Nghỉ làm 6 tháng để sinh con và chăm sóc con, không lương nhưng bù lại có tiền thai sản, mẹ có thắc mắc cách tính tiền bảo hiểm thai sản năm 2020 ra sao không.
>>> Đóng bảo hiểm bao lâu để hưởng chế độ thai sản: Tính toán kỹ có lợi cho mẹ
Cách tính tiền bảo hiểm thai sản năm 2020, hẳn đây là câu hỏi mà nhiều bà mẹ sinh con trong năm nay thắc mắc và mong chờ mình sẽ nhận được nhiều tiền.
Về nguyên tắc, mẹ cứ nhớ là tiền đóng bảo hiểm xã hội nhiều thì lúc hưởng cũng sẽ được nhiều. Trước khi sinh, mẹ check lại mình đủ điều kiện về thời gian nghỉ lẫn thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội chưa, nếu rồi thì thử nhẩm xem số tiền mình nhận được là bao nhiêu.
Dưới đây, mình sẽ chỉ mẹ cách tính tiền bảo hiểm thai sản năm 2020.
Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay
Đầu tiên, mẹ cần xác định được tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của mình là bao nhiêu, để biết chính xác, mẹ có thể tra cứu trên website của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mục Tra cứu quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Xác định được con số cụ thể này, mẹ dễ dàng tính được tiền bảo hiểm thai sản mình sẽ nhận được.
Khi sinh con, có 2 khoản mẹ sẽ nhận được, thường là nhận chung 1 lần luôn.
1 là tiền hưởng chế độ thai sản, mẹ cứ lấy tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ để sinh con, nhân với 6 tháng (tương ứng với thời gian được nghỉ).
Ví dụ, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội mỗi tháng của mẹ là 10 triệu. Vậy thì tiền hưởng chế độ thai sản của mẹ sẽ là 10 triệu đồng x 6 tháng, là 60 triệu đồng.
Nói đến đây, nhiều mẹ thắc mắc, vì sao lương thực tế của mẹ 10 triệu đồng, nhưng nhận tiền thai sản ít hơn 60 triệu, lúc này, mẹ phải xem lại tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của mẹ có phải là 10 triệu không, hay thấp hơn?
2 là tiền trợ cấp một lần khi sinh con, mức này hiện tại là 2,98 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương cơ sở. Dự kiến, mức này có thể thay đổi kể từ ngày 01/7/2020 lên 3,2 triệu đồng, do mức lương cơ sở thay đổi. Đây chỉ là dự kiến, vì nhiều đề xuất cho rằng, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên tạm thời chưa áp dụng mức lương cơ sở mới từ ngày 01/7/2020. Hiện vẫn chưa có thông báo chính thức về việc sẽ chưa áp dụng mức lương mới này.
Biết được cách tính tiền bảo hiểm thai sản năm 2020 mẹ thử nhẩm xem mình sẽ nhận được bao nhiêu, rồi khi nhận tiền, kiểm tra lại mình nhận đúng số này không. Nếu không đúng thì phải thắc mắc, khiếu nại lên bộ phận phụ trách để đảm bảo quyền lợi cho mình.
À, còn nữa, mẹ nhớ thêm chỗ này, sau khi nghỉ hết 6 tháng thai sản, nếu mẹ muốn nghỉ thêm nữa mà vẫn có tiền, mẹ có thể áp dụng quyền lợi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh nhé.
Thời gian nghỉ phụ thuộc vào tình trạng sinh của mẹ, có thể dao động từ 05 ngày đến 10 ngày. Nên nhớ, thời gian này tính luôn cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
- Đối với trường hợp sinh đôi trở lên: Được nghỉ tối đa 10 ngày.
- Đối với trường hợp sinh mổ: Được nghỉ tối đa 07 ngày.
- Đối với trường hợp còn lại: Được nghỉ tối đa 05 ngày.
Cứ mỗi ngày nghỉ được hưởng bằng 447 ngàn đồng, tương đương với 30% mức lương cơ sở. Mức này có thể thay đổi khi mức lương cơ sở thay đổi.
Tổng hợp