Tính khí thay đổi, căng đau vú, chướng bụng, thèm ăn, mệt mỏi, dễ cáu gắt, trầm cảm – Nếu bạn từng bị một hoặc nhiều trong các triệu chứng này vào một vài ngày trước khi có kinh nguyệt, có lẽ bạn đã bị hội chứng tiền kinh, thuật ngữ y khoa là Premenstrual Syndrome (PMS).


Có đến hơn 75% phụ nữ có kinh nguyệt bị hội chứng này. Các triệu chứng thường phổ biến nhất ở các phụ nữ từ 20-40 tuổi và có xu hướng trở thành những dấu hiệu báo trước kinh kỳ. Những thay đổi về sinh lý và tính khí có thể nặng hay nhẹ hơn tùy mỗi vòng kinh.


Tuy nhiên, bạn có thể làm giảm nhẹ hoặc tránh khỏi những khó chịu do các triệu chứng này mang lại.


Người ta đã nghiên cứu rất nhiều về hội chứng PMS trong những năm gần đây, đã đề ra những biện pháp điều trị và thay đổi lối sống giúp làm thuyên giảm và kiểm soát tốt các triệu chứng của hội chứng này.


Dấu hiệu và triệu chứng


Đối với nhiều phụ nữ, các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt là những triệu chứng khó chịu không mong đợi trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt của họ. Trong đó đến khoảng 30-40% ở mức độ nặng làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày.


Các triệu chứng thường biến mất khi bắt đầu ra máu kinh, nhưng có 7% phụ nữ bị PMS có ảnh hưởng nặng đến tính khí và tâm thần, gọi là Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD).


Các triệu chứng phổ biến của hội chứng PMS gồm:


- Tăng cân (do ứ dịch)


- Chướng bụng


- Vú nhạy cảm đau


- Căng thẳng, lo âu


- Trầm cảm


- Thay đổi tính khí, dễ cáu kỉnh, giận dữ


- Thay đổi khẩu vị, thèm ăn


- Đau khớp, đau cơ


- Buồn nôn


- Nôn


- Nhức đầu


- Khó tập trung


- Mệt mỏi


Đa số phụ nữ chỉ bị một vài trong các triệu chứng nêu trên.


Nguyên nhân


Hiện người ta chưa biết chính xác nguyên nhân gây PMS. Một số giả thuyết được đặt ra về các yếu tố góp phần gây nên các triệu chứng này.


Sự thay đổi của chu kỳ hormone có lẽ là một nguyên nhân quan trọng, bởi vì các triệu chứng của PMS thay đổi có tính chu kỳ theo những chu kỳ hormone và cũng biến mất khi có thai hay mãn kinh.


Những thay đổi hóa học trong não bộ cũng có liên quan. Đầu mối cho giả thuyết này là những khám phá về serotonin, một hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh đóng vai trò chủ chốt trong các tình trạng tính khí, tâm thần, nhất là trầm cảm.


Các chất thuộc nhóm chống trầm cảm gọi là Nhóm ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của PMS, có lẽ là do tác động của chúng lên Serotonin.


Stress cũng có thể làm cho hội chứng PMS nặng thêm, nhưng stress đơn thuần không phải là nguyên nhân thực sự của PMS.


Một số triệu chứng của PMS có liên quan với thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Aên quá nhiều muối có thể gây ứ trệ dịch, uống nhiều rượu hay các thức uống có caffein cũng có thể làm rối loạn và thay đổi tính khí,…đó là những yếu tố góp phần làm PMS nặng thêm.


Điều trị


Các bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một hoặc vài loại thuốc giúp làm thuyên giảm các triệu chứng của PMS. Thường gặp là các loại thuốc sau:


- Kháng viêm không steroid (NSAIDs), như: ibuprofen (Advil, Motrin,…) hay naproxen sodium (Aleve), thường dùng trước mỗi kinh kỳ. Bạn nên chú ý, nếu sử dụng các NSAIDs lâu dài có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí có thể xuất huyết tiêu hóa nguy hiểm, nhất là nếu bạn đang có sẵn các bệnh lý gan, thận, tim mạch.


- Thuốc ngừa thai uống. Các thuốc này ngăn rụng trứng và ổn định sự biến đổi của hormone sinh dục, vì vậy có thể điều trị PMS.


- Thuốc chống trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm do ức chế tái hấp chọn lọc Serotonin (SSRIs) như fluoxetine (Prozac, Sarafem), paroxetine (Paxil), sertraline (Zoloft), venlafaxine (Effexor) tỏ ra khá hữu hiệu, có thể làm giảm triệu chứng của PMS trên 60-70% số phụ nữ sử dụng. Chúng được sử dụng với liều thấp hơn liều dùng để chống trầm cảm và có thể sử dụng an toàn mỗi ngày hoặc chỉ trong 1-2 tuần trước khi hành kinh.


