Thành Cổ Loa là kinh đô đầu tiên của đất nước Âu Lạc dưới thời vua An Dương Vương trị vì. Cổ Loa là ”tòa thành cổ nhất, có quy mô lớn nhất và cũng là nơi có cấu trúc độc đáo nhất lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt Cổ“, là một địa điểm du lịch đậm giá trị lịch sử và văn học nghệ thuật dành cho những ai yêu thích khám phá. Hãy thử dành một ngày cuối tuần đẹp trời để ghé thăm khu di tích cổ có gì thú vị nhé!
Di tích Thành Cổ Loa xưa nay vẫn gắn liền với sự tích ”Chiếc Nỏ Thần“, hình ảnh chiếc nỏ bắn một có thể hạ trăm quân địch đã tôn vinh ý chí quật cường của dân tộc Âu Lạc ngày ấy. Đó còn là câu chuyện tình nổi tiếng giữa nàng Mỵ Châu và chàng Trọng Thủy. Ngày nay, khu di tích còn là nhân chứng lịch sử về sự khéo léo của người Việt trong công cuộc xây dựng.
I - Kiến trúc thành Cổ Loa
Khu di tích được xây dựng theo thiết kế xoắn ốc với 3 vòng khép kín, tổng chiều dài là 16km và chiều cao 10m. Thành đắp đến đâu là lũy xây đến đó, bao quanh là những con hào, xung quanh bố trí các cổng thành và pháo đài. Mặt ngoài của tường thành rất gai góc để cản quân thù, còn bên trong lại thoai thoải để dễ dàng lên xuống. Chất liệu xây dựng chủ yếu là đất, đá và gốm vỡ.
1.1. Vị trí thành Cổ Loa ở đâu?
Nằm trong số 21 di tích cấp quốc gia cần được bảo tồn, ngôi thành hiện tọa lạc tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chưa đến 20km.
Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, bạn có thể đi theo hướng từ trung tâm thành phố Hà Nội, đi dọc theo quốc lộ 1A cũ khoảng 10km, tới địa phận cầu Đuống, rồi qua thị trấn Yên Viên thì rẽ trái vào quốc lộ 3 và đi thêm khoảng 5km nữa là tới khu di tích. Ngoài ra, nếu bạn chọn phương tiện công cộng là xe buýt thì cũng có một số tuyến đi trực tiếp tới thành Cổ Loa như tuyến 14, 17, 43, 46, 59.
Khám phá sơ đồ bên trong khu di tích
Kiến trúc được chia thành 3 khu riêng biệt bao gồm: Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại. Thành Nội là nơi vua An Dương Vương, hậu cung và các quan lại trong triều ở. Thành Trung có diện tích lớn nhất, tường thành cao khoảng 10m, có bốn cửa theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc.
Những cổ vật thành Cổ Loa
Nhiều ngôi mộ cổ đã được các nhà khảo cổ học khai quật cùng với nhiều dụng cụ khác như: trống đồng, rìu lưỡi xéo bằng đồng, mũi tên đồng ba cạnh, khuôn đúc mũi tên,…
Đền thờ An Dương Vương
An Dương Vương hay còn gọi là Đền Thượng, là nơi vua ở trước kia, có kiến trúc vô cùng độc đáo, cùng các hình chạm khắc và những linh vật trước cổng đền.
Di tích thành Cổ Loa, Giếng Ngọc
Giếng Ngọc nằm ngay trước cửa đền vua An Dương Vương và nằm giữa hồ Bán Nguyệt. Nếu nhìn từ xa sẽ thấy nước trong giếng có màu hơi đỏ, càng nổi bật giữa màu nước trong xanh và cây cối mát mẻ. Theo truyền thuyết, đây chính là nơi Trọng Thủy gieo mình xuống vì hối hận và thương tiếc cho Mỵ Châu.
Ngự Triều Di Quy – đình Cổ Loa
Đây là nơi vua thường thiết triều xưa kia, quy mô bề thế với nhiều nét kiến trúc tiêu biểu như Tứ quý và Tứ linh. Phía trong di tích Thành Cổ Loa, ngôi đình này được dựng lại sừng sững và vững chãi dưới thời nhà vua Lê và lưu giữ gần như nguyên vẹn cho tới ngày nay.
Am Bà Chúa
Theo tương truyền thì khi nàng Mỵ Châu gieo mình xuống biển tự vẫn, ngư dân thấy một tảng đá hình người nhưng không có đầu dạt vào bờ biển, nhưng khi khiêng về thì lại đứt gánh đoạn gốc đa nên họ đã lập tại nơi đây một am thờ, làm nơi yên nghỉ của nàng công chúa, dưới bóng mát của cây đa nghìn năm.
Ngoài ra, trong khuôn viên di tích còn có đền thờ Cao Lỗ - ông tổ vũ khí của nước Việt Nam. Và vào dịp từ mùng 6 - 16 tháng Giêng, nơi đây còn tổ chức lễ hội Thành Cổ Loa để tưởng nhớ công lao của Thục Vương và cầu một năm an lành.
Đặc sản Cổ Loa Đông Anh
Một món ăn nổi tiếng tại khu di tích này đó chính là cháo trai bổ dưỡng thơm phưng phức. Cháo trai ăn kèm với quẩy nóng, hành khô phi thơm, ruốc và vài miếng cà muối xổi. Chỉ 10.000vnđ cho một bát cháo trai đầy ụ, ăn mãi mà không hết. Quan điểm cá nhân là sau khi ăn thử món cháo trai ở đây thì tôi thấy những bát cháo phố cổ còn thua xa.