Cách đây hơn một năm, hồi đó mẹ chồng mình vẫn còn làm ở bệnh viện, một hôm mẹ nhờ mình chở vào đi thăm một em bé là con của người quen mà bà đã giúp đỡ làm thủ tục chuyển viện từ viện của bà sang viện Nhi trung ương để điều trị suy thận là biến chứng của viêm đường tiết niệu. Mình cùng mẹ vào phòng thăm em bé, đã tận mắt chứng kiến em bé xanh xao sau khi điều trị suy thận đã qua giai đoạn nguy hiểm và sự lo lắng thể hiện trên khuôn mặt mẹ bé khi con mình chưa khỏi hoàn toàn.


Mình có hỏi chị ấy về triệu chứng chị ấy phát hiện khi quyết định đưa con đi khám. Chị ấy nói, thấy bé bị sốt, kèm theo biếng ăn, kém chơi, quấy khóc, đặc biệt là bé thấy đau khi đi tiểu. Hôm sau, chị ấy theo dõi bé đi tiểu vào buổi sáng thấy nước tiểu khá đục. Thế là chị ấy lập tức cho con vào viện nơi mẹ chồng mình đang làm. Khi vào đến đó xét nghiệm, bác sĩ đã kết luận bé đã bị viêm đường tiết niệu nặng đã biến chứng sang suy thân và phải chuyển sang bệnh viện Nhi trung ương – nơi có chuyên khoa để chữa bệnh này cho bé. Mình cũng được chứng kiến rất nhiều em bé mắc bệnh viêm đường tiết niệu phải điều trị ở trong viện.


Trên đường về nhà, mình cũng hỏi mẹ mình về cách phòng bệnh viêm đường tiết niệu, đồng thời cũng tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin và tổng hợp lại để phòng bệnh viêm đường tiết niệu cho bé nhà mình. Qua diễn đàn, mình muốn được chia sẻ với các mẹ những thói quen phòng bệnh viêm đường tiết niệu cho bé mà mình thường làm:


Cho bé uống đủ nước hàng ngày, khuyến khích bé ăn thêm rau và hoa quả để tăng lượng nước làm hệ thống bài tiết nước tiểu tốt hơn. Hai bé nhà mình chịu khó uống nước lắm, và các bé đi tiểu tiện với màu nước tiểu rất trong. Như vậy, mình cũng tạm yên tâm về hệ thống bài tiết nước tiểu của cơ thể hai bé


Khi thay bỉm cho bé, các mẹ hãy chú ý xem bỉm của bé có những cặn trắng trong bỉm hay không. Các mẹ hãy chú ý thay bỉm đều đặn cho bé, nhất là khi bé đi đại tiện ra bỉm phải lập tức thay ngay, nếu để nước tiểu và phân lẫn lộn nhau sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển gây nên bệnh viêm đường tiết niệu cho bé, Đặc biệt là vào mùa đông giá rét này ở Miền Bắc, các bé dưới 1 tuổi thường phải đóng bỉm cả ngày để tránh cởi quần ra cho bé đi tiểu nhiều khiến bé bị rét, các mẹ nên chú ý khi thay bỉm cho bé nhé!


Khi vệ sinh cho bé sau khi đi đại tiện và tiểu tiện, cần chú ý lau, rửa cho bé từ phía trước ra phía sau, nhất là đối với bé gái, để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào lỗ tiểu. Vì hai bé nhà mình đều là con gái nên mình đặc biệt chú ý đến điều này. Còn ở bé trai, các mẹ cũng nên chú ý xem bé có bị hẹp bao quy đầu hay không, bởi vì hẹp bao quy đầu là một trong những nguyên nhân khiến bé bị viêm đường tiết niệu


Ngoài ra, khi các bé đã ngoài 1 tuổi, các mẹ cố gắng tập cho bé thói quen tự chủ khi đi tiểu và tránh cho bé tè dầm. Mình luôn nhắc các bé chủ động đi vệ sinh ở lớp học, và lúc trước khi đi ngủ. Hai bé nhà mình đều rất chịu khó uống nước, uống sữa, nên hiện nay mặc dù bé thứ hai nhà mình đã được hơn 2 tuổi, để tránh bé bị tè dầm ban đêm, hầu như ngày nào mình cũng phải căn giờ, để đồng hồ báo thức để cho bé đi tiểu tiện vào ban đêm để tránh chẳng may bé ngủ say quá mà quên gọi mẹ cho đi vệ sinh mà lại tè dầm sẽ bị ướt và ngấm lạnh vào người, tạo cho vi khuẩn phát triển ảnh hưởng đến đường tiết niệu của bé. Hầu như đêm nào mình cũng thức dậy cho bé đi vệ sinh, tuy có vất vả nhưng mình cũng thấy yên tâm phần nào khi giữ gìn tốt đường tiết niệu cho bé


Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để ngăn chặn bệnh viêm đường tiết niệu ngày càng bị nhiều ở các bé, các mẹ hãy tạo những thói quen phòng bệnh tốt cho các bé vào thời điểm sớm nhất có thể. Như vậy, mới giúp bé thoát được viêm đường tiết niệu và những biến chứng nguy hiểm của nó như nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm thận sẽ dẫn đến suy thận. Mong các mẹ cùng tham khảo bài viết của mình và cho thêm ý kiến để chúng ta cùng chăm sóc các bé tốt hơn nữa!