Sáng nay đọc tin tức thấy báo chí đưa tin bệnh viện đa khoa Lạng Sơn vừa gắp một con đỉa dài 6cm sống trong thanh quản của bệnh nhi 13 tuổi mà thấy hết hồn, mọi người ạ.


Con đỉa dài cỡ 3cm ở bên ngoài mình còn thấy cực kỳ nguy hiểm chứ nữa là dài 6cm và ở ngay trong cơ thể bé.



Bé bị đỉa ký sinh dài đến 6cm trong thanh quản - hạ họng. Hình: internet.


Biểu hiện ban đầu của bé là bị ho, khan tiếng và khạc ra máu tươi. Sau khi đi khám thì bé được phát hiện dị vật ở thanh quản – hạ họng và được chuyển lên bệnh viện tỉnh, ở đây thì bé được xác định dị vât là một con đỉa.


Do bé quá sợ hãi nên cháu nhanh chóng được chuyển xuống phòng mổ để gây mê, gắp đỉa ra. Ca phẫu thuật khá phức tạp vì dị vật còn sống và nằm trong đường thở, không thể đặt ống thở; nếu đặt sẽ làm dị vật tiến sâu vào đường khí quản, gây khó thở cho người bệnh và sẽ không gặp được dị vật ra. Các bác sĩ phải vừa tiến hành bóp bóng hỗ trợ đồng thời tiến hành chuẩn bị dụng cụ gắp dị vật. Sau gần 1 giờ đồng hồ, con đỉa dài khoảng 6cm (bằng ngón tay út của người trưởng thành) đã được gắp ra.


Qua trường hợp này, mình thấy cần lưu ý về nhiễm ký sinh trùng ở trẻ em và làm sao để con cái mình được bảo đảm an toàn?


Các bác sĩ khuyến cáo: mọi người không uống nước lã từ sông, suối, vũng; thận trọng khi tắm tại các nguồn nước tự nhiên để tránh các động vật như vắt, đỉa chui vào đường thở.


Nhưng còn với những ký sinh trùng nhỏ hơn nữa và không chỉ từ nguồn sông suối vũng nước mới có thì sao?


Trẻ con thì đứa nhóc nào cũng nghịch ngợm, thích nghịch đất cát, và sểnh ba mẹ đi một chút thì thứ gì cũng có thể cho vào miệng mà mình không biết trước được, huhu.


Các ký sinh trùng, vi sinh vật ở xung quanh nhiều thứ mắt thường còn không thấy nữa, vậy thì mẹ phải làm thế nào để con được an toàn?


Vệ sinh sạch sẽ cho con, cho con ăn các thực phẩm được rửa sạch, nấu chín và lưu ý con cần tắm sẽ sạch sẽ sau khi nghịch dơ.


Đây là những nguồn thực phẩm mà bé rất dễ bị nhiễm kí sinh trùng khi ăn phải nếu không được vệ sinh kỹ, mẹ lưu ý nhé:


1. Thịt tái, gỏi sống: nhiều gia đình rất thích ăn thịt tái, gỏi sống, nhưng đây là nguồn thường có chứa ký sinh trùng sán dây, màu trắng đục, thân dẹt phẳng, có nhiều đốt, có chiều dài từ 4-8 mét. Loại ký sinh trùng này gây hại không lường hết cho sức khỏe của người bệnh.


2. Lươn: Do đặc điểm môi trường sống trong vùng nước đọng lâu ngày là điều kiện thuận lợi khiến cho lươn bị nhiễm ký sinh trùng.


Khi vào thời điểm mùa sinh của ký sinh trùng, tỉ lệ nhiễm trùng của lươn có thể lên tới hơn 50%. Lươn được xem là loài có tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng cao, đặc biệt là ấu trùng giun tròn.


3. Rau sống: Xà lách hay tên thường gọi là rau diếp, là loại rau có vị giòn, ngọt, vì vậy thường là loại rau được dùng để “ăn sống”. Nhưng ăn xà lách sống không tốt cho sức khỏe, ăn dễ bị nhiễm ký sinh trùng và vi khuẩn.


