Theo các nghiên cứu khoa học, tuổi lên 3 được xem là một cột mốc quan trọng với trẻ bởi đây là giai đoạn trẻ có sự phát triển nhanh về não bộ, nhu cầu khám phá bản thân và khả năng học hỏi. Vì thế, ngoài sự yêu thương, chăm sóc ở gia đình, cách tốt nhất để cho trẻ có được một nền tảng vững chắc về phẩm chất, nhân sinh quan chính là chọn cho con một môi trường giáo dục phù hợp.
Đặt nền móng cho những giá trị nhân cách
Ai cũng muốn con mình trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, doanh nhân… những công việc được xã hội trọng vọng. Đó là những giấc mơ đẹp, hữu hình, có thể nhìn thấy và cân đo đong đếm được nhưng không hoàn toàn đúng với thời gian. Sinh thời nhà văn Sơn Nam từng viết: “Tôi muốn con mình trở thành người tử tế, con mình lớn lên trở thành một người chính trực, trung thực, cho bản thân con, cho gia đình nhỏ, không gian nhỏ của con và cho xã hội”. Phải, điều cốt lõi mà một đứa trẻ cần học từ những năm đầu đời chính là “học lễ”, học làm người.
Hiểu được điều này, Hội đồng Chuyên môn của Hệ thống Trường Dân Lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã nghiên cứu và xây dựng nên một hệ thống 7 giá trị cốt lõi bao gồm: tính xuất sắc, tự tin, chính trực, tôn trọng, đam mê, tinh thần đồng đội và tự hào dân tộc. Đây là những phẩm chất nền tảng, cần thiết cho độ tuổi mầm non và xuyên suốt các năm phát triển sau này để giúp trẻ trở thành những người trung thực, lễ phép, biết tôn trọng, hỗ trợ những người khác và mạnh dạn tìm tòi, học hỏi những điều mới mẻ…
Tại VAS, các giá trị này được giảng dạy lồng ghép cả trong chương trình chính khóa lẫn ngoại khóa dưới dạng những câu chuyện kể, những trò chơi, những ví dụ sinh động giúp trẻ làm quen và hình thành nên những thói quen tốt.
Giúp trẻ phát triển nhận thức, kỹ năng và khám phá thế giới
Với quan điểm mang đến môi trường “Học vui – vui học”, VAS vận dụng nhịp nhàng các phương pháp trực quan, nghe-nhìn, vận động, tương tác và kiến tạo nhằm đem lại cho học sinh một môi trường học tập tự nhiên, phấn khích và tôn trọng sự đa dạng của mỗi bé. Các hoạt động học tập được xây dựng theo hướng dự án hóa đồng bộ cho cả Chương trình Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT và Chương trình hội nhập quốc tế. Những dự án với nội dung về khoa học, âm nhạc, kịch nghệ, hội họa, thể thao… được các em hưởng ứng tham gia, tiếp thụ thông qua những hoạt động dã ngoại, thực nghiệm, thực hành trên các thiết bị hiện đại như bảng thông minh, các trò chơi tương tác trực tuyến, phòng Lab, phòng chiếu phim và các khu vực chức năng khác. Đây là mô hình Học tập Đa Hoạt động ở bậc học Mầm non (Multi-Faceted Approach to Learning for Kindergarten) VAS xây dựng để các em yêu thích đến trường và say mê học hỏi, khám phá.
Tại VAS, các bé mầm non cũng được làm quen với Anh ngữ và công nghệ thông tin – những công cụ then chốt hỗ trợ cho các cấp học cao hơn cũng như trong cuộc sống sau này. Ở lớp, các bé được chuẩn âm ngay từ giai đoạn tiếp thu ngôn ngữ đầu đời và làm quen với vốn từ, các quy tắc ngữ pháp một cách tự nhiên, thoải mái thông qua hoạt động học và chơi trực tiếp với giáo viên bản ngữ.
Ngoài ra, việc hình thành và phát triển những kỹ năng cơ bản và tự chăm sóc bản thân như tự dùng tiệc buffet, sắp xếp đồ chơi, vệ sinh thân thể, bảo quản đồ dùng cá nhân…được nhà trường chú trọng giúp các bé bồi đắp khả năng tự lập, tự chủ.
Để dẫn dắt trẻ hướng đến sự phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, tri thức đến tình cảm-xã hội, óc thẩm mỹ… bên cạnh mô hình học tập tiên tiến, đội ngũ giáo viên chính là yếu tố then chốt tại VAS. Ngoài năng lực chuyên môn, các thầy cô, bảo mẫu ở khối mầm non còn phải có những phẩm chất đạo đức tốt và đặc biệt là phải có lòng yêu thương con trẻ. Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, giáo viên VAS quan tâm đến mọi chuyển biến của từng học sinh về thể chất, tâm sinh lý, hiểu được tính cách, sở trường sở đoản để thường xuyên trao đổi với phụ huynh để có cách giáo dục tốt nhất và chuẩn bị cho các bé tâm thế sẵn sàng bước vào bậc tiểu học.