Tình trạng răng hô, lệch lạc chen chúc rất phổ biến ở nước ta, tình trạng răng hô, lệch lạc chen chúc ở người trưởng thành điều trị khá mất thời gian và tốn kém. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hô răng, lệch lạc chen chúc răng, trong đó những thói quen xấu hoặc đóng vai trò quyết định, hoặc là tác nhân làm nặng thêm tình trạng lệch lạc răng miệng.


* Tật thở miệng:


Khi có những bệnh lý về đường hô hấp trên, như viêm mũi, viêm V.A ... sẽ làm cho trẻ thở bằng miệng, nếu những bệnh này trở nên mãn tính sẽ làm cho quá trình thở miệng của trẻ diễn ra thường xuyên, làm ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển xương hàm trên, khuôn mặt trở nên biến dạng (khuôn mặt V.A).


Thở miệng sẽ làm cho hàm răng trên phát triển về phía trước, hàm răng sẽ bị hô , cung răng hàm trên sẽ nhọn hơn, vẫu ra , khớp cắn sâu và cắn hở, nhóm răng cửa sẽ không cắn khít được.


Thở miệng còn làm cho bệnh nhân dễ bị sâu răng hơn, có nhiều răng sâu hơn bình thường, vì thở miệng làm khô nước bọt, khô miệng sẽ làm hơi thở hôi, răng ở tình trạng không có nước bọt để rửa sạch sẽ dễ bị sâu và mức độ sâu phát triển nhanh và trầm trọng hơn.


Để phòng tránh thở miệng, những bệnh lý đường hô hấp trên cần được xử lý triệt để, không để tình trạng bệnh lý trở thành mãn tính, khi phát hiện trẻ thở miệng cần cho trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt để xử lý kịp thời


* Tật mút ngón tay và bú vú cao su:


Mút ngón tay dường như là thói quen ở tất cả trẻ em, nếu thói quen này diễn ra khi trẻ còn bé, chưa thay răng sữa sẽ không ảnh hưởng gì đến răng của trẻ. Tuy nhiên nếu thói quen này kéo dài sang thời kỳ răng hỗn hợp (thời gian trẻ đang thay răng sữa) và thời gian mút ngón tay kéo dài trên 6 tiếng 1 ngày (kể cả lúc ngủ) sẽ dẫn tới rối loạn phát triền răng - hàm của trẻ, mút ngón tay sẽ dẫn tới thay đổi trương lực hệ thống cơ mặt, làm cho cung hàm trên của trẻ hẹp lại và nhô ra phía trước, các răng cửa hàm trên hô ra phía trước, cắn hở phía trước. Cung hàm bị thu hẹp lại sẽ làm cho răng của trẻ lệch lạc, chen chúc và sai khớp cắn, anh hưởng trầm trọng đến thẩm mỹ cũng như chức năng


Dự phòng:


Khi phát hiện trẻ mút ngón tay, đầu tiên bỏ mẹ cần nói chuyện với trẻ để trẻ hiểu và từ bỏ thói quen. Nếu trẻ vẫn không thể từ bỏ thói quen, có thể bôi các chất có vị cay, đắng lên ngón tay mà trẻ hay mút, hoặc quấn gạc sạch vào ngón tay trẻ hay mút sẽ làm cho trẻ từ bỏ được thói quen này. Nếu vẫn không thể giúp trẻ từ bỏ được thói quen, cần đưa trẻ tới bác sĩ nha khoa khám và điều trị kịp thời


* Tật cắn môi:


Trẻ em thường có thói quen cắn môi dưới, giống như mút ngón tay, hậu quả của tật cắn môi sẽ làm nhóm răng cửa trên nhô ra,cắn không khít (open bite), trẻ phát âm không chuẩn. Tật cắn môi cũng dễ bỏ nếu đến tuổi đi học, bạn bè và thầy cô khuyên nhủ trẻ sẽ dần dần bỏ được.