Đa số phụ nữ sẽ bị đau ngực vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, đau ngực thường xảy ra khi mang thai. Đau vú ở phụ nữ có khi là 1 cơn đau bình thường nhưng cũng có khi là dấu hiệu của 1 bệnh nguy hiểm.



Phụ nữ trẻ và tiền mãn kinh thường bị đau vú hơn mặc dầu đến tuổi sau mãn kinh cũng vẫn có thể bị đau vú.



Khoảng 1/10 phụ nữ bị đau vú từ nhẹ đến nặng hơn 5 ngày trong một tháng. Một số trường hợp phụ nữ bị đau vú nặng suốt cả chu kỳ kinh, rất ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường và cả đời sống tình dục. Đau vú đơn thuần, không kèm triệu chứng gì khác hiếm khi báo hiệu ung thư vú. Tuy nhiên, bị đau vú không rõ nguyên nhân gây khó chịu hay lo lắng nhiều thì cũng nên gặp thầy thuốc để được kiểm tra.



Các dấu hiệu và triệu chứng: Đau vú có thể diễn ra rõ rệt theo chu kỳ kinh; không có chu kỳ nghĩa là đau thường xuyên hay lúc đau lúc không, và không liên quan đến chu kỳ kinh; và ngoài khu vực vú như đau cơ thành ngực nhưng vẫn cảm thấy có nguồn gốc từ vú.





Những đặc điểm của đau vú có chu kỳ khác với đau vú không có chu kỳ:



Đau vú có chu kỳ: Thường ở cả bên vú và ở toàn bộ vú, nhất là phần trên và phía ngoài của vú, lan ra nách. Có thể cảm thấy đau rất nhạy cảm, sưng hay có đám cứng ở vú đi kèm với đau. Phụ nữ thường mô tả cảm giác đau của mình là âm ỉ, nặng nề, nhiều nhất vào 1 – 2 tuần trước khi ra kinh, sau đó dễ chịu dần. Đau vú theo chu kỳ thường gặp nhất, có tỷ lệ khoảng 2/3 số trường hợp đau vú và hay gặp ở phụ nữ ở độ tuổi 30 – 40.



Đau vú không có chu kỳ: Thường chỉ đau một bên vú và thường khu trú ở một vùng nhất định. Một số khác bị đau vú có tính chất lan tỏa và lan ra nách. Kiểu đau không theo chu kỳ này thường được mô tả dữ dội hơn, có tính chất nhức nhối, buốt nhói và thường gặp ở độ tuổi 40 – 50 hay sau mãn kinh.



Nguyên nhân: không thể xác định được nguyên nhân đích thực trong phần lớn trường hợp mặc dầu đã có nhiều giả thuyết.



- Đau vú theo chu kỳ có vai trò của hormone, dựa trên nhận xét sự giảm đau hay biến mất liên quan đến thai nghén hay mãn kinh; tuy nhiên hormone bất thường đến mức độ thì gây ra đau vú vẫn không thể xác định được.



- Đau vú không có chu kỳ không mấy khi kết hợp với một bệnh chính rõ rệt, mà vì lý do giải phẫu nhiều hơn là lý do hormone, có thể do nang vú, chấn thương vú hay các yếu tố khác khu trú tại vú gây ra. Cũng có khi đau vú có nguồn gốc bên ngoài vú như ở thành ngực, cơ, khớp hay tim và lan đến vú.



- Một số thuốc cũng có thể góp phần gây đau vú, như thuốc hormone dùng trong điều trị hiếm muộn và thuốc uống tránh thai. Vú cương đau có thể là do tác dụng của hormone liệu pháp với estrogen và progesterone, vì thế một số phụ nữ vẫn bị đau vú cả khi đã mãn kinh.



- Những phụ nữ có cặp vú đồ sộ có thể bị đau vú không theo chu kỳ chủ yếu do kích cỡ vú quá khổ, thường kết hợp với đau ở cổ, vai và lưng. Phẫu thuật giảm kích thước vú cũng là nguyên nhân gây đau vú vì sau khi vết mổ đã lành sẹo mà cảm giác đau vẫn tồn tại.



Điều trị đau vú ở phụ nữ: Rất ít phụ nữ bị đau vú cần một liệu pháp gì đặc biệt nếu không phát hiện bằng chứng nào về ung thư vú; rất nhiều khi đau vú tự qua đi sau vài tháng, có khi chỉ cần mang áo nhỏ nâng vú hợp kích cỡ và dùng thuốc giảm đau thông thường.



- Đầu tiên cần chữa bệnh chính hay những yếu tố gây đau vú (các thuốc đang dùng).



