Trước đây, người ta cho rằng viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh của người lớn, trẻ em không bị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ có kỹ thuật nội soi tiêu hóa, nhiều trẻ được phát hiện loét dạ dày và bệnh đã được công nhận là phổ biến ở trẻ em.


Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em:


Do nhiễm khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Ở nước ta tỉ lệ nhiễm Helicobacter Pylori (HP) ở trẻ em là 33,4%.


Do dùng các thuốc hạ sốt giảm đau một cách tùy tiện, không theo chỉ định, uống quá liều cho phép hoặc uống vào lúc đói. Nhiều bà mẹ con sốt dưới 38 độ C đã sốt ruột tự cho dùng thuốc hạ sốt, thậm chí con kêu đau bụng thì tự cho uống thuốc giảm đau đặc biệt là thuốc hạ sốt giảm đau chống viêm như aspirin, indomethacin, diclofenac…


Một giả thuyết khác được đưa ra là do chế độ ăn của trẻ không hợp lý. Tuy nhiên, cho đến nay các chuyên gia về tiêu hóa nhi thế giới cũng chưa đưa ra được tiêu chuẩn chế độ ăn như thế nào để trẻ không bị viêm loét dạ dày. Do vậy, các bác sĩ khuyên các bà mẹ đừng ép con ăn quá nhiều, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều loại gia vị gây tình trạng kích thích tăng tiết dịch vị.


Một giả thuyết khác cũng đang được chú ý nhiều. Đó là trẻ có cuộc sống căng thẳng như bố mẹ ly dị hay đánh chửi nhau, áp lực học hành, những cảm giác mất mát hay thất bại trong cuộc sống, thậm chí là nghiện các trò chơi trực tuyến. Các yếu tố đó làm biến đổi tâm lý, rối loạn hành vị cảm xúc gây hiện tượng tăng tiết dịch vị làm cho dạ dày trẻ nhanh chóng bị viêm loét.


Phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em cần:


Phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn HP qua con đường ăn uống như bỏ tập quán mớm cơm để không lây nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn sang trẻ.


Có chế độ ăn uống hợp lý, đúng bữa.


Tạo cho trẻ môi trường sống thoải mái, vui vẻ, không mắng mỏ, đe dọa trẻ, không tạo áp luwcjtrong việc học hành của trẻ.


Cha mẹ cần quan tâm đến trẻ thường xuyên, phát hiện các biểu hiện lạ của trẻ kịp thời để xử trí.


Khi xác định đúng bệnh viêm loét dạ dày, cần cho trẻ điều trị thuốc đúng phác đồ được thầy thuốc chỉ định, thay đổi chế độ ăn nhiều bữa, hạn chế đồ cay, nóng, chua, nước uống có gas.