Sơ sinh là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Việc tập vận động cho trẻ sơ sinh từ sớm mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Khả năng phản ứng của cơ thể được nâng cao, sức mạnh cơ bắp được cải thiện. Đồng thời, việc tăng cường chuyển động và phát triển khả năng giữ thăng bằng giúp cho trẻ phát triển kỹ năng vận động tinh. Ngoài ra, vận động sớm cho trẻ sơ sinh còn giúp bé ngủ sâu hơn, bú mẹ tốt hơn và dung nạp được nhiều dinh dưỡng hơn.
Tuy nhiên, tập vận động như thế nào để phát triển tốt thể chất, trí não và tránh gây thương tổn cho hệ xương, cơ và khớp của trẻ sơ sinh. Bài viết sau từ PamperMe sẽ tổng hợp và hướng dẫn cha mẹ những bài tập vận động cho trẻ sơ sinh hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé. Hãy cùng theo dõi để luyện tập đúng cách cho bé nhé!
Tập vận động cho trẻ sơ sinh đúng cách an toàn giúp bé phát triển thể chất tốt hơn
1. Một số nguyên tắc cần lưu ý trước khi tập vận động cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh khi tham gia các hoạt động vận động cần phải được cha mẹ giám sát kỹ lưỡng để bé tập luyện đúng động tác và tránh những tổn thương xấu không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý và hướng dẫn mà cha mẹ cần biết để đồng hành cùng trẻ trong các hoạt động thể dục:
- Đảm bảo an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của con. Mỗi khi tập vận động cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần quan sát để đảm bảo không có vật nhọn, góc cạnh gây nguy hiểm cho bé.
- Các bài tập vận động cho trẻ sơ sinh cần phải phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại của trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể chất hằng ngày, đặc biệt là đảm bảo cho bé có đủ thời gian bò.
- Nếu chưa bò được thì hãy tập cho trẻ cách nắm, kéo, giữ, đẩy hoặc thực hiện các động tác cử động đầu, tay và chân.
- Mỗi sáng thức dậy, mẹ nên để trẻ nằm sấp trong ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Khi trẻ còn nằm sấp, hãy để trẻ tự tay cầm lấy đồ chơi của mình.
- Để giúp trẻ phát triển tốt các giác quan, cha mẹ hãy cân bằng giữa các hoạt động trong nhà và ngoài trời.
- Nhằm giúp trẻ sơ sinh được an toàn trong thời gian vận động, hãy đặt bé trên một tấm thảm hoặc chăn mềm có chiều dài từ 1,5m đến 2m.
Một số nguyên tắc quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý khi tập vận động cho trẻ sơ sinh
2. Các bài tập vận động cho trẻ sơ sinh theo từng độ tuổi
2.1. Bài tập vận động cho trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi
Bài tập nằm sấp
Nằm sấp là bài tập vận động cho trẻ sơ sinh cần thiết để bé phát triển mạnh mẽ. Nhiều nghiên cứu cho rằng, nếu bé không dành thời gian nằm sấp có thể gặp vấn đề chậm phát triển kỹ năng vận động hơn so với các trẻ nằm sấp hằng ngày.
Mẹ có thể thực hiện bài tập này ngày từ những ngày đầu tiên sau sinh. Thời gian nằm sấp ở thời điểm này nên kéo dài trong vài phút và có thể tăng thời gian bài tập lên 40 – 60 phút khi bé đã cứng cáp hơn.
Cách thực hiện: Mẹ bế bé theo hướng bụng bé tiếp xúc với ngực mẹ. Sau khi đã cố định được tư thế nằm sấp của trẻ thì mẹ có thể đặt bé lên thảm và để một số đồ chơi xung quanh trẻ. Để bé nằm sấp và cố gắng thu hút trẻ bằng những món đồ chơi.