- Tiếp theo là biện pháp không dùng thuốc: thay đổi chế độ ăn uống (giảm ăn mỡ, hạn chế hay bỏ hẳn dùng cà phê có thể cải thiện triệu chứng đau theo kinh nghiệm của một số người), chườm lạnh, thuốc bổ sung như vitamin E; mang áo nâng vú khi vận động và cả khi ngủ nhất là khi vú nhạy cảm, dễ đau.



- Thuốc giảm đau không có steroid có thể dùng cho kiểu đau không có chu kỳ hay thuốc bôi tại chỗ: Acetaminophen (Tylenol)… Với kiểu đau có chu kỳ nặng, dùng loại thuốc có tác dụng mạnh hơn như Danazol, bromocryptine và tamoxifen.



- Dùng viên thuốc tránh thai hay điều chỉnh liều lượng thuốc tránh thai đang dùng.



- Bột kem progestogel cho đau vú do mất cân bằng giữa estrogen và progesterone.



- Nếu đang dùng liệu pháp hormone ở tuổi mãn kinh thì ngừng thuốc hay giảm liều.



Cuối cùng, cần ghi lại những ngày đau vú và những triệu chứng khác để phân biệt kiểu đau vú và giúp thầy thuốc có cách chữa hiệu quả.



Phụ nữ có thể bị đau bầu ngực vì những nguyên nhân nào?



Vòng 1 gợi cảm luôn là niềm tự hào về vẻ đẹp quyến rũ của chị em phụ nữ, tuy nhiên đôi lúc lại có những cơn đau nhức khó chịu… Vì sao lại như vậy?



Đau ngực khi hành kinh



Cứ như một kẻ si tình, mỗi lần đèn đỏ chuẩn bị bật sáng thì vòng 1 cũng trở nên đau nhức, thậm chí cương to. Cơn đau này kéo dài khoảng năm ngày, khi kinh xuất hiện cũng là lúc vòng 1 giảm dần sự căng đau. Một số nhỏ bị đau ngực suốt cả chu kỳ kinh, ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường. Đây là những cơn đau tuy khó chịu nhưng lại là dấu hiệu “bảo hành” của hệ thống nội tiết – sinh dục, khả năng có con. Khi mãn kinh, những cơn đau này sẽ không xuất hiện vì nội tiết tố sinh sản không còn là bao. Để giảm đau, nên tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, hạn chế các chất có cafein như: cà phê, trà, sôcôla…



Đau ngực khi mang thai



Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung – Trưởng phòng khám Phụ sản Eva Hoàng Gia TP.HCM, khi người phụ nữ có thai, các ống tuyến vú bắt đầu phát triển, thai phụ sẽ thấy vòng 1 của mình lớn hơn. Khi thai càng lớn, mô tuyến vú càng nhiều hơn, thai phụ có cảm giác căng hai bầu vú, hơi đau nhẹ. Đó là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu thấy đau vú kèm theo nổi u cục ở một hoặc hai bên vú, cần khám và siêu âm tuyến vú. Thường người phụ nữ trước khi mang thai, nên đi khám tổng quát, trong đó có khám tuyến vú.



Đau ngực khi cương sữa



Cương sữa mà chưa kịp cho con bú, hoặc không muốn cho con bú vì sợ hư ngực sẽ… rất đau. Cơn đau nhức kéo dài mãi đến khi lượng sữa được cơ thể “thanh toán” hết. BS Lưu Thị Thanh Loan – BV Từ Dũ TP.HCM cho biết: “Để giảm cơn đau này, các bà mẹ nên cho con bú sớm và đúng cách. Một số trường hợp, sau khi cho bé bú nhưng vẫn không ra sữa, bầu vú không giảm bớt căng, có thể sử dụng một số dụng cụ để hút sữa ra. Ngoài lợi ích không thể so sánh của sữa mẹ so với sữa bình, nhiều nghiên cứu cho thấy việc cho con bú sữa mẹ có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư vú”. Khi cương sữa, một số người bị sốt nhẹ. Nếu thấy sốt cao kèm theo nổi u ở vú, đặc biệt, vú một bên căng, đau… hãy nghĩ đến áp-xe vú.



Đau ngực giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh



Trong độ tuổi từ 45 – 55, khi thấy cơn đau ngực xuất hiện kèm theo dấu hiệu kinh nguyệt thưa thớt, thời gian có kinh rút lại từ ba – năm ngày còn một – hai ngày, lượng máu mỗi kỳ kinh cũng ít đi và dần dần cạn hẳn thì điều đó chỉ báo hiệu sự thay đổi về nội tiết tố. Sau một thời gian, khi các nội tiết sắp xếp vị trí “hưu” ổn thỏa thì ngực không còn đau nữa.