Trước tiên, đó là bởi trong quá trình xà lách phát triển dễ bị nhiễm trứng ký sinh trùng, virus và vi khuẩn. Ngay cả khi rửa nhiều lần bằng nước muối cũng không thể hết, do đó không nên ăn sống. Có thể nhúng qua nước sôi để tiêu diệt được trứng ký sinh trùng.


4. Ốc


Ốc là món ăn phải ăn khi còn tươi sống. Nghĩa là khi ốc bị chết thì không ăn được nữa. Tuy nhiên, ốc đang sống mà luộc không chín sẽ tạo điều kiện cho ký sinh trùng tấn công vào cơ thể người.


Ghê sợ hơn, mỗi con ốc có thể chứa tới từ 3000-6000 ký sinh trùng giun ống. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái.


5. Tôm hùm


Thực tế, vùng nước nuôi tôm hùm bây giờ không còn sạch sẽ như trước, chất lượng nước nhiễm bẩn tạo môi trường cho ký sinh trùng phát triển mạnh, chúng bám vào bên trong vỏ tôm và sống "yên bình" ở đó.


Khi chúng ta ăn tôm chưa được nấu chín kỹ, ký sinh trùng đi theo món ăn nhanh chóng vào cơ thể, đặc biệt là loài sán lá phổi.


Thế nên, các mẹ nhớ kỹ việc sơ chế sạch sẽ xong rồi phải ĂN CHÍN UỐNG SÔI để diệt hết các ký sinh trùng và trứng của chúng nhé!



Các bé siêu quậy nhà mình chỉ cần hở ra xíu là có thể nghịch dơ. Hình: internet


Mọi người đã bao giờ nghe đến khái niệm rửa tay thường quy không?


Đây là việc rất dễ nhưng hay bị bỏ qua, và cũng là một điều rất rất quan trọng trong việc tránh truyền nhiễm.


Mình từng có một thời gian làm việc trong bệnh viện truyền nhiễm nên được lưu ý rất kỹ về điều này. Mình vừa phải tiêm các vắc xin phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm trước khi vào làm việc ở nơi đó vừa được tập huấn kỹ lưỡng về rửa tay thường quy.


Vì thấy điều này hữu ích nên mình đã phổ biến cho con cái cũng như tất cả mọi người trong gia đình mình.


Đây là các bước rửa tay thường quy cần nhớ, mọi người nhé!


Bước 1: Tháo nữ trang, đồng hồ, bỏ vào túi. Làm ướt tay. Lấy 3-5 ml dung dịch rửa tay vào lòng bàn tay (hoặc chà xát bánh xà phòng lên toàn bộ lòng và mu bàn tay).


Bước 2: Chà mạnh tay trong 1 phút, chà hai lòng bàn tay vào nhau và chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.


Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón. Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).


Bước 4: Chà ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái). Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại


Bước 5: Rửa tay dưới vòi nước chảy, giữ bàn tay nằm dưới khủy tay để tất cả vi sinh vật được rửa xuống bồn


Bước 6: Làm khô tay bằng khăn sạch.


Và ai có thêm bí quyết gì giúp cho con được an toàn tránh nhiễm khuẩn, tránh ký sinh trùng thì cùng chia sẻ nhé!


Xin mời xem thêm:


https://www.webtretho.com/forum/f87/nhiem-khuan-duong-tieu-hoa-cuu-em-voi-20574/


https://www.webtretho.com/forum/f854/can-tu-van-cho-tre-bi-nhiem-khuan-duong-ruot-2286675/


https://www.webtretho.com/forum/f92/sap-sinh-xet-nghiem-phat-hien-nhiem-lien-cau-khuan-nhom-b-co-ai-biet-cai-nay-ko-1511091/


Xem video tại đây:


http://www.webtretho.com/video/wp-content/uploads/sites/43/2017/04/o23gmrHE0p-480x360.jpg