Nằm sấp là cách tập vận động cho trẻ sơ sinh giúp phần cơ cổ và cơ lưng của trẻ trở nên cứng cáp hơn. Không chỉ có vậy mà bài tập còn giúp xương sống cũng như các bộ phận khác của trẻ có thể hoạt động một cách linh hoạt hơn
Bài tập này sẽ kích thích cơ vùng cổ và lưng của bé
Vận động sớm cho trẻ sơ sinh bằng bài tập xòe tay và nắm ngón tay
Phản xạ cầm nắm (hay còn gọi là phản xạ lòng bàn tay) xuất hiện từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Đây là một phản xạ nguyên thủy và bắt nguồn từ hoạt động cơ bản của hệ thần kinh.
Nắm ngón tay là bài tập vận động cho trẻ sơ sinh giúp bé gia tăng phản xạ cầm nắm của mình, tăng cường cơ bắp ở cánh tay, vai, lưng và đồng thời cải thiện kỹ năng vận động tinh của bé.
Bài tập này có thể được bắt đầu vào giai đoạn khoảng sau sáu tuần tuổi. Ba mẹ đặt trẻ nằm ngửa và nhẹ nhàng vuốt từ mu bàn tay xuống cổ tay của bé. Điều này sẽ giúp bé mở rộng bàn tay và xòe ra. Sau đó, đặt ngón tay trỏ vào lòng bàn tay để bé tập phản xạ nắm chặt ngón tay của ba mẹ.
Bé nắm tay sẽ kích thích xúc giác và phối hợp vận động cho bé
Bài tập vận động tay
Các bài tập thể dục tay cho trẻ sơ sinh không chỉ giúp phát triển kỹ năng vận động thô mà còn nâng cao sự phát triển ở cả 2 bán cầu não. Dưới đây là 2 bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng được nhiều bác sĩ khuyến khích cho bé vận động.
– Bài tập di chuyển tay lên xuống: Bước đầu tiên, mẹ hãy đặt ngón cái vào lòng bàn tay của bé để bé chủ động nắm. Sau đó, trong tư thế nằm ngửa, mẹ nhẹ nhàng di chuyển cánh tay của bé lên xuống dọc theo cơ thể để kích thích sự dẻo dai và linh hoạt của vai.
Mẹ tiếp tục bài tập vận động cho trẻ sơ sinh bằng cách khoanh tay bé từ hai bên hông lên ngực. Tiếp đến, di chuyển cánh tay của bé qua hai bên và bắt chéo trước ngực. Bài tập này không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển cơ ngực của trẻ mà đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe như cải thiện sự lưu thông từ máu đến tim.
Ba mẹ nên vận động tay nhẹ nhàng để không làm đau bé
– Bài tập di chuyển tay lên xuống luân phiên: Ba mẹ thực hiện động tác đưa tay bé lên xuống luân phiên, một tay lên và một tay xuống. Khi bé quen dần, mẹ có thể giữ tay bé xoay qua vai, ở mỗi bên sẽ tạo thành vòng tròn. Sau đó đổi chiều một lần nữa. Động tác này giúp phát triển khả năng di chuyển của vai. Tuy nhiên, để trẻ tránh trật khớp, ba mẹ cần chú ý chỉ dùng lực nhẹ khi tập.
Bài tập vận động theo phương pháp bơi thủy liệu cho bé
Bơi thủy liệu là phương pháp vận động hữu ích cho trẻ trong giai đoạn bé 2 tháng tuổi mà ba mẹ nên tham khảo. Với phương pháp bơi thủy liệu cho bé, trẻ được tự do vận động chân tay dưới nước. Đây được xem như một dạng massage tự nhiên giúp trẻ có được những giây phút thư giãn, giảm căng thẳng và phát triển toàn diện.
Trong hồ bơi thủy liệu, trẻ vận động tự do mà không chịu sự ràng buộc từ sự bồng bế của ba mẹ. Trẻ dễ dàng nhận thấy sự di chuyển của tay chân mình. Từ đó, nhận biết được sự dịch chuyển của cả cơ thể. Đồng thời, trong quá trình bơi thủy liệu, trẻ vận động để chạm vào hoặc di chuyển các đồ chơi được thả vào trong bể bơi thủy lực.
