Tên bé: Hồ Đắc Bảo Đạt



Giới tính: Nam


Ngày sinh: 30/9/2012


Số tuần mang thai: 39


Cân nặng mới sinh: 3 kí 7


Chiều dài: 54 cm


NHẬT KÍ CHÀO ĐỜI CỦA BÉ



Cú thót tim đầu tiên của mẹ


Vạch hồng thứ hai từ từ hiện ra, ban đầu nhàn nhạt rồi đậm dần lên trên chiếc que thử. Mẹ vẫn chưa tin vào thị giác của mình, phải dụi mắt tới mấy lần để biết rằng mình không nhầm lẫn. Vẫn chưa tin tưởng, mẹ chạy ào vào phòng bà ngoại, đập đập tay, gọi bà dậy: “Mẹ ơi, xem dùm con cái này. Có phải là con có em bé rồi không?” Khi cả hai mẹ con đã chắc chắn về kết quả của chiếc que thử, mẹ như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Không kiềm nén được, mẹ đã lấy điện thoại, nhắn tin cho ba: “Chồng ơi, vợ có em bé rồi!” Ngay lập tức, ba gọi điện thoại về, giọng hổn hển: “Thật không? Sao vợ giỏi quá vậy. Đã đến bác sĩ chưa? Chồng đang hành quân với đội, trưa về nói chuyện tiếp với vợ nha!” Mẹ vẫn còn nhớ như in cái cảm giác như trôi bồng bềnh, không biết mình đang sống trong hiện thực hay đang mơ. Vậy là mẹ thành công rồi! Sau bao nhiêu ngày trông đợi, con đã đến với mẹ rồi. Mẹ đã được làm mẹ! Con có biết là lúc đó mẹ vui thế nào không? Một sinh linh mới đang tượng hình trong lòng mình từ chính tình yêu của ba và mẹ, lại đúng vào thời điểm mẹ mong đợi nhất. Còn hạnh phúc nào hơn!


Ba mẹ quyết định cưới nhau sau gần 10 năm hẹn hò. Khi ngày cưới gần kề, ba con nhận được một cơ hội nghề nghiệp rất tốt: đi học xa để trở thành phi công. Mẹ biết đó là ước mơ lớn, là đam mê của ba, là cơ hội để có một tương lai tốt hơn cho gia đình nên sẵn sàng chờ đợi. Đám cưới vẫn diễn ra như dự định, chỉ có điều hôm trước cưới, hôm sau ba đã bay rồi. Ba tháng trời sau đám cưới, ba và mẹ chi nói chuyện được với nhau qua những dòng tin nhắn ngắn ngủi buổi tối, khi ba con đã hoàn tất những bài học căng thẳng, những giờ rèn luyện thể lực gắt gao. Tết, khi ba có được mười ngày phép cũng là lúc ba mẹ có một kì “trăng mật” muộn sau đám cưới. Rồi ba lại bay đi. Mẹ đã mong ước một phép màu, cầu mong cho con đến với mẹ vào lúc đó. Con sẽ là chiếc cầu nối yêu thương, để những chờ đợi của mẹ được ngắn lại, để mẹ có cảm giác người đàn ông của mẹ vẫn hiện diện trong gia đình, để ba không phải lo lắng mẹ ở nhà thui thủi một mình, để bà nội bớt buồn nhớ ba con.


Mẹ đã chờ đợi và có linh cảm mạnh mẽ về sự xuất hiện của con khi nghe thấy cơ thể mình có điều gì khang khác. Chưa đến ngày “đèn đỏ” nhưng mẹ vẫn không muốn chờ đợi thêm, đã ra nhà thuốc mua que thử. Và mẹ đã vui sướng đến bật khóc khi thấy hai vạch hồng xuất hiện. Bà ngoại báo tin cho bà nội, bà nội báo cho các bác. Cả nhà ai cũng vui lắm.