Đau ngực do khối u



- Thay đổi sợi bọc tuyến vú: Là thay đổi sinh lý, rối loạn nội tiết trong cơ thể người phụ nữ độ tuổi từ 35 – 40. Sợi bọc thay đổi có thể gây đau vú và có những cục nhỏ gọi là nang có thể biến mất hoặc to ra theo chu kỳ kinh nguyệt. BS Nguyễn Vũ Mỹ Linh – BV Hùng Vương TP.HCM khuyên: “Nên đi khám định kỳ để được phát hiện sớm vì khối u ung thư vú có thể nằm cạnh nang tuyến vú”.



- Ung thư vú: Ung thư vú giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, nhưng nếu chụp nhũ ảnh sẽ thấy được tổn thương tiền ung thư hay ung thư tại chỗ dù rất nhỏ. BS Phạm Xuân Dũng – Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM có ý kiến như sau: “Ung thư vú là ung thư thường gặp tại Việt Nam. Phát hiện sớm sẽ giảm tỷ lệ tử vong và tăng khả năng trị khỏi. Nếu ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống còn sau 5 năm hơn 80% và có nhiều trường hợp khỏi hẳn”.



Vì vậy, phụ nữ dưới 40 tuổi, ngoài tự khám cần đến các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tầm soát mỗi ba năm một lần; phụ nữ trên 40 tuổi nên khám và chụp nhũ ảnh hàng năm. Nếu trong gia đình có người bị ung thư vú thì nên khám sớm hơn và có bác sĩ tư vấn.



Hỏi về hiện tượng đau ngực ở phụ nữ



Không hiểu sao tự nhiên ngực cháu lại cương lên khá khó chịu, ấn nhẹ thấy đau dù vừa hết nguyệt san dược một tuần. Cháu 18 tuổi, chưa có chữ X thứ 3 và cũng không dùng thuốc gì, hiện tượng như thế có phải là bệnh lý không ạ? Cháu bị như thế đã được hơn một ngày. (Nguyễn Phương)



Trả lời của bác sỹ sản phụ khoa:



Cơn đau có thể ở một hoặc cả hai bên ngực. Cơn đau có thể theo từng tháng, hoặc khi cả vài tháng mới xuất hiện trở lại, hoặc kéo dài cả vài tuần, thậm chí cả tháng trời



Đau ngực là vấn đề thường thấy ở phụ nữ trẻ tuổi còn chu kỳ kinh nguyệt (thường từ 14 đến 50). Ít gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi. Cơn đau có thể ở một hoặc cả hai bên ngực. Cơn đau có thể theo từng tháng, hoặc khi cả vài tháng mới xuất hiện trở lại, hoặc kéo dài cả vài tuần, thậm chí cả tháng trời.



Vài nguyên nhân gây đau hay nặng, tức ngực :



- Thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt



- Sự tích tụ nước trong cơ thể



- Chấn thương ở vùng ngực



- Có thai



- Căng tức sữa



- Viêm nhiễm vùng ngực



- Ung thư vú (ít gây đau ngực)



Nếu cơn đau ngực kéo dài hoặc tái diễn thường xuyên thì hãy trao đổi với BS về nó.



Bác sỹ tìm nguyên nhân đau ngực như thế nào?



Bác sỹ sẽ hỏi Bạn vài câu hỏi nhằm tìm ra nguyên nhân gây đau ngực để có quyết định Bạn cần có phải điều trị hay không hoặc điều trị với chế độ nào. Bác sỹ sẽ yêu cầu Bạn mô tả về cơn đau ngực và vị trí vùng ngực bị đau. Bác sỹ có thể thăm khám vùng ngực của Bạn để xem có u cục gì bất thường không.



Nếu Bạn là phụ nữ trẻ (dưới 35 tuổi) và sau khi thăm khám BS không phát hiện các u cục ở ngực thì đa số các trường hợp BS không yêu cầu Bạn thực hiện thêm các xét nghiệm nào khác. Nếu Bạn lớn hơn 35 tuổi nhưng qua thăm khám không thấy u cục vùng ngực, để loại trừ chắc chắn nguyên nhân ung thư vú, Bác sỹ có thể cho Bạn thực hiện nhũ đồ. Nhũ đồ là một xét nghiệm X-quang đặc biệt cho vú.



