Tuyến giáp là một tuyến nằm ở cổ. Có hai loại tế bào sản xuất hormon. Các tế bào nang (các tế bào tạo thành các hình túi nhỏ hay còn gọi là nang tuyến) sản xuất hormon tuyến giáp, nó ảnh hưởng đến nhịp tim, nhiệt độ và mức năng lượng của cơ thể. Các tế bào C sản xuất calcitonin, một hormon giúp kiểm soát mức calci trong máu.
Tuyến giáp hình con bướm, nằm ở trước cổ, bên cạnh hộp thanh âm. Nó có hai phần hoặc hai thuỳ. Hai thuỳ phân cách nhau bởi một phần mỏng gọi là eo.
Tuyến giáp thường không thể sờ thấy qua da. Một thuỳ giáp sưng to có thể nhìn thấy hay sờ thấy như một cục ở trước cổ. Tuyến giáp sưng to được gọi là bướu giáp. Phần lớn các bướu giáp sinh ra do không đủ iod trong thức ăn. Iod là một chất tìm thấy trong loài giáp xác (sò, tôm, cua) và muối iod.
Tìm hiểu về ung thư
Ung thư là một nhóm nhiều bệnh liên quan. Tất cả các ung thư bắt đầu trong các tế bào, đơn vị sống cơ sở của cơ thể. Các tế bào tạo nên các mô và các mô tạo nên các cơ quan của cơ thể.
Bình thường các tế bào phân chia và tạo thành các tế bào mới khi cơ thể cần đến chúng. Khi các tế bào già và chết, các tế bào mới thay thế chúng.
Đôi khi quá trình có trật tự này bị sai sót. Các tế bào mới hình thành khi cơ thể không cần chúng và các tế bào già không chết khi lẽ ra chúng phải chết. Các tế bào thừa này tạo thành một khối mô được gọi là u. U ở tuyến giáp được gọi là nhân u.
Các nhân u ở tuyến giáp có thể lành tính hay ác tính:
Các nhân u lành tính không phải là ung thư. Các tế bào từ các nhân u lành tính không lan tràn tới các phần khác của cơ thể. Chúng không đe doạ đến đời sống. Hầu hết các nhân u của tuyến giáp (trên 90%) là lành tính.
Các nhân tuyến giáp là ung thư. Chúng thường nghiêm trọng hơn và có thể đe doạ đến đời sống. Các tế bào ung thư có thể xâm nhập và phá huỷ các mô và các cơ quan ở gần. Đồng thời các tế bào ung thư cũng có thể tách khỏi các nhân u ác tính để xâm nhập vào dòng máu và hệ thống bạch mạch. Đó là lý do vì sao ung thư có thể lan tràn từ ung thư nguồn gốc (u nguyên phát) để tạo thành một u mới trong các cơ quan khác. Sự lan tràn của ung thư được gọi là di căn.
Dưới đây là các typ chính của ung thư tuyến giáp:
Ung thư biểu mô nhú và nang chiếm tới 80 đến 90% tất cả các ung thư tuyến giáp. Cả hai loại bắt nguồn từ các tế bào nang của tuyến giáp. Hầu hết các ung thư nhú và nang có xu hướng phát triển chậm. Nếu chúng được phát hiện sớm, hầu hết có thể được điều trị có hiệu quả.
Ung thư tuyến giáp thể tuỷ chiếm 5 đến 10% các trường hợp ung thư tuyến giáp. Nó phát sinh từ các tế bào C, không phải từ các tế bào nang. Ung thư tuyến giáp thể tuỷ có thể dễ dàng kiểm soát nếu nó được tìm thấy và điều trị trước khi nó lan tràn ra các phần khác của cơ thể.
Ung thư tuyến giáp mất biệt hoá là loại ung thư tuyến giáp ít phổ biến nhất (chỉ chiếm 1 - 2% các trường hợp). Nó phát sinh trong các tế bào nang. Các tế bào ung thư bất thường cao và khó nhận biết. Loại này của ung thư rất khó kiểm soát vì các tế bào ung thư có xu hướng phát triển và lan tràn rất nhanh.
Nếu ung thư tuyến giáp lan tràn (di căn) ra ngoài tuyến giáp, các tế bào ung thư được tìm thấy ở gần hạch bạch huyết, dây thần kinh hoặc các mạch máu. Nếu ung thư xâm nhập được vào các hạch bạch huyết, các tế bào ung thư cũng có thể lan tràn tới các hạch bạch huyết khác hoặc tới các cơ quan khác như phổi hoặc xương.
Khi ung thư lan tràn từ một vị trí nguồn gốc (ban đầu) tới một phần khác của cơ thể, u mới có các tế bào bất thường cùng loại và cùng tên với u nguyên phát. Ví dụ nếu ung thư tuyến giáp lan tràn tới phổi, các tế bào ung thư ở phổi là tế bào ung thư tuyến giáp. Bệnh là ung thư tuyến giáp di căn, không phải là ung thư phổi. Nó được điều trị như một ung thư tuyến giáp, không phải như một ung thư phổi. Đôi khi các bác sĩ gọi u mới là "bệnh xa" hoặc bệnh di căn.
Ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?
Không ai biết các nguyên nhân chính xác của ung thư tuyến giáp. Các bác sĩ không bao giờ cắt nghĩa được vì sao người này mắc bệnh và người khác không mắc bệnh. Tuy nhiên rõ ràng là ung thư tuyến giáp không lây. Không ai có thể lây nhiễm ung thư từ một người khác.
Các nghiên cứu vừa chứng minh rằng những người có một số yếu tố nguy cơ dễ phát sinh ung thư tuyến giáp hơn những người khác. Yếu tố nguy cơ là một cái gì đó làm tăng cơ hội của một người phát sinh bệnh.
Những yếu tố nguy cơ dưới đây kết hợp với tăng cơ hội phát sinh ung thư tuyến giáp:
Xạ trị: Những người phơi nhiễm với các mức cao của tia xạ dễ bị phát sinh ung thư nhú hoặc nang tuyến giáp hơn những người khác.
Một nguồn quan trọng của nhiễm xạ là điều trị bằng tia X. Giữa những năm 1920 và 1950, các bác sĩ sử dụng tia X liều cao để điều trị các trẻ em có a-mi-đan xưng to, mụn trứng cá và các vấn đề khác ảnh hưởng đến vùng đầu và cổ. Sau này, các nhà khoa học đã tìm thấy rằng một số người được điều trị theo hình thức này phát sinh ung thư tuyến giáp. Các tia X được sử dụng để chẩn đoán thường quy như chụp phim X quang răng, chụp phim lồng ngực sử dụng một liều rất nhỏ tia X. Lợi ích của nó thường vượt xa rất nhiều so với các nguy cơ. Tuy nhiên phơi nhiễm nhắc lại có thể co hại, vì vậy một ý tưởng tốt cho mọi người là hãy hỏi nha sĩ và bác sĩ của mình về yêu cầu cho mỗi lần chụp X quang và đề nghị sử dụng các trường che (shield) bảo vệ các phần khác của cơ thể.