Bơi thủy liệu là một liệu pháp toàn diện mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển về thể chất và sức khỏe của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ba mẹ cần lựa chọn một địa chỉ cung cấp dịch vụ bơi cho trẻ sơ sinh uy tín để tập bơi thủy liệu cho bé. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình tiếp xúc với nước cũng như phát huy tốt nhất sự phát triển của trẻ.
Bơi thủy liệu là giải pháp giúp trẻ phát triển thể chất, tâm lý và ngôn ngữ hiệu quả
Bài tập lăn tròn
Mẹ đặt bé nằm ngửa trên giường hoặc trên thảm. Khi bé đã ở tư thế lưng nằm tiếp xúc với mặt giường, thảm thì mẹ hãy nhẹ nhàng lật người bé qua lại theo hướng lăn tròn. Mẹ nhớ cho bé thực hiện bài tập liên tục trong 30 giây rồi đảo chiều và làm tương tự.
Bài tập này có tác dụng hỗ trợ phát triển cơ xương lưng và cổ cho trẻ, tăng khả năng kiểm soát tư thế nằm và phối hợp vận động cho trẻ.
Ba mẹ không nên để trẻ lăn quá nhiều dẫn đến chóng mặt
2.2. Bài tập thể dục phù hợp với trẻ từ 4 – 6 tháng tuổi
Bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh tập lẫy
Bé tập lẫy là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển vận động của trẻ sơ sinh. Bài tập này góp phần giúp trẻ xây dựng liên kết giữa bộ não và các phần khác của cơ thể cũng như thúc đẩy sự phối hợp giữa hai nửa trái phải của cơ thể trẻ.
Phần lớn, trẻ bắt đầu giai đoạn tập lẫy trong giai đoạn từ 3 – 7 tháng tuổi. Tuy nhiên, mốc thời gian này sẽ thay đổi tuy theo sự phát triển của từng bé.
Mẹ có thể thực hiện bài tập vận động cho trẻ sơ sinh này như sau:
- Đầu tiên, mẹ hãy đặt bé nằm sấp trên mặt sàn hoặc đặt trên ngực mẹ nếu bé chưa quen nằm sấp trên sàn. Sử dụng đồ chơi hoặc gương để làm cho bé thích thú với việc nằm sấp.
- Tiếp theo, đặt thêm một tấm chăn lên sàn. Sau đó đặt trẻ nằm nghiêng ở một bên góc trái của chăn. Quan sát xem bé có thể nhấc đầu lên được không. Nếu không, bé có thể chưa sẵn sàng cho việc tập lẫy.
- Đặt đồ chơi ở trong tầm với của trẻ. Lắc và chơi đồ chơi trước mặt trẻ. Tiếp theo, xem trẻ có phản ứng cố lấy đồ chơi hay không.
- Khi bé cố lấy đồ chơi, mẹ hãy nâng nhẹ phần bên phải của chăn để đỡ lưng của bé. Quan sát và đảm bảo bé thoải mái. Mẹ di chuyển từ từ và chú ý đến biểu hiện của bé ở vị trí mới. Nếu bé có dấu hiệu không thoải mái, mẹ có thể hạ thấp chăn một chút và an ủi bé.
- Khi nâng chăn, mẹ hãy thực hiện một cách cẩn thận và đặt một tay lên bụng bé để giữ chắc vị trí của bé. Nâng chăn đủ cao để hỗ trợ bé trong việc lật người lại. Quan trọng nhất, mẹ nên nhớ để đồ chơi ở tầm với của bé để kích thích bé tập lẫy.
Bài tập này sẽ giúp bé tăng phối hợp vận động toàn thân
Bài tập cầm nắm và nâng đồ vật
Sau khi bé đã cầm nắm tốt các đồ chơi và đồ vật thì bố mẹ nên cho bé tập nâng các món đồ này lên. Hãy làm mẫu cho bé vài lần để bé biết cách nâng. Khi bé nhấc thành công một món đồ vật nào đó, hãy khích lệ bé bằng những tràng vỗ tay để khích lệ trẻ.