Trưa hôm đó, mẹ đến bác sĩ để kiểm tra lần đầu bằng máy siêu âm. “Chị có thấy một túi nhỏ giống túi thai, nhưng không rõ. Tử cung có ít dịch cùng đồ. Có khả năng là thai ngoài tử cung, nó cũng gây ra ảo ảnh giống như có túi thai vậy. Chưa kết luận gì được. Mười ngày sau, em quay lại, chị kiểm tra lại nhé!” Kết luận của bác sĩ làm mẹ choáng váng. Niềm vui vừa đến với mẹ, lẽ nào ngay lập tức mẹ đã nhận được một tin xấu? Lái xe một mình trên đường mà mắt mẹ nhòe nước. Mẹ tự nhủ: “Không phải đâu, con đến rồi, chắc chắn là con đến rồi, chỉ là con muốn trêu mẹ một chút thôi.” Và mẹ tự dặn mình: “Không được nói với ba con, để ba con không bị phân tâm khi tập luyện. Không được nói với bà nội, bà ngoại để các bà không phải lo lắng. Không được kể cho ai nghe hết, mười ngày qua nhanh lắm. Đến lúc đó, thông báo với mọi người về sự hiện diện khỏe mạnh của con cũng không muộn mà” Bà nội gọi điện, bà ngoại hỏi thăm, mẹ chỉ cười vui vẻ: “Bác sĩ bảo ổn, chờ tuần sau cho chắc ạ!”


Mười ngày như dài bất tận. Buổi tối, mẹ hay trải qua những cơn mộng mị, Mẹ mơ thấy con, xinh xắn mỉm cười với mẹ. Rồi đột nhiên một đám mây đen kéo tới, cuốn con đi mất. Mẹ ú ớ gọi, rồi giật mình thấy gối mình ướt đẫm. Mẹ lại trằn trọc thức đến gần sáng, không dám ngủ vì lại sợ mình mơ tiếp giấc mơ đó. Mẹ lên mạng, search thông tin về thai ngoài tử cung, thấy sợ hãi, lại chuyển sang thông tin về chăm sóc thai kì, mẹ hình dung khuôn mặt dễ thương của con để quên đi lo lắng. Và mẹ tự nhủ: “Bây giờ con đã tồn tại rồi, mẹ không được lo lắng. Con còn yếu, thần kinh mẹ không vững sẽ ảnh hưởng không tốt đến con.” Cứ thế, mẹ đã tự lên dây cót tinh thần cho mình trong mười ngày trĩu nặng lo âu đó. Lần thứ hai đến phòng mạch bác sĩ, khối đá đè nặng trên ngực mẹ đã được tháo gỡ: con đã đến thật rồi, be bé xinh xinh bằng một hạt đậu đỏ, bắt đầu có tim thai. Lần này thì thực sự mẹ đã “trúng số độc đắc” rồi...



Cuôc vượt cạn khó khăn


Bác sĩ dự sinh cho mẹ ngày 10/10. Khi còn gần 2 tuần mới tới ngày đó, bà nội, bà ngoại đều bảo bụng mẹ còn cao lắm, chưa đẻ đâu, mẹ cũng tin rằng thế khi chưa có dấu hiệu mệt mỏi gì cả.



Ngày 29/9, buổi sáng mẹ còn dắt anh Ti, chị Bảo Phương - anh chị họ của con đi chụp ảnh cho tờ Ngôi sao nhỏ, buổi trưa còn hớn hở ăn sinh nhật của anh Bảo, buổi chiều tối còn chăm chỉ viết bài. Bao nhiêu là hoạt động nhưng mẹ không thấy mệt mà chỉ muốn làm, làm thật nhiều để chuẩn bị tinh thần cho con chào đời.



3h sáng ngày 30/9, mẹ bắt đầu thấy đau bụng, nhưng không có cảm giác đó là kiểu đau của những bà mẹ sắp sinh con. Mẹ cứ đi ra đi vào toilet, nghĩ rằng do bữa tiệc sinh nhật trưa qua làm mẹ khó chịu. Mẹ cố làm mọi cách để có thể đi "ấy ấy", giải quyết cơn đau bụng mà không thể. Mẹ uống sữa bầu, mẹ uống nước cam, mẹ đi ra đi vô, mong hệ bài tiết hoạt động hiệu quả. Nhưng chẳng ích lợi gì cả. Không một dấu hiệu sanh nào xuất hiện giống như những gì mẹ từng nghe kể và tìm hiểu trên mạng. Không có máu báo, không có nút nhầy xuất hiện, không có hiện tượng tụt bụng bầu,... Tất cả chỉ là từng cơn, từng cơn đau bụng quặn quặn. Mẹ đau mà không cảm nhận được đó là những cơn gò phần dưới, chỉ thấy nó đau giống những lúc gặp vấn đề về tiêu hóa và bài tiết mà thôi.