Một nguồn bức xạ khác của cơ thể là bụi phóng xạ. Nguồn bụi phóng xạ này có thể từ các vụ thử vũ khí hạt nhân (như các vụ thử vũ khí hạt nhân ở Mỹ và các nơi khác chủ yếu trong những năm 1950 và 19600, tai nạn của nhà máy điện nguyên tử (như vụ nổ nhà máy điện nguyên tử ở Cher-no-byl năm 1986 ở Liên xô cũ) hoặc bụi phóng xạ thoát ra từ nhà máy chế tạo vũ khí hạt nhân (như ở nhà mày Hanford ở bang Washington vào cuối những năm 1940. Các bụi phóng xạ này có chứa iod phóng xạ (I-131). Những người phơi nhiễm với một hay nhiều nguồn I-131, đặc biệt, nếu là trẻ em vào thời điểm phơi nhiễm có thể tăng nguy cơ với bệnh tuyến giáp.
Lịch sử gia đình. Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tuỷ có thể gây nên do một biến đổi hoặc tổn hại trong một gen gọi là RET. Gen RET bị tổn hại có thể được truyền từ bố mẹ cho con. Hầu như mỗi người có gen RET bị tổn hại sẽ phát sinh ung thư tuyến giáp thể tuỷ. Một xét nghiệm máu có thể phát hiện được gen RET bị tổn hại. Nếu một gen RET bị tổn hại được phát hiện ở một người ung thư biểu mô tuỷ tuyến giáp, bác sĩ có thể gợi ý các thành viên trong gia đình xét nghiệm gen RET. Với những người có mang gen RET biến đổi, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thường xuyên hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp trước khi ung thư phát sinh. Khi ung thư tuyến giáp thể tuỷ xảy ra trong một gia đình, bác sĩ có thể gọi đây là "ung thư tuyến giáp thể tuỷ gia đình" hoặc "hội chứng nhiều u nội tiết" (hội chứng MEN). Những người có hội chứng MEN có xu hướng phát sinh một số loại ung thư khác.
Một số nhỏ những người có lịch sử gia đình mắc bệnh bướu giáp hoặc một số po-lyp tiền ung thư ở đại tràng có nguy cơ phát sinh ung thư tuyến giáp thể tuỷ.
Là phụ nữ. Tại Mỹ, phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới từ 2 đến 3 lần.
Tuổi. Hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở tuổi trên 40. Những người với ung thư tuyến giáp mất biệt hoá thường trên 65 tuổi.
Chủng tộc. Tại Mỹ, những người Mỹ nguồn gốc châu Phi thường bị ung thư tuyến giáp nhiều hơn.
Không đủ iod trong chế độ ăn. Tuyến giáp cần iod để sản xuất hormon của mình. Tại một số nước và ở Việt nam iod được bổ sung vào muối để bảo vệ ngừi dân khổi bị bệnh tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp hình như ít phổ biến hơn ở những nước iod không là một phần của khẩu phần ăn.
Nhiều người có các yếu tố nguy cơ đã biết không bị ung thư tuyến giáp. Trái lại nhiều người mắc ung thư tuyến giáp nhưng không có bất kỳ yếu tố nào trong các yếu tố nguy cơ này. Những người nghĩ rằng mình có nguy cơ phát sinh ung thư tuyến giáp có thể trình bày những băn khoăn của mình với bác sĩ. Bác sĩ có thể gợi ý các phương pháp để làm giảm nguy cơ hoặc có thể lập các kế hoạch thích hợp để kiểm tra.
Các triệu chứng
Ung thư tuyến giáp sớm thường không gây các triệu chứng. Tuy nhiên khi bệnh phát triển, các triệu chứng có thể bao gồm:
Một u hay một nhân ở trước cổ vùng tuyến giáp.
Giọng khàn hoặc khó nói giọng bình thường.
Hạch bạch huyết xưng to, đặc biệt là các hạch cổ.
Khó nuốt hoặc khó thở.
Đau ở họng hoặc ở cổ.
Các dâu hiệu này không phải là dấu hiệu chắc chắn của ung thư tuyến giáp. Một nhiễm trùng, một bướu giáp lành tính hoặc một vấn đề khác cũng có thể gây nên các triệu chứng này. Một người nào đó có các triệu chứng này cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và điều trị các biểu hiện bệnh này.
Chẩn đoán
Nếu một người có các triệu chứng gợi ý ung thư tuyến giáp, bác sĩ có thể thực hiện khám thực thể và hỏi về lịch sử bệnh của cá nhân bệnh nhân và gia đình. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm hoặc các thử nghiệm chẩn đoán hình ảnh để có các hình ảnh của tuyến giáp và các vùng khác.
Việc khám và xét nghiệm có thể bao gồm:
Khám thực thể. Bác sĩ sẽ sờ vùng cổ, tuyến giáp và các hạch ở cổ để phát hiện những phát triển (nhân u) hoặc xưng to bất thường.
Các xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể xét nghiệm các mức bất thường của hormon kích thích tuyến giáp TSH trong máu. TSH cũng kiểm soát các tế bào của tuyến giáp nhanh như thế nào.
Nếu một ung thư tuyến giáp thể tuỷ bị nghi ngờ, bác sĩ sẽ kiểm tra mức cao bất thường của calci trong máu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm máu để phát hiện gen RET biến đổi hoặc tìm mức cao của calcitonin.
Siêu âm
Máy siêu âm sử dụng sóng âm con người không nghe thấy được. Các sóng dịch chuyển qua tuyến giáp và một máy vi tính sử dụng các âm này để tạo nên hình ảnh gọi là siêu âm đồ. Trên hình ảnh này, bác sĩ có thể nhìn thấy có bao nhiêu nhân u trong tuyến giáp, chúng lớn bằng nào và liệu chúng là đặc hay chứa đầy dịch bên trong.
Quét hình y học hạt nhân
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm quét hình y học hạt nhân. Phương pháp này sử dụng một lượng rất nhỏ vật liệu phóng xạ để làm cho các nhân u tuyến giáp hiện hình trên ảnh. Các nhân hấp thụ ít các vật liệu phóng xạ hơn mô tuyến giáp xung quanh gọi là nhân lạnh. Các nhân lạnh có thể lành tính hay ác tính. Các nhân nóng hấp thụ nhiều các vật liệu phóng xạ hơn mô tuyến giáp xung quanh và thường là lành tính.
Sinh thiết
Kỹ thuật lấy mô để tìm tế bào ung thư gọi là sinh thiết. Sinh thiết có thể cho biết ung thư, những thay đổi mô dẫn đến ung thư và các bệnh khác. Sinh thiết là phương pháp duy nhất để biết liệu một nhân u có phải là ung thư không.
Bác sĩ có thể lấy mô bằng kim hay trong khi phẫu thuật:
Hút kim nhỏ: Với nhiều bệnh nhân, bác sĩ lấy mẫu mô từ nhân u tuyến giáp bằng một kim nhỏ. Bác sĩ giải phẫu bệnh (bác sĩ bệnh học) quan sát các tế bào dưới kính hiển vi để tìm ung thư. Đôi khi bác sĩ sử dụng máy siêu âm để hướng dẫn kim vào nhân u.
