Mình có vấn đề này rất muốn chia sẻ cùng các mẹ đây! Đồng nghiệp của mình cũng là một người phụ nữ còn rất trẻ, mới ngoài 30 và công việc của chị ấy cũng tương tự như mình, khá là áp lực và căng thẳng. Chỉ mới cách đây một tháng thôi, chị ấy cứ thừong xuyên bị những cơn đau thắt ở ngực và khó thở. Đi khám bệnh mới biết ra là chị ấy bị bệnh động mạch vành. Chỉ mới có một tháng thôi mà sức khoẻ chị ấy giảm sút nghiêm trọng, phần vì lo lắng và phần vì phải chịu sự tác động của những tác dụng phụ từ thuốc. Từ trước đến giờ, mình cũng rất chủ quan , không biết gì về bệnh lý này. Qua chuyện thực tế của đồng nghiệp, mình đã chịu khó tự tim hiểu và có một ít thông tin gửi đến các mẹ về căn bệnh này.


Hiện bệnh động mạch vành (ĐMV) là căn nguyên gây tử vong số một trong các bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, bệnh ĐMV đang ngày càng gia tăng.


Vì sao mắc bệnh ĐMV?


Tăng huyết áp là nguy cơ chính gây bệnh. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh ĐMV là xơ vữa động mạch – một tiến trình chậm chạp kéo dài với sự lắng đọng từ từ của các mảng bám vào mặt trong thành động mạch, làm cho thành động mạch ngày càng dày lên, cứng lại và mất tính đàn hồi.


Các mảng lắng đọng này có thành phần chủ yếu là mỡ, cholesterol, calcium và nhiều chất cặn khác trong máu của bạn. Khi lớn tuổi, đặc biệt nam giới trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh ĐMV rất cao. Nguy cơ này cũng xảy ra trong gia đình có người mắc bệnh tim sớm, cụ thể là có cha hoặc anh em trai bị bệnh tim trước 55 tuổi hay có mẹ hoặc chị em gái bị bệnh trước 65 tuổi.


Đái tháo đường, tăng mỡ máu, thừa cân hay béo phì, ít vận động, thuốc lá, rượu bia cũng chính là những nguy cơ gây bệnh. Lúc đó các động mạch đến nuôi cơ tim bị cứng và hẹp do các mảng xơ vữa tại thành mạch làm giảm lượng oxy đến nuôi cơ tim. Hậu quả là xuất hiện cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp.


Một điều đáng lo ngại là bệnh ĐMV và nhồi máu cơ tim xuất hiện ngày càng nhiều ở những người dưới 50 tuổi, có cả những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Cũng như trên thế giới, tại Việt Nam bệnh mạch vành đang trở thành mối nguy lớn cho sức khỏe cộng đồng và là gánh nặng không chỉ cho người bệnh.


Đau như thắt ở vùng tim


Biểu hiện điển hình của bệnh ĐMV là cơn đau ngực. Cơn đau có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào ở ngực trái vùng trước tim, vùng sau xương ức. Đôi khi đau lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái hoặc ra sau lưng. Bệnh nhân thường có cảm giác ngột ngạt, tức ngực, như có vật gì thắt lấy vùng tim, đôi khi có cảm giác như tê bỏng. Cơn đau thường thoáng qua trong vài giây đến một vài phút, cũng có trường hợp kéo dài hàng tiếng đồng hồ.


Bệnh ĐMV là căn bệnh đeo đuổi người bệnh suốt đời và thường không được phát hiện sớm, đến khi triệu chứng xuất hiện thì bệnh đã tiến triển khá lâu. Do vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là phải tầm soát các yếu tố nguy cơ, kiểm soát chúng đồng thời phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời. Trong trường hợp các phương pháp điều trị bệnh ĐMV như: thay đổi lối sống, dùng thuốc thích hợp, nong hoặc đặt giá đỡ ĐMV đều bế tắc, thì mổ bắc cầu ĐMV sẽ là cứu cánh giúp bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo này. Phẫu thuật bắc cầu ĐMV là biện pháp sử dụng các mạch máu khỏe mạnh từ chân, tay, ngực, bụng làm cầu nối giúp máu lưu thông đến nuôi vùng cơ tim sau vị trí tắc nghẽn.


Tuy nhiên, phẫu thuật bắc cầu ĐMV chỉ mang lại hiệu quả cao nhất nếu được thực hiện đúng thời điểm. Nếu không phát hiện bệnh sớm và phẫu thuật kịp thời thì nhiều vùng cơ tim bị tổn thương không hồi phục và hiệu quả phẫu thuật cũng giảm đi. Do vậy, việc tầm soát để phát hiện và điều trị sớm bệnh ĐMV là vô cùng quan trọng.


Do đó, mọi người hãy cẩn thận và chú ý đến hơn đến bệnh tim mạch. Vì nếu không may mắc bệnh thì việc chữa trị rất tốn kém, mất rất nhiều thời gian, công sức, sức khoẻ và bệnh cũng khó lòng hồi phục nữa!