Nhưng rồi, cứ 5 phút mẹ lại thấy đau 1 lần, vật vã. Nhà thì xa bệnh viện, thời khắc còn sớm sủa quá, mẹ ngại ngần không dám gọi cho bác sĩ Diệp để hỏi thăm, sợ phiền bác. Chờ đến 4h30, mẹ mới nhấc điện thoại, nghe giọng bác nhỏ nhẹ và có vẻ đang ngủ: "Vào bệnh viện đi em". Mẹ tắm rửa, thay áo đầm bầu thoải mái nhất, chọn cái áo màu xanh vì màu xanh hợp với mạng thủy của con. Tắm táp xong thì mẹ vừa thấy máu báo. Vậy là quyết định chính thức thẳng tiến bệnh viện TỪ DŨ, không ngần ngại nữa.



Đoạn đường nằm trên taxi, mẹ đau đến xanh cả mắt, cảm giác cứ 3 phút xuất


hiện một cơn. Thấy đoạn đường mười mấy cây số sao mà xa dịu vợi



Vào phòng cấp cứu lúc 6h15, bác sĩ khám bảo rằng: "nở 7 phân rồi". Mẹ chẳng còn ý thức rõ ràng được xung quanh nữa. Chỉ nhớ rằng bà ngoại đã cố đưa cho mẹ li sữa hột gà để uống cho dễ sanh trước khi mẹ được đẩy lên phòng sanh. Còn ba thì hớt hải mang vác đồ đạc và lơ ngơ làm thủ tục nhập viện cho mẹ. Bước lên bàn sanh, mẹ được gắn máy đo cơn gò và đo nhịp tim của con. Những cơn đau ngày càng khủng khiếp hơn, tưởng như không chịu nổi nữa. Thỉnh thoảng, những cô nữ hộ sinh vào kiểm tra xem nở được mấy phân rồi. Mẹ nghe thấy tiếng nước ối chảy. Phòng sanh nhộn nhịp và rất nhiều người bận rộn nên êkip làm việc không có được mấy người ngọt ngào. Có lẽ vì các bác, các cô quá bận và quen với cảnh đau đẻ hàng ngày nên họ không còn cảm giác sốt ruột và phải an ủi sản phụ nhiều nữa. Mẹ nghe những tiếng rên, những tiếng em bé khóc oa oa. Mẹ tự hỏi, chừng nào con của mẹ mới cất tiếng khóc chào đời, không phải để mẹ hết đau mà để mẹ biết con an toàn. Mẹ biết bác sĩ Diệp tới được với mẹ con mình, nhưng chờ mãi chưa thấy bác tới. Mẹ chỉ mong bác tới mau mau như thể đấy chính là vị cứu tinh duy nhất, niềm tin duy nhất của mẹ lúc bấy giờ. Khoảng 7h, bác Diệp xuất hiện, vào khám rồi đi ra ngay, mất hút. Các cô nữ hộ sinh vào khám trong, người thì nhìn đầy vẻ cảm thông, người thì gắt gỏng: "Đẻ thì phải đau, đừng kêu nữa, kêu nữa là tui không vào đâu. Kiểm tra nhiều chỉ tổ nhiễm trùng thôi!"



Mà thực sự lúc đó mẹ lo lắm, không phải lo cho những cơn đau của mình, mà vì


những thông tin khác nhau mẹ nhận được. Người thì bảo mẹ nở 7 phân rồi, cô nữ


hộ sinh lạnh lùng thì bảo mới nở 5 phân thôi. Có cô áo xanh có vẻ như là bác sĩ


thì bảo nở 8 phân, cho chích thuốc làm mềm cổ tử cung, dạy mẹ cách rặn, bảo


thấy muốn rặn thì cứ rặn. Ấy thế mà vẫn cô nữ hộ sinh lạnh lùng thì chửi bới:


"Tui bảo mới có 5 phân thôi, ngừng rặn đi, vỡ tử cung bây giờ!" Mẹ biết nghe ai đây, mà phòng sanh thì đông đúc quá, mẹ sợ người ta quên mất sự hiện diện của mẹ con mình.