Sinh thiết phẫu thuật: nếu một chẩn đoán không thể thực hiện được bằng hút kim nhỏ, bác sĩ có thể mổ để lấy nhân u. Sau đó bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ kiểm tra mô này để tìm các tế bào ung thư.
Một người cần làm sinh thiết có thể hỏi bác sĩ các câu hỏi dưới đây để hiểu rõ hơn về sinh thiết:
Loại sinh thiết nào sẽ được thực hiện cho tôi?
Sinh thiết kéo dài bao lâu? Tôi có bị đau không?
Tôi có sẹo trên cổ sau khi sinh thiết không?
Tôi sẽ có kết quả sớm không? Ai sẽ cắt nghĩa kết quả cho tôi?
Nếu chẳng may tôi bị ung thư, ai sẽ nói với tôi về kế hoạch điều trị?
Giai đoạn bệnh
Nếu một chẩn đoán tuyến giáp là ung thư, bác sĩ cần biết giai đoạn bệnh (hay sự lan tràn của bệnh) để lập kế hoạch điều trị một cách tốt nhất. Xác định giai đoạn là một việc làm thận trọng để biết liệu ung thư đã lan tràn chưa và nếu đã lan tràn thì ung thư lan tràn tới phần nào của cơ thể.
Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm, chụp cộng hưởng từ hạt nhân (còn gọi là MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (còn gọi là CT) để tìm hiểu liệu ung thư đã lan tràn đến hạch bạch huyết hoặc các vùng khác ở cổ chưa. Bác sĩ cũng có thể sử dụng quyét hình y học hạt nhân toàn cơ thể, chẳng hạn như "quyét hình toàn cơ thể bằng I-131 để chẩn đoán" hoặc các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác để biết liệu ung thư tuyến giáp đã lan tràn tới các vị trí xa của cơ thể chưa.
Điều trị
Những người mắc ung thư tuyến giáp thường muốn tham gia tích cực vào các quyết định chăm sóc sức khoẻ cho mình. Họ muốn biết tất cả những điều họ có thể biết về bệnh của mình và sự lựa chọn tốt nhất cho việc điều trị bệnh. Tuy nhiên cú sốc và sang chấn tinh thần mạnh sau khi biết mình được chẩn đoán là ung thư thường làm cho họ khó có thể nghĩ về mọi điều họ muốn hỏi bác sĩ. Thường bệnh nhân nên ghi trước các câu hỏi mình muốn hỏi bác sĩ. Để giúp nhớ được bác sĩ nói gì, bệnh nhân có thể ghi lại hoặc nếu có điều kiện bệnh nhân có thể xin phép bác sĩ ghi âm lại những điều bác sĩ giải thích. Một số bệnh nhân muốn có một thành viên gia đình hoặc một người bạn cùng có mặt khi họ nói chuyện với bác sĩ để tham gia vào việc thảo luận ghi chép hoặc cùng nghe.
Bác sĩ có thể gửi bệnh nhân đến các bác sĩ ung thư học chuyên về điều trị ung thư hoặc bệnh nhân có thể hỏi các trung tâm tư vấn. Các chuyên gia điều trị ung thư bao gồm các bác sĩ ngoại khoa, các nhà nội tiết học (chuyên điều trị các bệnh tuyến nội tiết), các nhà ung thư học nội khoa (các bác sĩ chuyên điều trị bệnh ung thư bằng thuốc) và các nhà ung thư học xạ trị. Điều trị thường bắt đầu vài tuần sau chẩn đoán. Làm như vậy để có thời gian bệnh nhân hỏi bác sĩ về việc lựa chọn biện pháp điều trị, nghe thêm một ý kiến thứ hai và học hỏi nhiều hơn về ung thư tuyến giáp.
Nghe thêm một ý kiến thứ hai
Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân nên nghe một ý kiến thứ hai về chẩn đoán và kế hoạch điều trị bệnh. Cách tốt nhất là tham khảo ý kiến của một bác sĩ giải phẫu bệnh và một bác sĩ chuyên về ung thư học. Bác sĩ giải phẫu bệnh có thể giúp bệnh nhân hiểu rõ thêm về các thể giải phẫu bệnh của bệnh ung thư tuyến giáp và tiến triển của từng thể bệnh. Công việc này đòi hỏi một ít thời gian. Trong nhiều trường hợp, sự chậm lại một thời gian ngắn không làm việc điều trị kém hiệu quả hơn.
Chuẩn bị cho việc điều trị
Bác sĩ có thể giải thích cho bệnh nhân việc lựa chọn biện pháp điều trị và các kết quả hy vọng đạt được với từng cách điều trị. Bác sĩ và bệnh nhân có thể cùng hợp tác để lập một kế hoạch điều trị phù hợp với yêu cầu của bệnh nhân.
Việc điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại (giải phẫu bệnh) ung thư tuyến giáp, kích thước của nhân u, tuổi của bệnh nhân và liệu ung thư đã lan tràn hay chưa.
Có một số câu hỏi bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ:
Loại ung thư tuyến giáp nào tôi mắc?
Ung thư đã lan tràn chưa?
Bệnh của tôi thuộc giai đoạn nào?
Tôi có cần làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra sự lan tràn của bệnh không?
Những khả năng lựa chọn trong điều trị của tôi là gì? Ai có thể cố vấn cho tôi? Vì sao?
Lợi ích của mỗi loại điều trị là gì?
Các nguy cơ và các tác dụng phụ của mỗi loại điều trị là gì?
Điều trị tốn kém khoảng bao nhiêu? Bảo hiểm y tế có thanh toán tiền cho tôi không?
Việc điều trị sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của tôi như thế nào?
Bệnh nhân cũng không nhất thiết phải hỏi bác sĩ tất cả các câu hỏi hoặc hiểu tất cả các câu trả lời của bác sĩ một lần. Họ sẽ còn có các cơ hội khác để hỏi bác sĩ những điều họ chưa rõ trong những lần gặp trước và hỏi nhiều thông tin hơn.
Các phương pháp điều trị
Bệnh ung thư tuyến giáp có nhiều cách điều trị. Phụ thuộc vào loại giải phẫu bệnh và giai đoạn, ung thư tuyến giáp có thể được điều trị bằng phẫu thuật, iod phóng xạ, điều trị bằng hormon, xạ ngoài hoặc hoá trị. Một số bệnh nhân được điều trị kết hợp.
Bác sĩ là người trình bày tốt nhất các phương pháp điều trị chọn lọc và thảo luận về các kết quả hy vọng đạt được.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất với ung thư tuyến giáp. Phẫu thuật viên cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào loại và giai đoạn bệnh của ung thư tuyến giáp, kích thước u và tuổi của bệnh nhân.
Cắt tuyến giáp toàn bộ - Phẫu thuật lấy toàn bộ tuyến giáp được gọi là cắt tuyến giáp toàn bộ. Phẫu thuật viên lấy tuyến giáp qua một đường rạch ở cổ. Các hạch bạch huyết ơe gần cũng được lấy đi. Nếu bác sĩ giải phẫu bệnh tìm thấy các tế bào ung thư trong các hạch, điều đó có nghĩa là bệnh có thể lan tràn ra các phần khác của cơ thể. Trong một số nhỏ các trường hợp, bác sĩ lấy các mô khác ở cổ đã bị ung thư xâm nhập. Một số bệnh nhân đã được mổ cắt tuyến giáp toàn bộ cũng được dùng iod phóng xạ hoặc xạ trị ngoài.