Nếu qua thăm khám ngực, Bác sỹ phát hiện những u cục nguy hiểm, Bác sỹ sẽ quyết định Bạn cần phải làm thêm một hay vài xét nghiệm dưới đây:



- Nhũ đồ



- Siêu âm tuyến vú. Xét nghiệm này hoàn toàn không đau, dùng để xác định rõ ràng hơn về cấu trúc, hình dạng, vị trí, kích thước… của u cục



- Sinh thiết ngực. Đây là xét nghiệm lấy một mẫu mô ở nghi vấn và đem xem dưới kính hiển vi để xem hình dạng & sự phân bố tế bào



Vấn đề điều trị đau ngực:



Có nhiều phương án điều trị đau ngực, điều quan trọng là phải xác định rõ nguyên nhân gây đau. Bạn nên trao đổi với BS để chọn phương án điều trị thích hợp cho mình. Dưới đây là một vài biện pháp điều trị:



- Thay đổi áo ngực cho phù hợp


- Thuốc giảm đau


- Thuốc “evening primrose oil”


- Thuốc hoạt chất Danazol trong các trường hợp đau nhiều



Một vài liệu pháp có thể giúp trong quá trình điều trị, tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học cụ thể:



- Cử café


- Chế độ ăn nhạt


- Uống vitamin E hay/và vitamin B6


- Dùng thuốc lợi tiểu



Trong đa số trường hợp, đau ngực này tự khỏi sau vài tháng. Bạn nên đi khám tổng quát để được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn điều trị.



Đau ngực khi mang thai



Hỏi: Tôi năm nay 30 tuổi, đang mang bầu ở tuần thứ 12. Dạo này tôi luôn cảm thấy đau tức ngực, cảm giác này tăng dần. Từ trước đến nay, ngay cả khi có kinh nguyệt tôi cũng không bị đau như vậy. Tôi đang rất lo lắng vì không biết quá trình mang thai của tôi có trục trặc gì không.



Tôi nghe nói, phụ nữ mang thai thường chỉ bị đau ngực ở những tuần 5-6 thôi chứ không ai đau đến tuần 12 cả. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. Tôi xin cảm ơn! (Thanh Huyền)



Bác sỹ sản phụ khoa tư vấn:



Chúng tôi rất hiểu những cảm giác lo lắng của bạn lúc này. Để bạn hiểu rõ hơn về trường hợp bị đau tức ngực trong khi mang thai, chúng tôi xin được giải đáp như sau.



Khi người phụ nữ mang thai, các hormone cũng thay đổi, làm tăng lưu lượng máu, mô ngực cũng phát triển nên một số người có cảm giác đau tức ở ngực, nhất là khi chạm vào. Thông thường, những cơn đau tức ngực phát triển rõ nhất từ tuần thứ 8 trở đi. Đau ngực trong thai kỳ thường do lưu lượng máu đến vú tăng lên và một số hormone ở đây hoạt động mạnh, chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ.



Khi thai càng lớn, ở ngực có thể xuất hiện các vết rạn và hơi ngứa nên các khó chịu ở ngực lại càng tăng lên.



Ngoài ra, đau ngực khi mang thai có thể do những nguyên nhân sau:



- Do ợ nóng: Sự gia tăng hormone trong thời kì mang thai có tác dụng duy trì niêm mạc tử cung và làm mềm các dây chằng nên có thể khiến các thực quản co hẹp lại. Khi đó, axit dạ dày có thể trào ngược trở lại vào cổ họng và thực quản, gây mùi chua đặc trưng. Ngoài ra, thai nhi đang lớn ép cơ hoành và dạ dày cũng là nguyên nhân gây đau ngực có liên quan đến ợ nóng khi mang thai. Ợ nóng càng nhiều, khả năng đau tức ngực càng tăng.



- Do căng cơ bắp: Khi mang thai, hiện tượng căng các cơ bắp và dây chằng ở vùng ngực xuất hiện. Với một số người, hiện tượng này có thể gây đau ngực. Để giảm sự khó chịu này, chị em có thể tắm nước ấm và tránh nâng vật nặng, chọn áo ngực phù hợp.



Bình thường, các cơn đau ngực sẽ tự hết. Nhưng nếu thấy những dấu hiệu sau thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt:



- Đau ngực đột ngột, kèm ho hoặc khó thở.



- Cơn đau từ ngực lan xuống hai cánh tay.



- Đau ngực kèm sốt.



- Đau ngực kèm chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi bất thường.



Những cơn đau như thế có thể cảnh báo bệnh ở tim, phổi. Nếu chỉ có triệu chứng đơn lẻ (sốt, khó thở, ho bất ngờ, chóng mặt, hay đổ mồ hôi bất thường) thì bạn cũng nên đi khám dù không bị đau ngực.




nguồn:4suckhoe