Là một người con lớn lên ở mảnh đất Sóc Sơn, Hà Nội, mỗi dịp Tết đến xuân về cũng là khi cả gia đình mình háo hức mong chờ đến Hội Gióng. Từ nhỏ, mình nghĩa chắc ai cũng đã từng nghe câu chuyện cổ tích Thánh Gióng. Là một trong bốn vị “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt, núi Sóc là nơi Thánh Gióng đã dừng chân trước khi bay ngựa về trời. Cũng chính từ truyền thuyết này, người dân Sóc Sơn quê mình đã lập đền thờ và mở hội hàng năm để tưởng nhớ công ơn Ngài. Cũng như các lễ hội ở Việt Nam thì lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng Âm Lịch.
Hội Gióng quê mình có thể coi là lễ hội lớn nhất trong năm đối với người dân Sóc Sơn. Do vậy, người dân làng mình và nhiều làng lân cận thường cùng nhau chuẩn bị từ rất sớm, có khi cả tháng trước khi khai hội. Từ việc làm những mâm lễ vật, đến chuẩn bị vàng mã, rồi làm kiệu,...Từ nhỏ mình cũng hay theo bà đi đến nhà văn hóa hoặc đình làng nơi mọi người tụ tập lại cùng nhau làm.
Mình thấy bà bảo đêm mùng 5 sẽ có nghi lễ mộc dục, nghĩa là tắm tượng được làm ở đền Thượng. Rạng sáng mùng 6, lễ hội Gióng chính thức bắt đầu sau 3 tiếng trống từ đền Thượng. Mọi người bắt đầu dâng những lễ vật đã chuẩn bị cẩn thận từ trước đến Đức Thánh, cầu mong các Thánh, các Thần phù hộ. Ngày khai hội, sau khi giò hoa tre được lễ tại đền Thượng và rước xuống đền Trình, mọi người bắt đầu cướp lộc với mong muốn nhận được nhiều vận may trong năm mới. Thông thường nhà mình không cướp lộc vì quá đông người. Bà mình cũng hay nói, lòng thành là đủ rồi. Mùng 7 là ngày chính hội với những phong tục khá độc đáo như chém tưởng. Mình nghe giải thích thì tục chém tướng ý muốn tả lại việc Thánh Gióng chém chết 3 tướng giặc Ân ở núi Vệ Linh. Ngoài ra, ở khu vực đình làng còn diễn ra rất nhiều trò chơi cổ truyền như ném còn hay chơi cờ người,.... Chiều mùng 8 là ngày cuối của hội Gióng. Hôm đấy, mọi người sẽ làm sẽ hóa mã với voi và ngựa giấy. Những con voi và ngựa to đùng được xếp thành đống, người dân quan niệm rằng voi và ngựa là hai con vật gắn gắn với Thánh Gióng, có công bảo vệ bờ cõi non sông. Ngoài ra, ở các xã lân cận, cũng có các lễ rước lễ vật khác, ví dụ như hôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) - rước voi; Thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) - rước trầu cau; Thôn Đức Hậu (xã Đức Hoà) - rước ngà voi; Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) - rước cỏ voi; Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) - rước tướng.
Sau khi hội Gióng kết thúc, xã mình cũng tổ chức các ngày lễ tiếp như Lễ rước cờ đền Mẫu, cùng với đó là rất nhiều các hoạt động vui chơi giải trí, các trò chơi cổ truyền. Có lẽ không khí lễ hội phải kéo dài đến khoảng mùng 10, thậm chí 12 tháng Giêng.
Từ nhỏ, mình đã được dạy về ý nghĩa linh thiêng của hội Gióng, là giá trị của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời lễ hội này cũng là cơ hội để người dân quê mình cầu mong có một năm mới bình an và hạnh phúc.