Cắt bỏ thuỳ tuyến - Một số bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang có thể được điều trị bằng cắt bỏ thuỳ tuyến. Thuỳ tuyến có nhân ung thư được cắt bỏ. Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể lấy một phần mô giáp còn lại hoặc các hạch bạch huuyết ở gần. Một số bệnh nhân được cắt bỏ thuỳ tuyến cũng được điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật bổ sung để lấy mô tuyến giáp còn lại.
Gần như tất cả các bệnh nhân được mổ cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp được dùng viên hormon tuyến giáp để thay thế hormon tự nhiên.
Sau phẫu thuật lần đầu, có thể bác sĩ cần mổ lại vùng cổ vì ung thư đã lan tràn. Các bệnh nhân đã được tiến hành các phẫu thuật này có thể được được điều trị bằng iod 131 (I-131) hoặc xạ trị ngoài để điều trị ung thư tuyến giáp đã lan xa.
Một số câu hỏi bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi phẫu thuật;
Loại phẫu thuật nào tôi sẽ được áp dụng?
Tôi sẽ cảm thấy như thế nào sau phẫu thuật?
Bác sĩ sẽ làm gì cho tôi nếu tôi bị đau?
Tôi sẽ phải nằm lại trong bệnh viện trong bao nhiêu lâu?
Tôi sẽ có các ảnh hưởng lâu dài?
Khi nào tôi có thể trở lại hoạt động bình thường?
Sẹo mổ của tôi sẽ như thế nào?
Tôi có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn không?
Tôi có càn dùng viên thuốc hormon tuýen giáp không?
Tôi cần đi kiểm tra thường xuyên như thế nào?
Điều trị iod phóng xạ sử dụng iod phóng xạ (I-131) để phá huỷ các tế bào ung thư ở mọi nơi trong cơ thể. Điều trị thường được dùng theo đường miệng (dung dịch hoặc viên nang) với liều nhỏ không gây tác dụng phụ cho những người dị ứng với iod. Sau khi được hấp thu ở ruột, I-131 đi theo đường máu và được tập trung trong các tế bào tuyến giáp. Các tế bào ung thư còn lại ở vùng cổ và các tế bào ung thư đã lan ra các phần khác của cơ thể bị giết khi chúng hấp thụ I-131.
Nếu liều I-131 đủ thấp, bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú bằng I-131. Nếu liêu I-131 cao, bác sĩ có thể bảo vệ các người khác khỏi bị nhiễm xạ bằng cách ly bệnh nhân trong bệnh viện trong thời gian điều trị. Hầu hết các phóng xạ diễn ra trong một vài ngày. Sau ba tuần chỉ còn lại các vệt iod phóng xạ còn lại trong cơ thể.
Các bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp thể tuỷ hoặc ung thư tuyến giáp mất biệt hoá nó chung không được điều trị bằng I-131. Các loại ung thư tuyến giáp này hiếm khi đáp ứng với điều trị bằng I-131.
Điều trị nội tiết tố. Điều trị nội tiết tố sau phẫu thuật thường là một phần của kế hoạch điều trị các ung thư nhú và nang. Khi bệnh nhân uống viên hormon tuyến giáp, sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến giáp còn lại, điều đó làm chậm nguy cơ bệnh tái phát trở lại.
Sau phẫu thuật hoặc sau điều trị bằng I-131 (cắt bỏ hoặc phá huỷ mô tuyến giáp), các bệnh nhân với ung thư tuyến giáp có thể cần dùng viên hormon tuyến giáp để thay thế hormon tuyến giáp tự nhiên.
Bệnh nhân có thể hỏi các câu hỏi dưới đây về điều trị bằng iod phóng xạ hoặc điều trị hormon:
Vì sao tôi cần loại điều trị này?
Điều trị sẽ được tiến hành như thế nào?
Tôi có cần ở lại trong bệnh viện để điều trị không?
Điều trị này có gây tác dụng phụ không? Tôi phải làm gì với các tác dụng phụ nay?
Điều trị này sẽ kéo dài bao lâu?
Tôi sẽ cần kiểm tra như thế nào?
Xạ trị ngoài. Xạ trị ngoài sử dụng các tia X năng lượng cao để giết các tế abò ung thư. Một máy lớn sẽ hướng các tia phóng xạ vào vùng cổ hoặc vào các vùng của cơ thể có ung thư đã lan tràn.
Xạ trị ngoài là điều trị tại chỗ. Nó chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư ở vùng được điều trị. Xạ trị ngoài được sử dụng chủ yếu để điều trị cho những người ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn không đáp ứng với điều trị bằng iod phóng xạ. Để xạ trị ngoài, bệnh nhân phải đi đến bệnh viện, thường 5 ngày một tuần trong nhiều tuần. Xạ trị ngoài cũng được sử dụng để làm giảm đau hoặc chữa các triệu chứng khác.
Đây là một số câu hỏi bệnh nhân có thể muốn hỏi bác sĩ trước khi xạ trị bắt đầu:
Vì sao tôi cần phải xạ trị?
Khi nào điều trị bắt đầu? Khi nào việc điều trị sẽ kết thúc?
Tôi sẽ cảm thấy như thế nào trong khi điều trị?
Làm thế nào để biết xạ trị đang có tác dụng?
Tôi có thể tiếp tục hoạt động bình thường của mình trong quá trình điều trị hay không?
Tôi cần được kiểm tra thường xuyên như thế nào?
Hoá trị - Hoá trị, dùng thuốc để giết các tế bào ung thư, đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp. Hoá trị (còn gọi là điều trị hoá chất) được biết là một điều trị hệ thống vì thuốc đi vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Với một số bệnh nhân hoá trị có thể kết hợp với xạ trị ngoài.
Bệnh nhân có thể muốn hỏi các câu hỏi dưới đây về hoá trị:
Vì sao tôi cần loại điều trị này?
Việc điều trị sẽ được thực hiện như thế nào?
Tôi sẽ có các tác dụng phụ không? Tôi có thể làm gì với các tác dụng phụ này?
Việc điều trị sẽ kéo dài bao lâu?
Tôi cần kiểm tra thường xuyên như thế nào?
Các tác dụng phụ của điều trị ung thư
Vì điều trị ung thư có thể làm tổn thương các tế bào và mô lành, các tác dụng phụ không mong muốn đôi khi xảy ra. Các tác dụng phụ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại và sự mở rộng của điều trị. Các tác dụng phụ của một điều trị ung thư khác nhau với mỗi người và thậm chí chúng có thể khác nhau từ lần điều trị này so với lần điều trị tiếp theo. Trước khi bắt đầu điều trị, các bác sĩ có thể cắt nghĩa các tác dụng phụ có thể có và hướng dẫn các phương pháp đeer giúp bệnh nhân xử lý các tác dụng phụ này.
