Đó là câu hỏi con đã không ít lần tự đặt ra khi đối mặt với ba những ngày còn thơ dại. Và giờ thì con biết, con đã có câu trả lời....
Ba tôi, người đàn ông đông con/cháu gái nhất dòng họ, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ phiền muộn vì điều đó....
Nói thế bởi gia đình tôi, ngoài ba ra thì "một bề là công chúa". Sinh hai con gái, đến năm mẹ tôi bầu đứa thứ ba, bà con, hàng xóm đến cả bạn bè biết chuyện đều vỗ vai ba tôi cười hề hề, rồi “đúc” ra câu chúc như một: “Kiếm con trai hả?”, “Cố mà đẻ 1 thằng cu nha”, “Lần này mà không có cháu trai cho ông nội nữa là dở..." Ba tôi chẳng nói gì, chỉ cười đáp lại.
Rồi đến ngày má tôi sinh em gái, ba vui như "trúng số". Ba nói, mỗi đứa con gái của ba đều là một món quà, ba trân quý và chỉ mong chúng được hạnh phúc.
Rồi chị tôi lấy chồng, lại sinh liền tù tì hai bé gái. Quân số đã tăng lên, nhưng quả nhiên, ba tôi vẫn là người ... đẹp trai nhất nhà.
Có những hôm gia đình tụ họp đầy đủ, mẹ con, chị em, dì cháu tôi ngồi chật ních cả nhà, nhiều người đi ngang, không nhịn được buông câu chọc ghẹo, ba tôi vẫn cười khà khà: “Phước lớn lắm, đố ai được như tui”. Đi đâu, ai hỏi ba cũng sẵn sàng khoe rằng nhà tôi có năm "bình rượu quý”.
Có lẽ chính vì thế mà suốt mấy chục năm qua, chưa một lần chị em chúng tôi mang cảm giác tự ti vì mình là “con gái”. Tình cảm của ba, chia đều cho từng đứa. Ba bảo, có con trai cũng được, không có cũng chẳng sao. Đẻ nhiều con gái, là ... phước 3 đời.
Ba tôi, người đàn ông trụ cột lam lũ nắng mưa, nuôi "5 miệng ăn" không một lời ca thán...
Nhà đông con (gái), sức khỏe của má vốn không được tốt, áp lực cơm áo gạo tiền càng đè nặng lên đôi vai của ba.
Nhớ thuở còn nhỏ, có những đêm khuya giật mình thức giấc nghe tiếng chân ba đi làm về. Tôi nhoái đầu ra phía cửa, thấy khắp người ba bám đầy bùn đất, mồ hôi nhễ nhại. Ba ngó vào, thấy mắt con rưng rưng, chỉ khẽ khàng thỏ thẹ: "Ngủ đi con".
Cực nhọc là vậy, nhưng nào có bao giờ tôi nghe ba thở than: "Đời sao khổ". Sáng sớm, khi mẹ con tôi vẫn còn say giấc, ba đi mua đồ ăn sáng về, tỉ mẩn đặt lên kệ bếp đâu vào đó rồi mặc chiếc áo rách đi làm. Chiều đến, chở xong vài xe đất, ba lại xách về những bịch thức ăn vẫn còn nóng hỏi, "vỗ béo" cho chị em tôi. Ba nói, ba thương con gái đến vậy, chẳng biết sau này những "chàng rể quý" có yêu thương chúng được như một nửa ba không?
Ba tôi, người đàn ông “không sợ trời, không sợ đất", chỉ sợ làm thương tổn vợ con trong phút nóng giận...
Bao năm làm con, chỉ duy nhất một lần tôi thấy ba hừng hừng lửa giận, cầm roi chĩa về phía chúng tôi. Nhớ đêm ấy, chị em tôi xin ba má đi thuê truyện tranh, hứa nửa tiếng rồi về. Nhưng bản tính vốn ham chơi, nào có đứa trẻ ngoại lệ.
Rồi chẳng nói chẳng rằng, chị em tôi tạt sang nhà 1 người bạn chơi đến tối mịt, mà quên mất rằng, ở nhà, ba má “lòng như lửa đất” vì lo lắng cho con. Khi nghe tiếng bước chân của chúng tôi ở trước cửa, ba đang nằm trên giường vội bật dậy, lao nhanh ra, tôi sợ hãi ngước mắt thấy ba giơ cây roi lên, rồi vụt nhanh vào …. góc tường. Tôi ngớ người chẳng hiểu, là ba thương con đến mức nào mới có thể nhẫn nhịn đến thế?
Đến tối, khi ba đã ngủ, má khẽ kéo chúng tôi vào 1 góc, nhỏ to: “Nãy ổng đi tìm tụi bây mà không thấy, sốt ruột như muốn lục tung cả thành phố lên. Ổng lo tụi bây gặp chuyện, đùng đùng lửa giận”. Sau lần đó, chị em tôi tởn đến già.