Bên cạnh đó, mẹ hãy hướng dẫn bé với và chuyển đồ chơi từ tay này sang tay để giúp bé phát triển khả năng phối hợp vận động nhé. Nhớ khuyến khích bé sử dụng tay không thuận nữa mẹ nhé! Đồng thời, hãy tập cho bé sử dụng ngón tay để lấy đồ chơi, cầm bút, cầm muỗng, thìa khi ăn để phát triển khả năng điều khiển cơ tay của bé.
Tăng khả năng phối hợp vận động bằng bài tập để bé nắm, với và chuyển đồ chơi qua lại
Bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh theo kiểu đạp xe
Bài tập thể dục đạp xe là bài tập vận động cho trẻ sơ sinh thường được các bé rất thích. Bài tập này sẽ hỗ trợ cho trẻ cải thiện sức mạnh của đầu gối, hông và cơ bụng của bé. Đồng thời giúp nâng cao tính linh hoạt của đôi chân cũng như khả năng di chuyển của bé.
Để thực hiện bài tập thể dục này, bố mẹ làm theo các bước sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa và nhẹ nhàng di chuyển chân lên xuống theo chuyển động giống như động tác đạp xe đạp.
- Trong quá trình thực hiện động tác, mẹ có thể vui cười, nói chuyện, hát hay tạo ra nhiều âm thanh ngộ nghĩnh khác nhau.
- Thực hiện động tác liên tục trong 3-5 lần. Sau đó cho bé nghỉ ngơi và tiếp tục một chu trình vận động mới.
Bài tập thể dục đạp xe giúp bé cứng cáp, cải thiện sức mạnh vùng đầu gối
Bài tập ngồi
Bài tập vận động cho trẻ sơ sinh với tư thế ngồi sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện các cơ ở vai, cánh tay và lưng.
Cách thực hiện bài tập này cũng khá đơn giản. Khi trẻ đang nằm ngửa, bố mẹ hãy nắm lấy cánh tay con và nhẹ nhàng kéo lên theo tư thế ngồi. Lưu ý, lưng của bé phải được đảm bảo đặt thẳng đứng.
Sau đó, nhẹ nhàng đặt con nằm xuống và lặp lại động tác tập ngồi. Để giúp bé gia tăng cảm giác thú vị với bài tập thể dục, mẹ có thể tương tác như hôn hay cười nói mỗi khi trẻ được nhấc lên.
Bài tập vận động cho trẻ sơ sinh với tư thế ngồi
2.3. Bài tập vận động cho trẻ từ 7 – 12 tháng tuổi
Bài tập bò
Bài tập này rất tốt cho những bé đã bắt đầu tập bò. Sắp xếp một vài chiếc gối dưới dạng một ngọn đồi nhỏ trên khu vực an toàn của sàn nhà. Khuyến khích em bé bò qua nó. Hoạt động này giúp bé vận động các khớp ở tay và chân. Leo qua “một ngọn đồi bằng gối” là bài tập vận động cho trẻ sơ sinh tập bò hiệu quả.
Ba mẹ cần quan sát bé trong quá trình tập bò
Bài tập đứng
Nếu mẹ để ý, mẹ sẽ quan sát thấy trẻ sơ sinh thích được di chuyển xung quanh và kiễng chân đúng không? Những cử động ngón chân và bàn chân này giúp chân của bé trở nên cứng cáp hơn. Lúc này, ba mẹ đang nâng đỡ phần lớn trọng lượng của bé, hãy để bé thăng bằng một cách nhẹ nhàng. Chú ý rằng em bé của bạn sẽ thường xuyên đá, nhún nhảy điều này sẽ khiến bài tập thể dục cho trẻ sơ sinh này giống như bé đang nhảy!
Mẹ chỉ cần nhẹ nhàng bế bé dưới nách và để bàn chân của bé chạm đất.
Bài tập đi
Đây là bài tập vận động cho trẻ sơ sinh cần thiết trong giai đoạn này. Bé của mẹ chắc hẳn đã đứng chựng được rồi. Nhưng nếu chưa cũng không sao, mẹ hãy bồng bé để hai chân bé đứng trên mặt phẳng. Khi bé đã đứng thoải mái, mẹ hãy giữ tay bé, dẫn dắt bé đi những bước đầu tiên.