- Medroxyprogesterone acetate (Depo-Provera). Dùng đường chích, có thể làm ngưng rụng trứng tạm thời trong những trường hợp PMS nặng hoặc rối loạn tâm thần do kinh (PMDD).


Điều trị PMDD cũng tương tự như điều trị PMS, nhưng lưu ý mức độ nặng hơn.


Tự chăm sóc


Bạn có thể kiểm soát hoặc làm thuyên giảm các triệu chứng của PMS bằng cách thực hiện tốt một số thay đổi trong chế độ ăn uống và tập luyện trong cuộc sống hàng ngày. Các bước thực hiện gồm:


Thay đổi chế độ ăn uống


- Ăn ít hơn mỗi bữa và tăng số bữa ăn trong ngày, nếu có thể, để giảm sự chướng bụng và cảm giác đầy hơi.


- Hạn chế muối và các thức ăn mặn để giảm tình trạng ứ trệ dịch, tăng cân


- Chọn các loại thực phẩm có nhiều hợp chất carbohydrate, như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt,…và các thực phẩm giàu calcium. Nếu bạn không hợp khẩu vị các loại bơ sữa và các sản phẩm từ sữa hoặc không đảm bảo đầy đủ chế độ ăn nhiều calcium, bạn có thể dùng viên calcium uống.


- Nên dùng viên đa sinh tố và khoáng chất mỗi ngày.


- Tránh dùng các chất kích thích như cà phê, rượu.


Kết hợp tập thể dục đều đặn mỗi ngày


Đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc tập aerobic khoảng 20-30 phút ít nhất 3-5 lần mỗi tuần rất hữu ích, giúp tăng cường thể lực, tạo cảm giác sảng khoái, giảm stress, chống mệt mỏi và trầm cảm cũng như nhiều bệnh lý khác.


Giảm stress


Ngủ đủ giấc.


Tập cách làm thư giãn cơ hoặc tập hít thở sâu, giúp giảm nhức đầu, lo âu, mệt mỏi và ngủ rũ.


Ghi chú lại các triệu chứng trong một vài tháng


Việc này rất cần thiết để giúp bạn nhận ra những yếu tố nào làm khởi phát và khoảng thời gian thường xảy ra các triệu chứng của mình, từ đó bạn có thể có kế hoạch can thiệp và phòng chống để giảm thiểu các triệu chứng.


Các thuốc bổ sung và thay thế


Ngày càng có nhiều sản phẩm và phương thuốc mới giúp làm dịu bớt các triệu chứng của hội chứng tiền kinh được tung ra thị trường. Sau đây là một số liệu pháp điều trị bổ sung khá hữu hiệu dựa trên nhiều nghiên cứu mới:


- Chế phẩm bổ sung Calcium. Một nghiên cứu trên 500 phụ nữ được công bố trên tờ American Journal of Obstetric and Gynecology số ra tháng 8-1998, cho biết dùng 1200mg loại Calcium carbonate nhai mỗi ngày, như Tums, có thể làm thuyên giảm các triệu chứng cơ thể và tâm thần của PMS trên gần 50% số phụ nữ tham gia nghiên cứu. Sự cải thiện thấy rõ từ chu kỳ kinh thứ 3 được điều trị. Ngoài ra, việc sử dụng thường xuyên calcium carbonate còn giúp bạn phòng ngừa chứng loãng xương.


- Chế phẩm bổ sung Magnesium. Một nghiên cứu khác công bố trên Journal of Women’s Health năm 1998 cho biết dùng Magnesium 200mg mỗi ngày có thể giảm triệu chứng ứ trệ dịch, nhạy cảm đau ở vú và sưng phù khoảng 40%. Điều trị có hiệu quả từ khoảng vòng kinh thứ hai trở đi.


Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ chế phẩm bổ sung nào, bạn đều phải được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn.


- Vitamin E, được cho là có thể giúp thuyên giảm các triệu chứng của PMS nhở khả năng điều hòa sự sản xuất prostaglandin – các chất tương tự hormone giúp giảm cơn co cơ, vọp bẻ và nhạy cảm đau ở vú. Liều khuyên dùng trong PMS là 400 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày.


- Các phương thuốc thảo dược. Nhiều phụ nữ cho biết họ có thể làm giảm triệu chứng PMS bằng cách sử dụng một số thảo dược, như gừng (chữa buồn nôn), lá cây mâm xôi (chữa vọp bẻ), trà Bồ công anh (chữa chướng bụng, sưng phù), cây trinh nữ (chữa lo âu, mất ngủ và thay đổi tính khí), hoặc dầu cây Anh thảo đêm (chữa vọp bẻ, nhạy cảm đau ở vú),…


(Theo Suckhoecongdong.com)