Đọc trên mạng mà hãi



Cách đây chừng mươi ngày, chúng tôi có tiếp nhận một bé gái 2 tuổi kháu khỉnh. Nhìn cháu yêu ơi là yêu. Nhưng khi cháu đến nhập viện chỗ chúng tôi làm việc, cháu lại đang lên cơn sốt cao. Mẹ cháu bảo ở nhà cháu sốt cao lắm. Cứ toàn 39-40 độ C. Mà lần nào uống thuốc hạ sốt cũng chỉ được chừng 4 tiếng đồng hồ là y như rằng cu cậu lại sốt hầm hập. Mỗi lần nó sốt em sợ lắm bác sỹ ạ, bà mẹ phân trần.



Chúng tôi có cho cháu vào trong khám. Thì trời ơi, miệng cháu hôi khủng khiếp và nhìn sâu vào bên trong, 2 amidan khẩu cái của cháu sưng to và đầy mủ bám bề mặt. Ngay lập tức, chúng tôi có chỉ đạo cho nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm cho cháu bé. Chừng 10 phút sau, kết quả báo về, bạch cầu viêm của cháu bé đạt gần 20 x 109 tế bào/lít. Đây là con số nhiễm khuẩn mức độ trung bình. Thảo nào bé sốt cao là phải.



Chúng tôi có kê đơn kháng sinh cho cháu bé uống. Và có dặn đi dặn lại là nhất định 3 ngày sau phải cho cháu tới khám dù khi đó bé còn hay hết sốt. Chúng tôi cũng lo sợ bà mẹ không cho cháu uống thuốc được nên có dặn kỹ là nếu cháu bé có nôn trớ ra thuốc thì hãy cho bé uống lại nhưng phải từ từ.



Bẵng đi 1 thời gian, chừng độ 5 ngày sau, bà mẹ lại hớt hơ hớt hải ôm con đến chỗ chúng tôi. Lần này cháu còn sốt cao hơn. Tôi hơi ngạc nhiên vì tính đến hôm nay cháu bé phải khám lại rồi, trong khi 2 mẹ con mất tăm. Mặt khác, hôm nay cũng khó có thể sốt tiếp vì đã 5 ngày dùng kháng sinh.



Nhưng mẹ cháu phân trần: Dạ không ạ. Em có về nhà cho cháu uống kháng sinh như bác sỹ bảo. Nhưng chỉ mới đến ngày thứ 2 cháu bé đã giảm sốt rõ. Đến ngày thứ 3, cháu đã không còn sốt tí tẹo nào. Em có đọc thông tin trên mạng bảo kháng sinh rất độc hại. Rằng kháng sinh làm suy giảm miễn dịch cơ thể. Kháng sinh làm tiêu diệt các tế bào lành lặn. Kháng sinh làm còi xương, chậm lớn, kém ăn, giảm khả năng phát triển. Em sợ lắm. Nên hết ngày thứ 3, em tự cho cháu dừng kháng sinh mà không cần hỏi ai. Ai dè, cháu lại sốt tiếp bác sỹ ạ. Con nhà em bị làm sao vậy.



Chúng tôi có tiến hành khám cho cháu bé, thì trời ơi, lại giống như lần trước. Cháu bé đã tái phát bệnh do sự tự ý dừng thuốc điều trị của bà mẹ.



Dừng sớm là hỏng



Nguyên tắc điều trị nhiễm khuẩn đó là phải dùng kháng sinh. Kháng sinh là thuốc duy nhất có công hiệu tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn gây bệnh. Việc dùng kháng sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt 3 điều thiết yếu: đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng đủ thời gian. Số ngày là con số cần phải chấp hành.



Việc đọc thông tin tham khảo nhưng thiếu hiểu biết nền đã khiến cho bà mẹ hoang mang. Sự hoang mang tột độ đã làm cho bà mẹ tự dừng thuốc điều trị mà không cần hỏi ý kiến bác sỹ. Ý tưởng của bà mẹ thì rất tốt đẹp đó là mong con khỏe mạnh mà không phải dùng tới kháng sinh. Nhưng hành động của bà mẹ đã vô tình đẩy con vào con đường tối tăm hơn. Lẽ tất nhiên ở lần điều trị sau đó, em bé phải dùng kháng sinh liều cao hơn và kéo dài ngày hơn.



Như trên đã nói, việc điều trị nhiễm trùng phải dùng kháng sinh đủ ngày. Tuyệt đối không thể dừng thuốc vào ngày thứ 3. Thời gian dùng kháng sinh đến ngày nào tùy thuộc vào loại thuốc, mức độ bệnh và mức độ đáp ứng của cháu bé. Thông thường, kháng sinh phải dùng tối thiểu từ 5-7 ngày. Việc tự ý dừng thuốc kháng sinh với tình trạng nhiễm khuẩn sẽ làm cháu bé tái phát bệnh nhanh chóng sau đó. Lẽ tất yếu ở lần điều trị sau, liều thuốc phải dùng cao hơn.



Việc tự ý dừng thuốc kháng sinh cũng đẩy cháu bé vào nguy cơ bị kháng kháng sinh. Kháng kháng sinh là tình trạng mà trong đó vi khuẩn ở trên cơ thể cháu bé trở nên quen thuốc. Chúng không chịu hấp thu thuốc hoặc thuốc không có khả năng làm chết vi khuẩn. Khi đã kháng kháng sinh, cháu bé phải dùng liều cao, phối hợp từ 2 kháng sinh trở nên và đương nhiên tác dụng phụ sẽ cõng thêm gấp đôi. Việc kháng kháng sinh ngay từ nhỏ cũng làm thu hẹp cơ hội điều trị. Bởi số đầu thuốc kháng sinh không nhiều, trong khi đó, cháu bé lại còn cả 1 quãng đời dài phía trước. Số lần ốm đau phải dùng tới kháng sinh là con số không biết trước được. Vì thế, chúng tôi mạnh mẽ khuyên các bà mẹ không nên tự ý dừng thuốc cho con khi chưa đủ ngày.



Việc điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhất định phải cho cháu bé tái khám, dù cháu có hết sốt hay không. Hết sốt đó chỉ là vấn đề triệu chứng. Nhưng sự tiến triển bệnh lý thực thụ bên trong thì cần có sự thẩm định của bác sỹ. Nhiều khi cháu bé hết sốt nhưng mủ ở bề mặt amidan vẫn còn thì vi khuẩn vẫn còn ẩn nấp. Lúc đó, cần điều trị triệt để để vi khuẩn không còn cơ hội quay lại gây bệnh. Nếu bà mẹ không cho con quay lại tái khám thì rất có thể sự hết sốt chỉ là tạm thời và giả tạo. Nguyên nhân thì vẫn còn nguyên xi. Và việc bà mẹ tự ý dừng thuốc đã làm cho mầm bệnh tiếp tục phát triển.



Việc tự ý dừng kháng sinh trước thời điểm cho phép cũng vô tình đẩy cháu bé vào biến chứng cao hơn. Lấy ví dụ như viêm họng cấp thể nhiễm liên cầu tan máu nhóm A. Điểm đặc biệt với loại vi khuẩn này là cần điều trị kháng sinh đủ ngày và kéo dài. Nếu bà mẹ tự ý dừng thuốc thì vi khuẩn sau đó “không thèm” cư trú ở họng nữa mà sẽ tự đi tới tim và khớp. Từ đó cháu bé sẽ bị viêm tim, viêm khớp. Vấn đề lúc này trở nên cực kỳ tai hại cho các bé yêu.



BS. Yên Lâm Phúc



webtretho
Hình chỉ mang mục đích minh họa