Hãy để bé nắm chặt ngón cái hay trỏ của mẹ để tăng cường các phản ứng thần kinh, cơ từ nhóm cơ lưng chứ đừng kéo bé đi mẹ nhé. Khi thấy bé giữ cân bằng một cách ổn định, mẹ cố gắng thả một tay, chỉ để bé nắm một tay và bước đi.
Hãy để bé giữ ngón tay của mẹ để hỗ trợ bé tập đi
3. Lợi ích của việc tập vận động sớm cho trẻ sơ sinh
Tập vận động cho trẻ sơ sinh là một quá trình kết hợp giữa bài tập, rèn luyện thể lực và sức khỏe cho bé. Trong suốt quá trình này, cơ thể bé được làm quen với những chuyển động nhẹ nhàng từ đó nâng cao khả năng thể chất và sức khỏe tổng quát cho bé. Tập vận động cho trẻ sơ sinh có mang lại rất nhiều lợi ích cho bé, dưới đây là những lợi ích đã được PamperMe tổng hợp lại cho ba mẹ:
3.1. Kích thích sự phát triển giác quan của trẻ
Trẻ sơ sinh có cơ thể nhạy cảm và đang phát triển nhanh chóng, việc tập vận động từ sớm giúp cho trẻ phát triển các cơ và xương, cải thiện sự linh hoạt và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Bên cạnh đó, việc tập vận động cũng kích thích sự phát triển của hệ thần kinh và tăng cường sự phát triển toàn diện của trẻ.
Việc tập vận động từ sớm cũng có những lợi ích khác cho trẻ sơ sinh. Đặc biệt, tập vận động có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động cơ bản như bò, nằm, ngồi và đứng. Ngoài ra, nó còn giúp trẻ sơ sinh rèn luyện khả năng cân bằng và tăng cường thể chất. Qua việc tập vận động, trẻ sơ sinh cũng có thể tăng cường cảm giác tự tin và sự khám phá thế giới xung quanh.
Tập vận động cho trẻ sơ sinh mang nhiều lợi ích về thể chất và giác quan cho trẻ
3.2. Cải thiện sức mạnh cơ bắp
Việc tập vận động từ sớm giúp bé tăng cường khả năng cử động và phản xạ của cơ bắp. Khi bé tập vận động, các cơ bắp được kích thích và phát triển một cách tự nhiên. Điều này giúp bé có sức mạnh cơ bắp tốt hơn, từ đó giúp bé dễ dàng thực hiện các hoạt động hàng ngày như nâng đầu, nghiêng người và bò.
Khi vận động cho trẻ sơ sinh, cơ thể của bé sẽ sản sinh ra các kháng thể miễn dịch. Cơ thể tăng cường sức đề kháng tốt, dẻo dai và ít ốm vặt. Những bài tập vận động nhỏ cũng giúp cơ thể bé sơ sinh bài tiết mồ hôi, kích thích hệ tuần hoàn và cải thiện sức khỏe tổng quát cho trẻ.
Các nhóm cơ vận động của bé được kích thích phát triển
3.3. Cải thiện trương lực cơ
Tập vận động cho trẻ sơ sinh chính là ba mẹ đang giúp bé luyện tập các vùng cơ trên cơ thể. Từ đó tăng sức mạnh các nhóm cơ hỗ trợ vận động cho bé. Các bài tập vận động này cũng giúp trẻ nhanh biết lật, bò hay thậm chí đi đứng so với các bé không tập.
Khi tập thể dục, các cơ bắp của trẻ sẽ được kích thích và phát triển một cách tự nhiên. Điều này giúp trẻ có khả năng tự đi và tự di chuyển một cách linh hoạt hơn, từ đó cải thiện được sự ổn định và sự cân bằng của cơ thể. Đặc biệt, tập vận động từ sớm giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bắp như nắm, cầm, vặn và đẩy, tạo ra những chuyển động mượt mà và chính xác.