Các bước xử trí khi dị vật mắc vào vết thương của trẻ

Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thấy có dị vật mắc vào vết thương của trẻ thì hãy xử trí theo các bước sau:

- Giúp trẻ nằm xuống và dỗ dành để trấn an trẻ. 

- Không tìm mọi cách để cố gắng lấy dị vật ra vì bạn có thể gây tổn thương thêm hoặc chảy máu nặng hơn ở vết thương của trẻ. Chỉ nên rút dị vật nếu nó nhỏ và đâm sâu không quá 1cm. Nếu dị vật đâm sâu quá 1 cm hoặc không chắc về độ sâu của vết đâm, không rút dị vật khỏi vết thương.

-Nếu vết thương chảy máu nhiều, hãy ép hai cạnh của dị vật để đẩy hai mép vết thương lại gần giúp cầm máu.

- Nhẹ nhàng đặt vài miếng gạc lên trên vết thương và phần vết thương xung quanh dị vật để giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ. 

- Độn thêm băng ở hai cạnh vết thương sao cho phần băng độn thêm cao hơn dị vật một chút. Tốt nhất nên sử dụng băng độn thêm là băng cuộn.

- Cố định băng cuộn và vết thương bằng cách dùng băng quấn xung quanh, cẩn thận để không ấn vào dị vật.

- Đưa trẻ đi bệnh viện hoặc gọi cứu thương.

Lưu ý:

- Kiểm tra lại sổ tiêm để chắc chắn trẻ đã được tiêm phòng vắc-xin uốn ván mũi nhắc lại

Đây là một vi khuẩn nguy hiểm có trong đất. Nếu vi khuẩn này qua vết thương vào cơ thể, chúng sẽ tiết ra các độc tố cho hệ thần kinh. Cách phòng bệnh uốn ván tốt nhất là tiêm vắc-xin. Trẻ dưới một tuổi đều được tiêm vắc-xin phòng uốn ván trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trước khi đi học, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại.

- Nếu trẻ bị mất nhiều máu, hãy tiến hành các bước sơ cứu vết thương chảy máu nghiêm trọng.

Bố mẹ có thể tham gia khóa học sơ cấp cứu tại https://socapcuu.vn/ để nâng cao kỹ năng an toàn trong gia đình mình.