[Người trong nghề chia sẻ] Lỡ phạm 5 sai lầm này thì sổ tiết kiệm sẽ 'bay hơi'
Cũng là người từng làm trong Ngân hàng, dù đã nghỉ nhưng thường xuyên quan tâm và thấy rằng vấn đề này cần phải chia sẻ nên post lên 1 ít bí kíp mà tôi tự tìm hiểu. Đây là vấn đề cần thiết mọi người không nên coi nhẹ, không có chuyện gì là không thể xảy ra.
Ngân hàng là nơi đáng tin cậy để gửi tiền tiết kiệm. Tuy nhiên đừng bao giờ để những sai lầm dưới đây làm cuốn sổ tiết kiệm của các bạn bị "bốc hơi" đáng tiếc.
Sai lầm 1: Ký sẵn chứng từ
Cũng 1 lần tôi vào ngân hàng cũ tôi từng làm, không chỉ là cựu nhân viên mà còn với danh nghĩa khách quen. Cũng có 1 lần tôi ký sẵn chứng từ, may mắn lần đó không có gì nhưng suy nghĩ lại, chậm 1 phút không chết, nhưng nhanh 1 phút có thể làm tôi mất luôn mấy trăm triệu thậm chí cả tỷ trong tài khoản thì sao.
Không phải nghi ngờ gì các bạn giao dịch viên nên đừng hiểu lầm. Nhiều khi do bất trắc gì khác nữa thì sao.
Ai cũng nói Ngân hàng có camera, nhưng sao mà camera quay cận cảnh hàng trăm khách, hàng trăm giao dịch mỗi ngày. Người trong nghề nên biết nhé, camera là phòng trộm cắp, an ninh này nọ,...chứ không phải chỉ phục vụ riêng 1 khách nào. Cho nên đừng để 1 chút xíu nào làm ảnh hưởng tiền bạc của mình là tốt nhất.
Trước đó đã xảy ra vụ việc một Việt kiều đang làm việc và sinh sống tại Pháp gửi tiết kiệm ở một ngân hàng Việt Nam nhưng không thể rút ra. Ông được nhà băng thông báo trên hệ thống có 2 sổ tiết kiệm cùng số tiền, cùng chủ tài khoản, cùng ngày gửi. Tuy nhiên, một trong hai sổ lại đang được thế chấp vay hơn chục tỷ đồng trong khi ông không hề hay biết.
Lý do là vì quá tin tưởng nguyên phó giám đốc phòng giao dịch của ngân hàng sau nhiều lần hợp tác nên đã có lần ông ký sẵn vào các tờ giấy trắng. Khi ấy, cán bộ ngân hàng lý giải việc này nhằm thuận tiện, đỡ mất thời gian cho các giao dịch nộp, rút tiền lần sau.
Bài báo lâu rồi nhưng thực tế, nhiều giao dịch viên ngân hàng hiện nay cho biết số khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ kiểu này không ít.
Sai lầm 2: Không mở sổ tiết kiệm tại quầy giao dịch
Ai càng có nhiều tiền, càng dễ mắc sai lầm này. Vì với vai trò khách VIP, thân quen nên thường được nhân viên ngân hàng ưu ái đến tận nhà, nơi làm việc, sân golf hay thậm chí bất cứ chỗ nào để làm sổ tiết kiệm. Song người ta có thể lợi dụng điểm này để làm giả sổ tiết kiệm hoặc cho làm sổ xong lại không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống.
Tôi thì bản thân hơi bận việc chăm con nên cũng có nhờ nhân viên tới nhà, nhưng rất hiếm, và khi gọi là chọn ngay bạn nào làm lâu năm và thường xuyên làm việc với tôi. Nhưng lưu ý lưu ý, nếu muốn chắc chắn nhất thì lên ngân hàng mới an toàn tuyệt đối thôi, đừng lo đường đi nguy hiểm, nắng nôi, mất thời gian,...mấy cái đó không đáng giá bằng tiền trong sổ mọi người chứ nhỉ.
Sai lầm 3: Gửi tiền trước, nhận sổ hoặc chứng từ sau.
Ngược lại, vì đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng thân thiết nên không ít khách gửi tiền chủ quan cho "nợ sổ" hoặc "nợ chứng từ". Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp nhân viên thân quen bị đuổi hoặc bỏ trốn và gom theo toàn bộ số tiền tiết kiệm của khách hàng.
Tôi khẳng định tôi không bao giờ để xảy ra trường hợp này Ngay cả khi nhận sổ tiết kiệm, tôi cũng còn kiểm tra thật kỹ các chứng từ, đủ dấu của ngân hàng và chữ ký của những người có trách nhiệm liên quan.
Không thể nào lơ là được đâu. Đây sẽ là bằng chứng để bạn trình ra với ngân hàng khi sự có cố.
Sai lầm 4: Không làm đúng thủ tục, quy trình tất toán sổ
Cách đây không lâu cũng xảy ra tranh cãi, kiện tụng, phía thì khách khẳng định có 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1.5 tỷ nhưng ngân hàng lại cho rằng bản chất khách chỉ có một sổ. Theo nhà băng, do sai sót, giao dịch viên đã không làm thủ tục tất toán đầy đủ (có chữ ký của khách hàng) trước khi chuyển khoản số tiền từ sổ cũ sang sổ mới để hưởng chương trình khuyến mại.
Mặc dù ở vụ việc này, tòa án đã xử phía khách hàng thắng kiện nhưng bạn vẫn đừng quên theo dõi sát sao quy trình mở sổ, tất toán sổ của nhân viên ngân hàng để tránh rủi ro cho mình nha.
Sai lầm 5: Thay đổi chữ ký liên tục
Dù không đến nỗi bị vô hiệu hóa sổ tiết kiệm nhưng đây lại là sai lầm phổ biến và gây phiền toái nhiều nhất cho không ít người.
Tôi nhớ mắc cười có lần tôi bị cô bé kia bắt ký đi ký lại 5 lần. Tôi nói :”Chị làm ở đây trước em và còn là khách quen nữa mà em không tin chị sao?”.
Con bé nói tôi không nhớ rõ nhưng diễn đạt theo ý nó là: Em làm vầy là tốt cho cả chị và em mà. Chị là VIP của VIP rồi nên em phải cẩn thận, không để sai lầm dù nhỏ nhặt cũng không để mất đi tính chuyên nghiệp của mình.
Mọi người hãy nhớ nha, khi giao dịch với ngân hàng, từng nét chữ, bút tích bạn để lại đều có giá trị. Do đó, cũng không nên thấy làm quá phiền lòng khi bạn bị nhân viên ngân hàng yêu cầu ký đi ký lại chữ ký nhiều lần để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro.