Viêm âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp nhất ở chị em. Nếu không điều trị viêm âm đạo đúng cách và dứt điểm, bệnh sẽ tái phát và ngày càng nặng hơn có thể dẫn tới nguy cơ bị vô sinh.
1. Nguyên nhân gây nên viêm âm đạo ở nữ giới là gì?
Viêm âm đạo là một bệnh lý phụ khoa khi vùng kín có biểu hiện ngứa rát, ra huyết trắng bất thường kèm mùi hôi khó chịu. Bệnh còn gây khó khăn trong quá trình đi tiểu, và có thể gây đau khi quan hệ tình dục. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm âm đạo ở nữ giới, bao gồm:
- Nguyên nhân đầu tiên khiến chị em dễ bị viêm âm đạo là do bộ phận sinh dục nữ có cấu tạo đặc biệt mở ra ngoài cơ thể. Mặt khác, do vị trí gần nơi bài tiết hàng ngày nên bộ phận này cũng dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài sinh ẩm ướt, nhiễm khuẩn từ chất thải sau khi đi vệ sinh. Chính điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập gây viêm nhiễm âm đạo.
- Bình thường, trong âm đạo có một lượng vi khuẩn có lợi giúp phân giải glycogen nhằm sản sinh ra axit lactic để ngăn chặn vi khuẩn có hại phát triển trong môi trường axit. Tuy nhiên, khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát, hoặc sau 1 đợt dùng kháng sinh thì vi khuẩn dễ xâm nhập vào và có thể gây bệnh.
- Rối loạn nội tiết trong quá trình mang thai, mãn kinh, tiền mãn kinh hay chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng... cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm âm đạo. Khi cơ thể bị rối loạn nội tiết tố sẽ khiến cho môi trường âm đạo trở nên mất cân bằng, thiếu đi các chất dịch và axit lactic diệt khuẩn... Từ đó tạo cơ hội cho vi khuẩn, nấm và tạp trùng tấn công, sinh ra viêm nhiễm.
- Việc lạm dụng thuốc tây, can thiệp thủ thuật không đúng thời điểm, thủ thuật phụ khoa không an toàn như: dụng cụ đặt tránh thai, nạo hút thai… chính là những yếu tố làm tổn thương và gây viêm âm đạo. Ngoài ra việc dùng thuốc tránh thai, kháng sinh quá liều cũng gây ra viêm nhiễm. Bởi vì các hợp chất hóa học có trong thuốc và các dụng cụ tránh thai đã tiêu diệt các vi khuẩn có ích và làm mất đi độ cân bằng PH tự nhiên trong môi trường âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
- Vệ sinh không đúng cách (quá sạch hoặc kém vệ sinh, không chú trọng vệ sinh trong những ngày có kinh nguyệt) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm âm đạo ở chị em. Bình thường, hệ vi sinh vật trong môi trường âm đạo rất phong phú, chúng có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh thông qua sự duy trì tính acid của môi trường âm đạo. Khi hệ vi sinh vật của vùng kín mất trạng thái cân bằng động do quá trình vệ sinh không hợp lý thì sẽ gây viêm nhiễm.
- Sinh hoạt tình dục không an toàn cũng khiến cho các mầm bệnh xâm nhập và gây bệnh. Trong quá trình quan hệ tình dục, các loại nấm, vi khuẩn, virus lây truyền qua đường tình dục như Chlamydia, Trichomonas, trùng roi, xoắn khuẩn, các vi khuẩn kị khí, các loại virus… xâm nhập vào, phá hủy sự cân bằng hệ vi sinh vật, làm giảm chức năng tuyến phòng thủ của âm đạo, gây viêm nhiễm.
2. Ngăn ngừa viêm âm đạo như thế nào hiệu quả nhất?
Để hạn chế những ảnh hưởng do viêm âm đạo, chị em nên lưu ý:
- Không tự ý thụt rửa âm đạo vì việc này sẽ phá vỡ sự cân bằng vốn có của các sinh vật trong âm đạo và có thể gây ra nhiễm trùng âm đạo. Khi đã bị viêm nhiễm, nếu thụt rửa âm đạo có thể khiến cho bệnh nhiễm trùng nặng hơn, hoặc gây biến chứng các bộ phận khác trong cơ quan sinh sản do lây nhiễm.
- Cần luôn chú ý giữ cho khu vực âm đạo luôn sạch sẽ, khô ráo. Nên chọn quần lót có chất cotton thấm hút và không mặc quá chật. Nên vệ sinh vùng kín 2 lần/ngày, đặc biệt trong ngày “đèn đỏ” nên dùng gel hoặc dung dịch vệ sinh có độ pH=(4-6). Tránh dùng các sản phẩm gây kích ứng vùng âm đạo như các loại nước hoa, xà phòng, mỹ phẩm…v.v.
- Thực hành tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không nên có quan hệ tình dục khi đang bị bệnh.
- Nên khám phụ khoa định kỳ để khi phát hiện bệnh có thể xác định nguyên nhân gây bệnh viêm âm đạo và có biện pháp điều trị kịp thời.
- Chú ý bổ sung chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Cần tuân theo sự chỉ định điều trị của bác sĩ khi bị bệnh.
- Đối với những chị em bị lây bệnh từ chồng cần kết hợp điều trị cho cả chồng để điều trị bệnh dứt điểm.
Các chị em thân mến! Viêm âm đạo là bệnh lý tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đó ạ.