NỖI SỢ HAY THAM VỌNG CỦA SILVIO BERLUSCONI & SỰ RA ĐỜI CỦA CHAMPIONS LEAGUE

Từ rất lâu trước khi Florentino Perez ấp ủ dự án Super League, Silvio Berlusconi đã muốn điều tương tự...

Năm 1954, khi World Cup lần đầu được truyền hình trực tiếp, toàn thế giới chỉ có chưa đầy 50 triệu máy thu hình – phần lớn trong số này ở Bắc Mỹ và ở đó, người ta… không thích bóng đá. Đến năm 1990, con số này là gần một tỷ trên khắp hành tinh.

Mức độ phổ biến của truyền hình kéo theo hàng ngàn giờ xem bóng đá. Với nhiều “con mắt” xem hơn, lẽ đương nhiên khi giá trị các hợp đồng tài trợ và quảng cáo cũng tăng mạnh.

“Từ một trò chơi ở khu ổ chuột, bị méo mó bởi nạn hooligan, thiếu đi sự giám sát và bị xã hội tẩy chay; bóng đá trở thành một trong những trải nghiệm văn hóa tập thể mang tính trọng tâm của thiên niên kỷ mới.” Sử gia David Goldblatt kết luận cô đọng mà đầy trần trụi trong quyển “The Ball is Round”.

Truyền hình đóng vai trò quan trọng cứu vớt bóng đá châu Âu, và cũng chính sự phát triển của công nghệ truyền hình thôi thúc UEFA phải làm mới giải đấu của họ.

Có thể nói, bóng đá cuối những năm 90 được giải cứu khỏi tình cảnh hiểm nghèo nhờ vào chính các nguồn lực của thị trường và việc vận dụng chủ nghĩa thương mại thuần túy, vốn đã nảy mầm trong suốt những năm 80.

Cũng trong thập niên ấy, Silvio Berlusconi là nhân vật chủ chốt của nhóm quyền lực gây sức ép lên UEFA, từ khi ông sở hữu công ty truyền thông tư nhân Mediaset của Italia và nắm giữ phần lớn cổ phần AC Milan vào năm 1986.

Đối với Berlusconi, quyền lực mới của những công ty truyền hình tư nhân và các CLB bóng đá lớn nhất châu Âu phải được công nhận. “European Cup (Cúp C1) đã trở nên lỗi thời,” Berlusconi từng nói trên World Soccer. “Việc một CLB như Milan có thể bị loại ngay từ vòng đầu tiên là điều vô nghĩa về mặt kinh tế. Đấy không phải là tư duy hiện đại.”

Trong mắt người đàn ông sinh năm 1936 này, thể thức loại trực tiếp của Cúp C1 quá ưu ái các đội bóng nhỏ hơn, trong khi giá trị đích thực từ thuở khai sinh của giải đấu lại phụ thuộc vào khả năng thu hút lượng lớn khán giả truyền hình theo dõi của những CLB lớn nhất.

Mùa giải 1986/87, Juventus bị Real Madrid loại ở vòng hai, trong khi những cái tên gồm Besiktas, Brondy và Anderlecht đều lọt vào vòng trong. Mùa giải 1987/88, nhà vô địch Tây Ban Nha là Real Madrid chạm trán nhà vô địch Italia là Napoli ngay ở vòng đầu tiên. AC Milan được Berlusconi mua mới cách đấy 1 năm, đến năm 1988 thì trở thành nhà vô địch Italia và ông lấy làm lo lắng trước viễn cảnh CLB của mình có thể bị loại ngay từ vòng một Cúp C1.

Từ cuối những năm 80, Berlusconi và những người đồng cấp ở các CLB lớn châu Âu đã gây áp lực lên UEFA, đòi thay đổi thể thức. Sự kiện ly khai để thành lập Premier League ở Anh những năm về sau đã thật sự khẳng định ý chí và năng lực thách thức trật tự cũ của những CLB lớn.

Alex Fynn, một nhân vật chủ chốt trong chính sự ra đời của Premier League và được tờ Sunday Times (Anh) tặng cho cái danh “người cha tinh thần của Premier League” từng kể lại với The Athletic vào năm 2022: “Một ngày nọ, tôi ngồi làm việc ở London thì nhận được cuộc gọi từ cánh tay phải của Berlusconi. ‘Alex, việc cậu hằng mong muốn đây này: Hãy thiết kế cho Silvio Berlusconi một Super League châu Âu.’”

“Tôi rất hãnh diện và nảy ra một ý tưởng mà tôi nghĩ Berlusconi sẽ thích, nhưng không phải là thứ mà bóng đá thật sự cần. 18 CLB, được chọn dựa trên thành tích, lịch sử và lượng người hâm mộ. 3 đội từ Anh, Đức, Italia và Tây Ban Nha; 2 đội từ Pháp và Hà Lan; cùng 1 đội từ Bồ Đào Nha và Scotland.”

Tổng thư ký UEFA từ 1989 đến 2003, Gerhard Arigner cũng xác nhận điều đó. Và đâu chỉ Milan, ý tưởng về một Super League còn đến từ một số những CLB ở Nam Âu. Song, ý tưởng ấy không được UEFA chấp nhận.

Những đợt sóng ngầm này, cùng thực trạng Cúp C3 (tức UEFA Cup) có nhiều đại diện của các liên đoàn tham dự hơn nếu so với Cúp C1, đã trở thành tác nhân quan trọng còn lại buộc UEFA phải làm mới “cả bình lẫn rượu” Cúp C1. Từ chối ý tưởng của Berlusconi, UEFA gật đầu trước một bản thảo khác.

Năm 1989, một ngày sau khi bị loại từ vòng một trước Bayern Munich, ban lãnh đạo CLB Rangers tổ chức một cuộc họp khẩn. Tại Glasgow ngày hôm ấy, chủ đề thảo luận không phải là làm thế nào để Rangers có thể “đảm bảo” được chơi nhiều trận hơn ở Cúp C1, để gia tăng nguồn doanh thu – vì trong bóng đá, không có khái niệm về sự đảm bảo. Thay vào đó, Rangers bàn tính xem làm sao để gia tăng “cơ hội” có thêm nhiều trận đấu.

Tổng thư ký Rangers thời kỳ này là Campbell Ogilvie đã viết ra một bản thảo với thể thức đấu vòng bảng cho Cúp C1 và đệ trình lên UEFA. Ý tưởng ấy hai lần bị từ chối. Năm 1991, với sự động viên từ Giám đốc Roger Vanden Stock của CLB Anderlecht và cũng là đại biểu UEFA bấy giờ, Ogilvie dịch bản thảo thành 4 thứ tiếng khác nhau và gửi cho Chủ tịch UEFA thời ấy, ông Lennart Johansson. Nếu ý tưởng của Berlusconi khiến UEFA kinh sợ, thì ý tưởng của CLB Rangers và Campbell Ogilvie không những thiết thực, mà còn đến đúng thời điểm.

Mùa giải 1992/93, UEFA chính thức thay đổi thể thức Cúp C1, sau khi thử nghiệm ở mùa giải trước đó. Thương hiệu Champions League cũng ra đời.