Phẫu thuật
Bệnh nhân thường không thoải mái trong những ngày đầu sau điều trị. Tuy nhiên có thể dùng thuốc để làm giảm đau. Bệnh nhân có thể đề nghị bác sĩ hoặc các điều dưỡng viên để được điều trị giảm đau. Bệnh nhân cũng thường cảm thấy mệt mỏi và yếu. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thay đổi theo từng bệnh nhân.
Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và các mô và các cơ quan ở gần, chẳng hạn như các tuyến cận giáp, các bệnh nhân có thể cần dùng thuốc (hormon tuyến giáp) hoặc vitamin và các chất bổ sung muối khoáng (vitamin D và calci). Trong một số ít trường hợp, các dây thần kinh và cơ có thể bị tổn thương hoặc lấy đi trong khi phẫu thuật. Nếu điều đó xảy ra, bệnh nhân có thể có biến đổi giọng nói hoặc một bên vai có thể thấp hơn vai bên kia.
Điều trị iod phóng xạ (I-131)
Bệnh nhân có thể có nôn và buồn nôn trong ngày đầu điều trị I-131. Mô tuyến giáp còn lại ở cổ sau phẫu thuật có thể sưng và đau. Nếu ung thư tuyến giáp đã lan tràn đến các phần khác của cơ thể, I-131 tập trung ở đây có thể gây đau và sưng. Có hiện tượng sưng và đau như vậy vì I-131 phá huỷ các tế bào ung thư nên gây phản ứng viêm tại chỗ.
Bệnh nhân cũng có thể bị khô miệng và mất vị giác hoặc khứu giác (ngửi) trong một thời gian ngắn sau điều trị bằng I-131. Nhai kẹo cao su không đường hoặc mút kẹo cứng không đường có thể làm giảm các triệu chứng này.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cố gắng uống nhiều nước và các dịch khác. Vì các dịch giúp I-131 đi qua cơ thể nhanh hơn, việc tiếp xúc của bàng quang với I-1131 giảm đi. Như vậy sẽ đảm bảo cho bàng quang ít bị ảnh hưởng của I-131.
Vì điều trị bằng iod phóng xạ phá huỷ các tế bào sản xuất hormon tuyến giáp, bệnh nhân cần dùng viên hormon tuyến giáp để thay thế hormon tự nhiên.
Một tác dụng phụ ở nam giới được điều trị bằng các liều lớn I-131 là mất khả năng sinh sản. Ở phụ nữ, I-131 có thể không gây mất khả năng sinh sản, nhưng một số bác sĩ khuyên các bệnh nhân nữ giới tránh có mang trong một năm sau khi điều trị bằng I-131.
Mộ số nhà nghiên cứu đã báo cáo là một số rất nhỏ bệnh nhân có thể phát sinh bệnh bạch cầu một số năm sau điều trị bằng I-131.
Điều trị hormon (nội tiết tố)
Các viên hormon tuyến giáp không bao giờ gây các tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể bị nổi mụn ở da hoặc rụng một số tóc trong những tháng đầu điều trị.
Bác sĩ sẽ phải theo dõi chặt chẽ mức hormon tuyến giáp trong máu trong những lần đến kiểm tra. Quá nhiều hormon tuyến giáp có thể gây sút cân và cảm thấy nóng và toát mồ hôi. Nó cũng có thể gây đau ngực, chuột rút, và ỉa chảy. Các biểu hiện này được gọi là "cường giáp". Nếu mức hormon tuyến giáp quá thấp, bệnh nhân có thể tăng cân, cảm thấy lạnh và có da và tóc khô. Bác sĩ thường gọi các biểu hiện này là "thiểu năng tuyến giáp". Nếu cần thiết bác sĩ sẽ điều chỉnh liều để bệnh nhân được dùng đủ liều.
Xạ trị ngoài
Xạ trị ngoài có thể làm cho bệnh nhân rất mệt mỏi khi điều trị tiếp tục. Nghỉ ngơi là quan trọng nhưng bác sĩ thường khuyên bệnh nhân cố gắng duy trì hoạt động đến mức có thể được. Thêm vào đó, khi bệnh nhân nhận xạ trị ngoài, biểu hiện khá phổ biến là da bệnh nhân trở nên đỏ, khô và căng trong vùng điều trị. Khi vùng cổ được xạ trị ngoài, bệnh nhân có thể cảm thấy giọng khản hoặc khó nuốt. Các biểu hiện khác phụ thuộc vào vùng cơ thể được điều trị. Nếu hoá trị được thực hiện vào cùng thời điểm, các tác dụng phụ có thể nặng hơn. Bác sĩ có thể gợi ý các phương pháp làm giảm nhẹ tác dụng này.
Hoá trị
Các tác dụng phụ của hoá trị phụ thuộc vào các thuốc đặc hiệu được sử dụng. Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm nôn, buồn nôn, đau miệng, và rụng tóc. Một số tác dụng phụ có thể dùng thuốc để làm giảm nhẹ.
Theo dõi sau điều trị
Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến giáp là một phần quan trọng của kế hoạch điều trị nói chung. Kiểm tra đều đặn đảm bảo bất cứ một thay đổi nào về sức khoẻ đều được ghi nhận. Những vấn đề phát hiện được phải được điều trị sớm nhất có thể được.Việc kiểm tra có thể bao gồm khám lâm sàng thận trọng, chụp X quang và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác (như quét hình y học hạt nhân) và các xét nghiệm trong phòng xét nghiệm (như xét nghiệm máu tìm calcitonin). Bác sĩ cũng có thể giải thích kế hoạch theo dõi cho bệnh nhân: bệnh nhân phải đi khám thường xuyên như thế nào và các loại xét nghiệm nào là cần thiết.
Xét nghiệm quan trọng sau điều trị ung thư tuyến giáp là đo mức thyroglobulin trong máu. Hormon tuyến giáp được lưu giữ trong tuyến giáp được gọi là thyroglobulin. Nếu tuyến giáp đã được cắt bỏ, có thể có rất ít hoặc không có thyroglobulin trong máu. Mức cao của thyroglobulin có thể có nghĩa là các tế bào ung thư tuyến giáp đã phát triển trở lại.
Sáu tuần trước khi xét nghiệm thyroglobulin, bệnh nhân phải dừng uống viên hormon tuyến giáp. Trong thời gian này, một số bệnh nhân có thể uống loại hormon tuyến giáp khác tác dụng ngắn hơn. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân phải dừng uống mọi loại hormon tuyến giáp trong hai tuần cuối cùng trước khi xét nghiệm. Khi không có được mức hormon tuyến giáp thích hợp bệnh nhân sẽ cảm thấy không thoải mái. Họ sẽ bị tăng cân và cảm thấy rất mệt mỏi. Bệnh nhân cần hỏi bác sĩ về các phương pháp đối phó với những khó khăn này. Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân lại trở lại với việc điều trị bằng viên hormon tuyến giáp như thường lệ.
Bác sĩ có thể yêu cầu quét hình I-131 toàn cơ thể. Xét nghiệm này có thể được gọi là quét hình chẩn đoán I-131 toàn cơ thể". Trong một thời gian nhất định (thường là 6 tuần) trước khi quét hình này, bệnh nhân phải ngừng dùng viên hormon tuyến giáp. Các tế bào ung thư ở đâu đó trong cơ thể sẽ hiện lên trên hình quét. Sau sét nghiệm này bac sĩ sẽ nói với bệnh nhân khi nào được dùng trở lại viên hormon tuyến giáp.