Trong khi đó, những cơn buồn rặn thì cứ dồn dập đến với mẹ, nhịp tim con thì


lúc trồi lúc sụt thất thường. Mẹ chẳng biết làm gì, chỉ biết cố hít thở như


sách báo mẹ đã đọc, nhưng chẳng xi nhê gì cả, chỉ thấy mình không dừng lại được


bản năng tự nhiên lúc đó. Giữa những cơn dừng nghỉ, mẹ chỉ còn biết thì thào:


"Đậu Đỏ ơi, cố lên con, đừng bỏ cuộc!" Và mẹ đọc kinh, cầu nguyện từ


Chúa, đến Phật, đến tổ tiên ông bà phù hộ cho con...



8 giờ, bác sĩ Diệp lại vào, kiểm tra mẹ. Bác Diệp bảo mẹ rặn đi, và nhấn sâu


vào kiểm tra đầu của con đến đâu rồi. Được 1 lúc, bác Diệp chặc lưỡi: "To


quá, không thuận lắm, chị cho em mổ nhé!"


Thủ tục kí tên mổ đẻ diễn ra trong cơn không tỉnh táo mấy của mẹ, và mẹ được


đẩy vào phòng mổ, chờ đợi đến lượt mình "lên thớt". Chỉ mong thời


gian trôi thiệt nhanh cho giờ G diễn ra. Vì những cơn rặn cứ dồn dập, mẹ chẳng


dừng lại được, mẹ sợ con bị ngộp. Chỉ đến khi bác sĩ dựng mẹ dậy, chích thuốc


tê vào cột sống, mẹ mới thấy mình như được sống lại. Những cơn đau, gò rặn khó


chịu dừng lại rồi... Mẹ nằm xuống, được phủ khăn trắng che mất tầm nhìn, nghe bác sĩ nói chuyện


và hỏi han gì đó. Các bác hỏi mẹ có dị ứng gì không, nhà ở đâu thì phải. Nghe


rẹt rẹt ở phía dưới nhưng không có cảm giác gì cả. Tầm 3 phút thôi, đã cảm giác


thấy như có cái gì đó được lôi ra khỏi bụng mình, nhẹ nhàng. Và tiếng con khóc


váng lên, to lắm, mẹ biết rằng mẹ con mình đã bình an. Lúc đó là 9h50 phút sáng


ngày chủ nhật 30/9/2012...



Các cô hộ sinh mang con đi vệ sinh, lau rửa, cân đo. Mẹ thì vẫn nằm đó, để


khâu vết mổ. Mẹ nghe bác Diệp trao đổi với êkip, la cô hỗ trợ sắp chỉ không


đẹp, nhưng mẹ không đủ khỏe để nói lời cảm ơn bác Diệp nữa. Nghe loáng thoáng:


"3kí 2!" Và mẹ được thông báo: "Con trai, 3 kí 2!" Ai đó vạch "truym" của con cho mẹ xem, chìa mặt con cho mẹ nhận, mẹ chỉ biết nhìn thế thôi chứ mắt mờ lăm, không rõ. Rồi con được đưa đi, mẹ được đẩy vào phòng săn sóc hậu phẫu…


Yêu con từ cái nhìn đầu tiên


Sau khi mổ xong, mẹ được đưa vào phòng hồi sức, từ từ cảm nhận thuốc tê tan


dần và cảm giác đau gò chầm chậm xuất hiện. Bên phải của mẹ là một cô cũng sinh


năm 84, sinh mổ được con gái 2kí 8, Bên trái là một giường sản phụ có vẻ rất


nghiêm trọng, mọi người phải theo dõi sâu sát, có ấy mê mê tỉnh tỉnh, bác sĩ


phải thường xuyên theo dõi nhịp tim, thỉnh thoảng phải lay lay cô ấy dậy hỏi:


"Em tỉnh chưa?" Có lẽ đau quá mà cô ấy mê sảng, thò tay rút luôn ống


dẫn tiểu tới mấy lần. Mẹ không biết cô ấy bị gì, nhưng có lẽ là không ổn nên


người nhà được gọi vào thăm cổ. Những ca bình thường, người ta sẽ không gọi


người nhà vào đâu. Mẹ mừng vì biết mình ổn, tình hình tốt, Đậu Đỏ à.



