Trầm cảm là trạng thái buồn rầu, chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, ngủ không ngon, ăn nhạt miệng, làm việc không xong, mặc cảm thua kém, hay nghĩ đến cái chết. Ngoài ra, bệnh nhân hay lo lắng, nặng đầu, đau mỏi vai gáy, ép ngực hồi hộp, tay chân lạnh…
Lứa tuổi nào cũng thể mắc bệnh trầm cảm, nữ nhiều hơn nam 2 lần. Thiếu niên cũng mắc nhưng cách thể hiện có phần khác người lớn. Người cao tuổi dễ bị trầm cảm và thường bị bỏ quên.
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm:
- Do di truyền.
- Gặp phải chấn động mạnh về tâm lí như mất người thân, áp lực công việc, khó khăn quá lớn, gãy đổ sự nghiệp, bất hòa kéo dài.
- Do ảnh hưởng của các bệnh thực tổn: sau chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não…
- Học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần.
- Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn; dễ lầm với bệnh già.
- Người đã qua một thời gian hưng cảm: quá tự tin, không cần ngủ, nói nhanh, bốc đồng. Người bệnh tâm thần phân liệt cũng có thời gian bị trầm cảm.
- Ngay sau sinh con, tỷ lệ không nhiều nhưng khá trầm trọng, phải phát hiện sớm.
Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết liệu mình có đang mắc chứng bệnh trầm cảm hay không:
- Nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi.
- Mất thích thú trong cuộc sống. Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, không thích gần vợ gần chồng, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm.
- Ăn ít, không ngon, nhạt miệng.
- Trằn trọc khó ru ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thức dậy không khỏe.
- Đầu óc khó tập trung, do dự không "quyết" được, không đối phó được.
- Luôn nghĩ rằng không ai quan tâm đến mình.
- Bạn cảm thấy mọi thứ xung quanh đang làm phiền mình.
- Trầm cảm cũng có thể có nghĩa là bạn không cảm thấy bất cứ điều gì cả.
- Có những giấc mơ kì lạ.
- Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết.
- Có người có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt, dễ giận.
- Người còn đi làm thì giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc.
- Tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân với gia đình, thua người ta, không bằng người ta, trở nên vô dụng, không đáng sống, nghĩ và đôi khi tìm cách chết.
Cách điều trị
- Nếu thấy những dấu hiệu trên xảy ra thường xuyên và kéo dài bạn nên đến tìm bác sĩ, họ sẽ xác định chính xác bệnh của bạn và cho bạn lời khuyên. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều người bệnh trầm cảm còn cố gắng giấu giếm cảm xúc của mình, vì thế nếu thấy người thân có dấu hiệu khác thường hãy khuyên họ đi khám bác sĩ để điều trị bệnh kịp thời.
- Cố gắng đừng để cho mình quá rảnh rỗi.
- Nên ra ngoài, tham gia hoạt động tập thể để thấy mình có ích với người khác, được người khác quý mến.
- Cười thật nhiều: nụ cười sẽ làm cho bạn thoải mái và vui vẻ, cuộc sống trở nên ý nghĩa, làm tiêu tan những lo lắng.
- Giữ tinh thần luôn thoải mái: làm những gì mình thích để luôn cảm thấy được thoải mái: nghe nhạc, xem phim, đọc sách, shopping…
- Không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, hãy kể hết triệu chứng cho bạn bè, người thân.
- Khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý, uống thuốc và theo dõi đề phòng triệu chứng nặng thêm.