Hỗ trợ các bệnh nhân ung thư tuyến giáp
Sống với một bệnh trầm trọng như ung thư không phải đễ dàng. Một số bệnh nhân thấy cần sự giúp đỡ để đối phó với những xúc động và thực trạng bệnh tật của họ. Việc thành lập các nhóm hỗ trợ có thể hữu ích. Trong các nhóm này, bệnh nhân hoặc các thành viên trong gia đình của họ tập hợp với nhau để chia xẻ những điều họ học hỏi được về đối phó với bệnh tật và những hiệu quả của điều trị.
Những người sống với ung thư có thể lo lắng về chăm sóc gia đình họ, giữ việc làm của họ và tiếp tục các hoạt động hàng ngày. Những lo lắng về việc điều trị và khắc phục các tác dụng phụ, việc phải ở lại trong bệnh viện và thanh toán viện phí cũng là những lo lắng phổ biến. Do đó người bệnh cần sự hỗ trợ của gia đình, cơ quan, cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống.
Các danh từ
Ác tính: Ung thư. Các u ác tính có thể xâm nhập và phá huỷ mô ở gần và lan tràn đến các phần khác của cơ thể.
Bướu giáp: Một tuyến giáp to. Nó có thể được tạo nên do quá ít iod trong thức ăn hoặc do các bệnh khác. Hầu hết các bướu giáp không phải là ung thư.
Bụi phóng xạ: Các tiểu phần phóng xạ rơi xuống đất trong và sau khi nổ bom nguyên tử, thử vù khí hạt nhân, hoặc tai nạn nhà máy điện nguyên tử.
Bệnh bạch cầu: Ung thư bắt nguồn từ mô tạo máu chẳng hạn như tuỷ xương và gây nên một số lượng lớn tế bào máu được sản xuất ra và đi vào dòng máu.
Cắt bỏ thuỳ: Phẫu thuật lấy đi một thuỳ của một cơ quan.
Cắt bỏ uyến giáp: Phẫu thuật lấy một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
Calcitonin: Một hormon được sản xuất bởi các tế bào C trong tuyến giáp. Nó giúp duy trì mức bình thường của calci trong máu. Khi mức calci quá cao, nó làm hạ thấp mức này.
Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm tạo ra các hình ảnh của các vùng bên trong cơ thể.
Chất lượng sống: Sự thích thú chung của cuộc sống. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của ung thư và việc điều trị bệnh trên chất lượng cuộc sống. Các nghiên cứu này đo khả năng cảm nhận của cá thể về sự sung mãn sức khoẻ và khả năng thực hiện các hoạt động khác nhau.
Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính còn được gọi tắt là quét hình CT (CT scan). Một loạt các hình ảnh chi tiết của các vùng bên trong cơ thể được chụp từ các góc khác nhau, các hình ảnh được tạo nên bởi một máy vi tính gắn với một máy chụp X quang. Phương pháp này còn được gọi là chụp cắt lớp vi tính hoá và chụp cắt lớp trục vi tính hoá (CAT scan).
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một phương pháp trong đó các sóng radio và một từ tính mạnh gắn với một máy tính được sử dụng để tạo ra các hình ảnh chi tiết của các vùng trong cơ thể. Các hình ảnh có thể cho thấysự khác nhau giữa các mô bình thường và bệnh lý của cơ thể. MRI tạo nên các hình ảnh của các cơ quan và mô mềm tốt hơn các kỹ thuật quét hình khác quét hình CT hoặc chụp X quang. MRI đặc biệt có lợi trong việc chẩn đoán hình ảnh của não, xương sống, mô mềm của khớp và bên trong xương. Cũng gọi là chụp cộng hưởng từ hạt nhân.
Di căn: Ung thư lan tràn từ một phần của cơ thể tới phần khác. Môt u được hình thành từ các tế bào vừa lan tràn được gọi là "u di căn" hay "di căn". U di căn có chứa các tế bào giống các tế bào trong u nguồn gốc (u nguyên phát).
Đại tràng: Phần dài nhất của đại tràng (ruột già), đó là một cơ quan hình ống nối với ruột non ở một đầu và hậu môn ở đầu kia. Đại tràng hấp thu lại nước, một số chất dinh dưỡng và điện giải từ thức ăn đã được tiêu hoá một phần (ở ruột non). Vật liệu còn lại đặc, được thải ra được gọi là phân, đực vận chuyển qua đại tràng tới trực tràng và rời cơ thể qua hậu môn.
Điều trị hệ thống: Điều trị sử dụng các chất lưu thông trong dòng máu, tiếp cận và ảnh hưởng tới các tế bào của toàn cơ thể.
Điều trị hormon (Điều trị nội tiết tố): Điều trị bổ sung, phong toả hoặc loại bỏ hormon. Trong một số bệnh (chẳng hạn như đái đường hoặc mãn kinh), các hormon được đưa vào để điều chỉnh các mức hormon thấp. Để làm chậm hoặc làm dừng sự phát triển của một số ung thư (như ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú), các hormon tổng hợp hoặc một số có thể được dùng để ngăn chặn các hormon tự nhiên của cơ thể. Đôi khi phẫu thuật là cần thiết để cắt bỏ một tuyến sản xuất ra một số hormon. Cũng gọi là liệu pháp hormon, điều trị hormon, liệu pháp nội tiết.
Eo: Một phần hẹp bên trong cơ thể nối liền hai cấu trúc rộng hơn.
Gen: đơn vị chức năng và thực thể của di truyền được truyền từ người bố cho con. Các gen là các loại ADN, và hầu hết các gen có chứa các thông tin để tạo nên một protein đặc hiệu.
Giảm năng tuyến giáp: Quá ít hormon tuyến giáp. Các triệu chứng bao gồm tăng cân, táo bón, khô da và nhậy cảm với lạnh. Cũng goi là tuyến giáp giảm hoạt động.
Giai đoạn: Sự lan tràn của ung thư trong cơ thể. Việc định giai đoạn dựa trên kích thước u, các hạch có chứa các tế bào ung thư hay không, và ung thư đã lan tràn từ vị trí ban đầu tới các phần khác trong cơ thể chưa.
Hạch bạch huyết: Một khối hình hạt đậu của mô lympho được bao bọc bởi một vỏ liên kết. Các hạch bạch huyết lọc dịch bạch huyết và chúng chứa các lympho bào (tế bào máu trắng). Chúng nằm dọc theo các mạch bạch huyết. Cũng được gọi là tuyến bạch huyết.
Hội chứng đa u nội tiết: Một xu hướng di truyền phát sinh ung thư tuyến giáp và các ung thư khác của hệ thống nội tiết. Gen bị biến đổi có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu.