Mẹ không biết đến bao giờ mới rời khỏi phòng săn sóc này để đến bên con. Cảm


giác lúc đó chỉ là mong cái kim đồng hồ chạy nhanh thiệt nhanh. Mắt mẹ thì không


thấy đường vì không được mang mắt kiếng nên càng sốt ruột dữ, thấy mình chẳng


kiểm soát được thời gian gì cả. Thường thì khoảng 5 - 6 tiếng, nếu sản phụ ổn


sẽ được đưa về phòng gặp bé. Nhưng qui tắc đó là 1 chuyện, còn 1 chuyện quan


trọng hơn là người nhả có đăng kí được phòng hay không. Nếu chưa đăng kí được


phòng thì càng phải chờ lâu, mà thời điểm này việc đăng kí phòng nằm ở Từ Dũ


thì kinh hoàng lắm. Người người nằm hành lang, bé bé nằm hành lang. Mẹ nằm đó


mà sốt ruột vô cùng, thấp thỏm không biết bà ngoại và ba con có đăng kí được


hay không. Mẹ nằm 1 chỗ, chẳng làm gì được, hoang mang lo lắng chuyện phòng ốc, chuyện


con trai mẹ có khỏe không, chuyện người nhà mình ở ngoài chờ đợi lay lất hay


đang "đấu tranh vật vã" với hàng trăm người để giành 1 chỗ cho mẹ con


mình. Khoảng 4h, mẹ được đầy ra ngoài, một cô hộ sinh ẵm con để dưới chân mẹ.


Mẹ cảm nhận được cơ thể nhỏ bé, ấm nóng đang ngo ngoe dưới chân mình. Cảm giác


thân thương và hạnh phúc vô cùng. Mẹ hỏi lại: "Con trai em 3 kí 2 phải không chị? ""Không, 3 kí 7". Mẹ: "Ủa, sao hồi sáng em nghe báo 3 kí 2 mà!" "Thông báo 3 kí 2 là nhầm đó cưng!" Mẹ: "Vậy bé dài bao nhiêu vậy chị?" - "54cm". Chỉ cần nghe thế thôi là mẹ thấy tự hào vô cùng rồi. Mẹ thấy bà ngoại, bà nội, bác hai và ba con xăng xái đón 2 mẹ con mình. 4


người đó đã túc trực từ sáng sớm để lo lắng, chờ đợi, lo mọi thủ tục cho giờ


phút này. Bà nội là người vào nhận mặt con đầu tiên, sau mẹ. Và bà đã khóc, con


à. Chào đón đứa cháu nội đầu tiên hẳn là có nhiều cảm xúc vô cùng.



Con được đưa lên gần ngực mẹ, để được "mum mum". Mẹ chẳng có miếng


sữa nào, nhưng con vẫn mút, cái miệng chép chép như con chim non. Bà nội là


người đã đút cho con bình sữa đầu tiên. Hành trình làm quen với cuộc sống mới


ngoài bụng mẹ của con đã chính thức bắt đầu..


Thử thách của thiên thần


Những ngày đầu làm mẹ với nhiều bỡ ngỡ lúng túng, mẹ phải


học từ những điều nhỏ nhặt nhất: cách bế con cho bú, vuốt lưng cho con ợ hơi,


thay tã khi con tè, con ị,… Đối diện với sinh linh bé bỏng, mẹ thấy mình thật vụng


về, làm gì cũng sợ làm đau con. Tối hôm đó, sau khi vừa bú no nê, con giãy lên


khó chịu vì tã ướt. Đậu Đỏ của mẹ ưa sạch sẽ và nóng tính, chỉ cần bị ướt tã


một chút là đòi mẹ phải thay ngay, không là con sẽ giãy lên, khóc ré. Luống


cuống, ba mẹ nhấc mông con lên hơi cao, làm con bị ọc sữa. Sữa trào ra đằng


mũi, con bị sặc và khò khè. 12h đêm, ba hốt hoảng dắt xe ra đường, tìm mua ống


hút mũi cho con. Ba chạy hơn 10 cây số, vào tận nhà thuốc bệnh viện 175 nhưng


không có. Đêm đó, ba mẹ thức trắng, cứ phập phồng lo lắng, mong trời mau sáng.