Rồi những lần ba má tôi gây gổ, dù có tức đến đâu, tôi cũng chưa từng thấy ba vung tay đánh má . Đỉnh điểm, có lần, ba má cãi nhau rất to, má tôi vớ phải cái ghế ném thẳng vào người ba, lập tức ánh mắt ba đỏ ngầu, nhìn thẳng vào má tràn đầy sự giận dữ. Tôi nắm chặt 2 tay sợ hãi khi thấy ba tiến đến sát má, nhưng rồi lại ... quay ngoắt bỏ đi. Tôi biết, ba sợ làm má tổn thương, nên gạt đi lòng tự tôn vốn có.
Ba tôi, người đàn ông làm nhiều hơn nói, và cũng lắm lúc “yếu đuối” đến bất ngờ....
Ngày chị gái tôi đi lấy chồng, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của ba ngồi một góc sau khoảnh khắc chị ấy bước lên xe hoa. Ba vừa hút thuốc, vừa chống cằm nghĩ suy. Tuy ba chẳng nói gì, nhưng tôi, khi ấy – chỉ là cô bé vừa tròn 18 tuổi, vẫn hiểu được đôi phần tâm tư.
Tròn một tháng sau đó, tôi nhận giấy báo nhập học. Tôi đậu một ngôi trường Đại học ở Sài Gòn. Suốt 18 năm quẩn quanh vùng đất Võ, đây là lần đầu tiên tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà hơn hàng trăm cây số. Theo chân ba vào thị thành, mọi thứ với tôi đầy mới lạ. Ròng rã 3 ngày lo cho tôi đâu vào đấy, ba về. Tối hôm sau, đứa em út gọi vào cho tôi, thỏ thẻ: ‘Ba mới ăn cơm xong, rồi vô phòng đóng cửa cái rầm…. nằm …. khóc”. Tôi sững người vài giây, rồi cũng òa lên nức nở.
Lúc đó, tôi chợt hiểu ra, người đàn ông cứng cỏi, ít nói, là chỗ dựa vững chãi cho bốn mẹ con tôi qua nhiều tháng năm, rốt cuộc vì thương, nhớ con gái đi học xa nhà, mà cố giấu nhẹm đi những giọt nước mắt.
Rồi thấm thoắt, tôi ra trường đi làm, có công việc ổn định, mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống. Tháng lương đầu tiên, tôi đã mua một chiếc áo về tặng ba. Bày ra khuôn mặt không vui, ba tặc lưỡi: “Mua chi tốn kém”. Nhưng sau nghe má nói ba thích nó lắm, mặc cả tuần, tôi khẽ bật cười khúc khích.
Ba không trực tiếp hỏi nhiều về cuộc sống của tôi, nhưng tôi biết, ba luôn tìm hiểu đầy đủ thông tin, qua nguồn kênh đáng tin cậy khác, là.... má.
Ba tôi, người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời ....
Đã lắm lúc tôi ước rằng mình sẽ tìm được một người chồng là “bản sao” y hệt ba. Một người đàn ông đủ sự bao dung, nhẫn nhịn và cưng chiều, dù cho vợ của anh ấy đang còn ở tuổi thanh xuân hay đến ngày tóc chỉ còn sợi bạc. Quan trọng hơn tất thảy, người đàn ông ấy có thể yêu thương con cái của tôi, hệt như cái cách ba đã dành trọn tình thương cho chúng tôi như bây giờ.
Ngẫm lại, suốt 25 năm qua, lời yêu thương với ba, tôi chưa một lần trực tiếp bày tỏ. Vì vốn dĩ, tôi luôn cho rằng thứ tình cảm càng thiêng liêng, càng đáng trân quý, thì chỉ nên giữ trong lòng. Nhưng rồi trưởng thành đã giúp tôi nhận ra, ba đâu thể trẻ mãi để kịp nghe những lời yêu thương. Nếu bây giờ không nói ra, thì đến khi nào mới là lúc?
Lời cảm ơn với đấng sinh thành, vạn lời cũng chẳng thể nói hết. Nhưng, thật tâm, tôi muốn cám ơn người đã mang tôi đến thế gian này, để tôi trọn vẹn cảm nhận hết mọi buồn vui của cuộc sống. Cám ơn nhân duyên, đã cho ba má gặp nhau và tạo ra những “báu vật” quý giá. Cám ơn cuộc đời đã may mắn sắp đặt cho con trở thành con của ba. Cám ơn ba, đã luôn ủng hộ mọi quyết định của con, dù là trước kia, hay bây giờ vẫn thế. Cám ơn ba, đã luôn hy sinh, bao dung và chở che từ khi con vẫn chỉ là một đứa trẻ, cho đến ngày lớn khôn.
Và cám ơn ba, đã cho con hiểu được rằng, dù sinh ra với hình hài nam hay nữ, dù chẳng phải “quý tử” hay “cháu đích tôn” thì tất cả mọi đứa con trên thế gian này đều bình đẳng và xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất!
Con gái thương ba rất nhiều!