Hệ thống bạch huyết: Các mô và các cơ quan sản xuất, tàng trữ và vận chuyển các tế bào máu trắng, các tế bào chống các nhiễm trùng và các bệnh khác. Hệ thống này bao gồm tuỷ xương, lách, tuyến ức, các hạch bạch huyết và các mạch bạch huyết (một lưới các ống mảnh mang bạch huyết và các tế bào máu trắng. Các mạch bạch huyết chia nhánh, giống như các mạch máu, vào tất cả các mô của cơ thể.
Hoá trị: Hoá trị (còn gọi là điều trị hoá chất) là điều trị bằng các thuốc giết các tế bào ung thư.
Hormon kích thích tuyến giáp (TSH): Một hormon sản xuất bởi tuyến yên. TSH kích thích giải phóng hormon tuyến giáp từ thyroglobulin. Nó cũng kích thích sự phát triển của các tế bào nang của tuyến giáp. Mức TSH bất thường có thể có nghĩa là hệ thống điều hoà hormon tuyến giáp không được kiểm soát, thường là hậu quả của một bệnh lành tính (cường tuyến giáp hoặc thiểu năng tuyến giáp).
Hormon tuyến giáp: Một loại hormon ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể. Hormon tuyến giáp được sản xuất trong tuyến giáp và cũng được sản xuất trong phòng thí nghiệm.
Hút kim nhỏ: Lấy mô hoặc dịch bằng một kim nhỏ để xét nghiệm dưới kính hiển vi. Cũng gọi là sinh thiết kim nhỏ.
Iod phóng xạ: Một dạng phóng xạ của iod, thường được sử dụng để chẩn đoán hình ảnh hoặc điều trị ung thư tuyến giáp và một số ung thư khác. Để xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân dùng một liều nhỏ iod phóng xạ, nó tập trung trong các tế bào tuyến giáp và một số loại u và có thể được phát hiện bằng một máy quét hình. Để điều trị ung thư tuyến giáp, bệnh nhân dùng một liều lớn iod phóng xạ, chất này sẽ giết các tế bào tuyến giáp. Iod phóng xạ cũng được sử dụng trong xạ trị trong với ung thư tuyến tiền liệt, u hắc tố nội nhãn cầu (mắt), và các u carcinoid (u dạng carcinom). Iod phóng xạ cũng được sử dụng bằng cách truyền hoặc làm thành các hạt được đặt ở gần khối u để giết các tế bào ung thư.
Iod: Một thành phần cần thiết cho cơ thể sản xuất ra hormon tuyến giáp. Nó có trong loài giáp sát và muối iod.
Lành tính: Không phải ung thư, chỉ u không xâm nhập các mô xung quanh và không lan tràn tới các phần khác của cơ thể.
Liệu pháp vùng: Điều trị ảnh hưởng đến các tế bào trong u và vùng liên quan mật thiết với nó.
Mô: Một nhóm tế bào hoặc một lớp tế bào cùng hoạt động để thực hiện một chức năng đặc hiệu.
Nhân lạnh: Khi một vật liệu phóng xạ được sử dụng để xét nghiệm tuyến giáp bằng một máy quét hình, các nhân (u) tập trung ít vật liệu phóng xạ hơn các mô tuyến giáp xung quanh được gọi là nhân "lạnh". Một nhân lạnh không sản xuất hormon tuyến giáp. Các nhân lạnh có thể lành tính hoặc ung thư. Các nhân lạnh đôi khi được gọi là các nhân thiểu năng.
Nhân lạnh: Khi một vật liệu phóng xạ được sử dụng để xét nghiệm tuyến giáp bằng một máy quét hình, các nhân tập trung nhiều vật liệu phóng xạ hơn mô tuyến giáp xung quanh được coi là nhân "nóng". Các nhân nóng ít khi là ác tính, các nhân nóng còn được gọi các nhân cường năng (tăng năng).
Nhân u: Một u có thể là ung thư hoặc không.
Nhà bệnh học (bác sĩ giải phẫu bệnh): Bác sĩ xác định các bệnh bằng việc nghiên cứu các tế bào và mô dưới kính hiển vi.
Nhà nội tiết học: Một bác sĩ chuyên chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết (bệnh hormon).
Nhà ung thư học nội khoa (bác sĩ ung thư học nội khoa): Bác sĩ chuyên về chẩn đoán và điều trị ung thư, sử dụng hoá trị, điều trị hormon và điều trị sinh học. Nhà ung thư học nội khoa thường là người chăm sóc sức khoẻ chính cho những người bị ung thư. Nhà ung thư học nội khoa cũng là người cung cấp chăm sóc hỗ trợ và có thể tổ chức việc hợp tác điều trị bởi các chuyên gia khác.
Nhà ung thư học xạ trị: Bác sĩ chuyên sử dụng phóng xạ để điều trị ung thư.
Nhà ung thư học: Một bác sĩ chuyên về điều trị ung thư. Một số nhà ung thư học chuyên về một loại đặc biệt của điều trị ung thư. Ví dụ, một nhà ung thư học xạ trị chuyên về điều trị ung thư bằng phóng xạ.
Phẫu thuật viên: Bác sĩ cắt bỏ hoặc sửa chữa một phần của cơ thể bằng phẫu thuật trên bệnh nhân.
Phóng xạ: Năng lượng được giải phóng ra dưới dạng các tiểu phần hoặc sóng điện từ. Các nguồn phóng xạ chung bao gồm khí ra-đon (phát sinh từ ra-đi-um), các tia vũ trụ từ khoảng không vũ trụ, và tia X dùng trong y học.
Phẫu thuật: Một phương pháp để lấy đi hoặc sửa chữa một phần của cơ thể hoặc để tìm xem có bệnh không.
Polyp tiền ung thư: Sự phát triển lồi lên từ một màng niêm mạc. Các polyp tiền ung thư có thể (hoặc rất có thể) trở thành ung thư.
Quét hình y học hạt nhân: Một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng một lượng nhỏ vật liệu phóng xạ. Bệnh nhân được tiêm một chất dịch có chứa chất phóng xạ, chất này sẽ tập trung trong một vùng của cơ thể được chẩn đoán hình ảnh. Những dụng cụ tinh vi phát hiện chất phóng xạ và xử lý các thông tin này thành hình ảnh.
Quét hình y học hạt nhân: Một xét nghiệm tạo nên các hình ảnh của các phần bên trong cơ thể. Một người được tiêm hay uống một lượng nhỏ chất phóng xạ; sau đó một máy được gọi là máy quét sẽ đo hoạt động phóng xạ trong một số cơ quan.
Siêu âm đồ: Hình ảnh trên máy vi tính của một vùng bên trong cơ thể được tạo nên bởi sự dẫn truyền các sóng âm năng lượng cao (siêu âm) cảu các mô hoặc cơ quan bên trong.
Siêu âm đồ: Một phương pháp trong đó các sóng âm năng lượng cao (siêu âm) được chuyển dịch khỏi các mô hoặc cơ quan để tạo thành âm vang (echo). Các hình thái âm vang được biểu hiện trên màn hình của máy siêu âm, tạo thành một hình ảnh của mô cơ thể được gọi là siêu âm đồ.
