đại tiện, tính chất, màu sắc phân không giống nhau ở các trẻ em khác nhau và tất nhiên khác biệt với người lớn chúng ta.
Về số lần đi, trẻ có thể đi đại tiện dao động từ 1-2 lần/ngày. Có trẻ 2 ngày mới đi 1 lần. Đó là điều bình thường. Nếu trẻ đi từ 3 lần/ngày trở lên, đó là dấu hiệu bệnh lý.
Về số lượng, mỗi lần phân đi sẽ không nhiều, chỉ chừng nằm gọn trong chiếc bỉm của bé. Mỗi lần đi, phân đều gọn và không bị bắn tung tóe, nhoe nhoét ra là tốt.
Về màu sắc, phân có màu vàng tươi hoặc hơi đậm nâu là đạt yêu cầu. Một số bé có một chút màu xanh do cặn rau, đó không là vấn đề lớn. Chi tiết hơn, màu sắc phân sẽ biến đổi theo tuổi như sau: phân trẻ sơ sinh thường có phân xu trong những lần đầu tiên, sau đó có màu đen trong những lần tiếp theo. Hết 2-3 ngày đầu, phân bắt đầu có màu vàng tươi hoặc vàng hơi đậm. Nếu trẻ được cho bú sữa công thức ngoài (nuôi bộ), phân có màu vàng nâu hoặc vàng đậm tùy vào loại sữa. Ngoài 6 tháng, bé ăn dặm, màu phân có màu vàng tươi, vàng nâu hoặc vàng có chút xanh tùy thuộc vào chế độ ăn. Trong mọi trường hợp, phân tuyệt đối không có màu xanh, không có màu đỏ hoặc không có màu đen sì.
Về tính chất, phân thường bãi, sệt, không thành khuôn và không vón cục như người lớn được. Độ tuổi khác nhau có tính chất phân khác nhau. Sơ sinh phân xu lổn nhổn như phân dê. Sau đó trong những lần tiếp theo, phân sẽ nát, dính, bết vào bỉm. Hết 2-3 ngày đầu, phân của bé sẽ mịn, sền sệt như kem, không được bọt, không được có các cái phân nằm mỗi chỗ một nơi. Nếu bé được bú sữa công thức, phân sẽ có cái phân, thu lại một chỗ, thành bãi, vẫn nát, nhưng không lỏng. Bãi phân của bé nát giống như bãi phân trâu, nhưng không bao giờ có bọt và không có nước. Sang đến chế độ ăn dặm, ban đầu phân vẫn nát, sau đó dần dần phân có khuôn, mềm, không cứng và không nát toét. Phân trong mọi trường hợp, không được có nước, có bọt, có nhầy, có máu. Phân không được có mùi tanh, chua.