Ngày hôm sau, con bắt đầu ho từng cơn khó chịu. Mẹ nhỏ nước muối sinh lí, thông


mũi, rơ miệng cho con nhưng tình hình cũng không khá hơn. Ôm con đến phòng mạch


bác sĩ gần nhà, bác chẩn đoán con bị viêm phổi, phải đưa đi bệnh viện gấp. 8h tối,


con nhập viện mà lòng mẹ rối bời. Trong hình dung của mẹ, bệnh viêm phổi rất


đáng sợ, và mẹ tưởng tượng ra những tình huống vô cùng tồi tệ. Con được đẩy vào


phòng cách li, để các cô y tá lấy ven, chích thuốc và theo dõi cho đến khi có


giường trống, mẹ mới được ở cùng con. Đậu Đỏ háu ăn và nóng tính bị đói, khóc


đỏ cả mặt mày. Mẹ đứng ngoài cửa phòng, thấp tha thấp thỏm, chẳng biết làm sao,


thấy lòng mình như có hàng trăm con kiến đốt. 4 tiếng đồng hồ bị cách li với


con, mẹ thấy thời gian như trôi qua hàng thế kỉ. Đến lúc nhận được con về


giường với mẹ, nhìn con xanh rớt trong bộ quần áo bệnh nhi, tay dán đầy băng


keo do bị trật ven, mẹ chỉ ước sao ngay lúc đó, người bị bệnh là mẹ, để con


không phải mệt như thế. Phòng bệnh có 10 giường, mỗi giường được chia cho 2 em


bé, 2 bà mẹ. Khoảng không gian đặc quánh, nóng nực càng ngột ngạt hơn khi lúc nào


cũng có tiếng em bé sơ sinh khóc. Đêm, mẹ không tài nào chợp mắt được, vì chỉ


vừa nhắm mắt lại là nghe tiếng em bé khóc. Mẹ lại bật dậy vì sợ con đau. Ngày 3


lần, mẹ ẵm con đi qua dãy hành lang dài, xếp hàng chờ tiêm thuốc kháng sinh.


Con hay bị trật ven, các cô ý tá phải lấy đi lấy lại nhiều lần, hai tay, hai


chân con chi chít những vế kim tiêm, tím bầm. Ẵm con đi chích, con khóc ré vì


đau, tim mẹ như nghẹn lại. Khi mũi thuốc tiêm xong cũng là lúc mắt mẹ giàn giụa


nước. Các cô làm vật lý trị liệu đến giúp con lấy đờm ra khỏi cổ cho hết ho. Con


được nhỏ 2 chai nước muối sinh lý, bị đánh cho khóc, được các cô dùng tay bóp


mạnh vùng mặt, vùng cổ để tống đờm nhớt ra ngoài. Nhìn con tím tái mặt mày,


nước mắt nước mũi tèm lem như con mèo hen, mẹ chỉ biết quay đi, lặng lẽ khóc.


Mẹ tự trách mình nhiều lắm. Mẹ trách mình đã không thể cố gắng sinh con bằng


phương pháp tự nhiên. Có phải vì con sinh mổ nên sức đề kháng yếu, dễ bị các


bệnh về đường hô hấp? Mẹ giận bản thân mình quá vụng, đã sơ ý làm con bị ọc


sữa. Có phải vì bị ọc sữa, sữa tràn ngược lại vào phổi khiến con bị viêm phổi


không? Rồi mẹ cầu nguyện ơn trên phù hộ cho con vượt qua bệnh tật. Mẹ đồng ý bị


tổn thọ 10 năm, 20 năm, chỉ mong sao con được mạnh khỏe, bình an. Bảy ngày nằm


viện, người con lúc nào cũng nghe mùi kháng sinh, đến cả tã lót cũng nghe mùi


thuốc. Mỗi ngày, mẹ chỉ mong chờ đến giờ bác sĩ khám, để được thông báo con đã


khỏe, có thể xuất viện về nhà. Một tuần chưa bao giờ lại dài đến thế. Ngày con


được thông báo xuất viện, mẹ thấy mọi thứ như bừng sáng, mẹ lại tràn đầy hi


vọng và tự tin. Sau “thử thách ú tim” đó, Đậu Đỏ của mẹ đã rất ngoan. Con bú


giỏi, phát triển tốt, đúng “tiến độ” “bốn tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò,


chín tháng lò dò biết đi” Trong quá trình con lớn lên, cũng còn khá nhiều phen


mẹ lo lắng khi con ốm bệnh, lười ăn nhưng rồi tất cả cũng qua hết. Giờ con đã là "chàng trai nhỏ" 11 tháng nghịch ngợm, thích leo trèo, khám phá, thích làm cho mọi thứ trong nhà rối tung lên. Mỗi ngày được ở bên con là 1 ngày mẹ lớn thêm cùng thiên thần nhỏ, mẹ tự hoàn thiện mình để làm mẹ điểm 10 của con. Chỉ cần nhìn


nụ cười sảng khoái của con là mẹ có thêm sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, vất


vả.