Sinh thiết: Lấy các tế bào hoặc các mô để bác sĩ giải phẫu bệnh xét nghiệm. Bác sĩ giải phẫu bệnh có thể nghiên cứu mô dưới kính hiển vi hoặc làm các xét nghiệm khác trên các tế bào hoặc mô. Khi chỉ có một mẫu mô được lấy ra, phương pháp được gọi là sinh thiết rạch. Khi toàn bộ khối u được lấy ra, phương pháp được gọi là sinh thiết cắt bỏ. Khi một mẫu mô hoặc dịch được lấy ra bằng một kim, phương pháp này được gọi là sinh thiết kim, sinh thiết kim có lõi hoặc hút kim nhỏ.
Tăng năng tuyến giáp: Quá nhiều hormon tuyến giáp. Các triệu chứng bao gồm sút cân, đau ngực, co giật, ỉa chảy và hoảng sợ. Cũng gọi là tuyến giáp hoạt động quá mức.
Thanh quản: Một vung của họng có chứa các dây thanh âm, được dùng để thở, nuốt và nói. Cũng được gọi là hộp thanh âm.
Thử nghiệm lâm sàng: Một loại nghiên cứu để kiểm tra một phương pháp y học mới hoạt động trên người như thế nào. Những nghiên cứu này kiểm tra các phương pháp mới để sàng lọc, dự phòng, chẩn đoán và điều trị một bệnh. Cũng được gọi là thử nghiệm lâm sàng.
Thuỳ: Một phần của một cơ quan, chẳng hạn như gan, phổi, vú, tuyến giáp hoặc não.
Thyroglobulin: Một dạng hormon tuyến giáp sử dụng khi lưu giữ trong các tế bào tuyến giáp. Nếu tuyến giáp đã được cắt bỏ, thyroglobulin không còn được phát hiện trên xét nghiệm máu. Bác sĩ đo mức thyroglobulin trong máu để phát hiện các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau điều trị.
Tia X: Một loại phóng xạ năng lượng cao. Với các liều thấp, tia X được sử dụng để chẩn đoán bằng cách tạo nên các hình ảnh của các phần bên trong cơ thể. Với liều cao tia X được sử dụng để điều trị ung thư.
Tế bào C: Một loại tế bào trong tuyến giáp. Các tế bào C sản xuất calcitonin, một hormon giúp kiểm tra mức calci trong máu.
Tế bào nang tuyến giáp: Một loại tế bào trong tuyến giáp. Các tế bào nang sản xuất hormon tuyến giáp
Tế bào: Đơn vị sống cơ bản tạo nên các mô của cơ thể. Tất các các vật sống được tạo thành từ một hoặc nhiều tế bào.
Triệu chứng: Một dấu hiệu là một người có bệnh. Một số ví dụ của các triệu chứng là đau đầu, sốt, mệt mỏi, nôn, buồn nôn và đau.
Tuyến giáp: Một tuyến khu trú ở cạnh hộp thanh âm (thanh quản) và sản xuất hormon tuyến giáp. Tuyến giáp giúp điều hoà sự phát triển và chuyển hoá.
Tuyến yên: Tuyến nội tiết chính. Nó sản xuất các hormon để kiểm soát các tuyến khác và nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là sự phát triển.
Tuyến: Một cơ quan tạo ra một hay nhiều chất, chẳng hạn như hormon (nội tiết tố), các dịch tiêu hoá, mồ hôi, nước mắt, nước bọt hoặc sữa. Các tuyến nội tiết bài tiết các chất trực tiếp vào dòng máu. Các tuyến ngoại tiết bài tiết các chất vào một ống hoặc mở vào trong hoặc ra ngoài cơ thể.
U nguyên phát: U nguồn gốc.
U nhú: Một u có hình giống như một cái nấm nhỏ, với cuống u dính vào lớp biểu mô (phủ bên trong) của một cơ quan.
U: Một khối bất thường của mô sinh ra khi các tế bào sinh sản nhiều hơn mức cần thiết hoặc không chết khi chúng cần phải chết.
Ung thư biểu mô tuỷ: Ung thư phát sinh trong các tế bào C của tuyến giáp. Các tế bào C sản xuất một hormon (calcitonin), nó giúp duy trì mức bình thường của calci trong máu.
Ung thư tuyến giáp mất biệt hoá: Loại xâm lấn mạnh, hiếm gặp của ung thư tuyến giáp, trong đó các tế bào ác tính (ung thư) trông rất khác với các tế bào bình thường.
Ung thư tuyến giáp thể nang: Ung thư xuất phát từ các tế bào trong các vùng nang của tuyến giáp. Một trong các loại ung thư tuyến giáp phát triển chậm, khả năng điều trị khỏi cao.
Ung thư: Một danh từ chỉ các bệnh trong đó các tế bào bất thường phân chia thiếu sự kiểm soát. Các tế bào ung thư có thể xâm nhập vào các mô xung quanh và có thể lan tràn theo đường máu và hệ thống bạch huyết tới các phần khác của cơ thể. Có nhiều loại ung thư. Ung thư biểu mô (carcinom)bắt đầu ở da hoặc các mô lót mặt trong hoặc phủ mặt ngoài các cơ quan (nội tạng). Sacôm là ung thư bắt nguồn từ xương, sụn, mỡ, cơ, các mạch máu hoặc một mô liên kết và nâng đỡ khác. Bệnh bạch cầu là một ung thư có nguồn gốc từ các mô tạo máu như tuỷ xương và làm cho một số lượng lớn các tế bào máu bất thường được sản xuất và đi vào dòng máu. U lympho và đa u tuỷ là các ung thư bắt đầu trong các tế bào của hệ thống miễn dịch.
Xạ trị ngoài: Xạ trị sử dụng một máy hướng các tia năng lượng cao vào vùng ung thư. Cũng được gọi là xạ trị chùm tia ngoài.
Xạ trị: Sử dụng phóng xạ năng lượng cao từ các tia X, các tia gamma, các nơ-trôn và các nguồn khác để giết các tế bào ung thư và làm co nhỏ khối u. Phóng xạ có thể có nguồn từ một máy ngoài cơ thể (xạ trị chùm ngoài), hoặc nó có thể có nguồn gốc từ một vật liệu phóng xạ đặt trong cơ thể gần gần các tế bào ung thư (xạ trị trong, xạ trị cấy ghép, hoặc xạ trị để gần). Xạ trị hệ thống sử dụng chất phóng xạ, chẳng hạn như kháng thể đơn dòng gắn phóng xạ, các kháng thể này lưu thông khắp cơ thể.
Xac định giai đoạn: Thực hiện khám và các xét nghiệm để biết sự lan tràn của ung thư trong cơ thể, đặc biệt để biết liệu ung thư đã lan tràn tới các phần khác của cơ thể chưa. Việc biết giai đoạn bệnh là quan trọng để lập kế hoạch điều trị tốt nhất.
Yếu tố nguy cơ: Một yếu tố nào đó làm tăng cơ hội phát sinh một bệnh. Một số ví dụ của các yếu tố nguy cơ ung thư bao gồm tuổi, lịch sử gia đình của một số ung thư, sử dụng các sản phẩm của thuốc lá, một số thói quen ăn uống, béo phì, tiếp xúc với phóng xạ hoặc các tác nhân gây ung thư khác, và một số biến đổi di truyền.