1, Viêm khớp gối là gì?
Khớp gối được coi là 1 khớp bản lề lớn nhất của cơ thể con người với nhiệm vụ quan trọng là nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể và từ đó giúp chúng ta đi lại dễ dàng, uyển chuyển hơn. Khớp gối được cấu tạo từ các trục xương chính bao gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương chày. Ngoài ra, các thành phần cơ bản khác cũng tham gia cấu thành một khớp gối hoàn chỉnh bao gồm: lớp sụn bao bọc ở các đầu xương và hệ thống các dây chằng cố định vùng xung quanh gối.
Viêm khớp gối là tình trạng tổn thương xảy ra ở các khoang bên trong khớp gối từ đó khiến cho lớp bề mặt sụn vốn trơn tru bỗng trở nên thô ráp, xù xì và bị bào mòn. Từ đó, các khớp xương tiếp xúc sẽ dễ bị cọ sát vào nhau, tạo ra nhiều ma sát và làm giảm tính đàn hồi của phần sụn khớp gây cảm giác đau nhức, khó chịu.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải bệnh viêm khớp gối bao gồm:
- Người lớn tuổi ( > 60 tuổi) có khả năng mắc viêm khớp gối càng cao do tình trạng thoái hoá của hệ xương.
- Giới tính: Theo một số thống kê trước đây đã chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh viêm khớp gối ở nữ giới thường cao hơn so với các đối tượng nam giới.
- Nghề nghiệp: Các công việc với tính chất phải sử dụng sức mạnh của đôi bàn chân nhiều, thường xuyên phải đứng lâu hay thường xuyên phải mang vác vật nặng, đi lại nhiều thì đều làm gia tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp gối.
- Di truyền: Người có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh viêm khớp gối thì nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn so với những người khác.
- Người thừa cân, béo phì và ít vận động thể lực cũng dễ bị viêm khớp gối hơn so với những người hoạt động nhiều.
- Các bất thường về tâm lý như stress, áp lực rất dễ khiến cho cơ thể ở trạng thái căng thẳng kéo dài và dễ sản sinh ra các chất không có lợi cũng như làm cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối.
- Hút thuốc lá: Một số chất độc hại có trong thành phần của khói thuốc lá có thể gây cản trở quá trình lưu thông của dòng máu khiến cho khớp gối không được nuôi dưỡng tốt và từ đó dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
2, Viêm khớp gối nguyên nhân do đâu?
Có nhiều tác nhân khác nhau gây nên tình trạng viêm khớp gối. Dưới đây là một số nguyên nhân hay gặp nhất mà các bạn có thể chú ý:
2.1. Tuổi tác
Tuổi tác càng cao thì càng thúc đẩy quá trình lão hóa của cơ thể và khớp gối cũng nhanh chóng bị thoái hóa. Khi đó, lớp sụn ngày càng trở nên mỏng, mòn kèm theo lượng dịch nhờn ở khớp giúp nuôi dưỡng sụn khớp cũng bài tiết ít dần. Chính vì vậy khớp gối càng dễ bị tổn thương khi tuổi càng cao.
2.2. Các bệnh lý tại khớp gối
Có rất nhiều bệnh lý có thể gây nên tình trạng viêm khớp gối. Chúng ta có thể đề cập tới một số bệnh phổ biến sau:
- Thoái hóa khớp gối: Tình trạng này có thể xuất hiện theo quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc là tình trạng thoái hóa sớm ở những người thường xuyên vận động khớp gối nhiều, thói quen ngồi xổm, gác chân, … Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các gai xương khiến cho những cử động gối bị đau và phát ra âm thanh lục cục khi gấp duỗi khớp gối.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh lý tự miễn gây tổn thương đến các khớp trong đó có khớp gối. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên chống lại chính mô liên kết trong bao khớp gây nên tình trạng viêm.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Trường hợp này thì ít gặp hơn. Khớp gối của bệnh nhân bị nhiễm trùng dẫn đến hàng loạt các triệu chứng viêm diễn ra. Tình trạng này cần xử lý sớm, can thiệp kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho khớp gối.
2.3. Chấn thương
Chấn thương đầu gối sau tai nạn là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây nên tình trạng viêm khớp gối. Đó là:
- Gãy xương: Một số tai nạn đập đầu gối xuống nền cứng có thể dẫn tới hiện tượng rạn, vỡ xương bánh chè. Ngoài ra, các tình trạng gãy đầu dưới xương đùi hoặc đầu trên xương chày do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, … đều có khả năng gây tổn thương đến khớp gối. Ngoài ra, sau khi bị tổn thương gãy xương có thể sẽ đi kèm với tình trạng tràn dịch, tràn máu khớp gối và từ đó dẫn tới hiện tượng chèn ép các khoang. Chèn ép khoang là một biểu hiện nặng trong chấn thương, dễ làm cho người bệnh bị shock và tình trạng chấn thương nghiêm trọng hơn.
- Tổn thương hệ thống dây chằng chéo và dây chằng bên của khớp gối do chấn thương: Những tổn thương này đều có khả năng cao tạo ra các phản ứng viêm bên trong khớp gối.
- Viêm gân bánh chè: Đây là tình trạng viêm đau, kích thích tại gân và điểm bám gân khiến cho người bệnh có cảm giác rất đau. Bệnh lý này thường gặp ở những đối tượng là vận động viên những bộ môn thể dục thể thao như: chạy điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, …
2.4. Gout
Đây được coi là một trong những bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất hiện nay. Bệnh gout khiến cho nồng độ của acid uric trong máu tăng cao vượt ngưỡng bất thường. Từ đó gây ra tình trạng lắng đọng các tinh thể acid uric hoặc các muối urat của chúng (tinh thể urat) ở các vị trí khớp bàn ngón đặc biệt là khớp ngón chân cái. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp chúng tích tụ ở các tổ chức mô mềm của khớp gối và gây ra hàng loạt các triệu chứng kèm theo như: sưng, nóng rát, đỏ và rất đau vùng khớp.
2.5. Thể trạng
Béo phì, thừa cân và ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo áp lực lớn lên khớp gối. Vì khớp gối đảm nhận chức vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên khi trọng lượng cơ thể lớn có thể khiến cho khớp gối càng phải chịu một áp lực rất lớn ngay cả khi thực hiện các động tác nhẹ nhàng như đi bộ hay leo cầu thang.
Xem thêm chi tiết bài viết ngay tại đây.