Làm mẹ là một thiên chức cao cả và tự hào của mỗi người phụ nữ. Để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, sức đề kháng cao thì trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần chú trọng rất nhiều mặt: sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt, răng miệng…Bởi lẽ, trong thời kỳ mang thai, người mẹ có sự nhạy cảm rất cao với các tác nhân bên ngoài và sự thay đổi một số hoocmon mới làm người mẹ có những triệu chứng nôn ẹo, mệt mỏi trong những tháng đầu mang thai.



Vậy, trong thời kỳ mang thai, người mẹ cần chăm sóc răng miệng như thế nào để đảm bảo tốt nhất cho mẹ và con?



Trong thời kỳ mang thai, người mẹ thường có những triệu chứng về răng miệng đó là: chảy máu chân răng, xung huyết, ngứa lợi, và đau răng…Điều này không những gây khó chịu, mệt mỏi cho người mẹ mà còn ảnh hưởng đến thai nhi.



Những triệu chứng về răng miệng thường gặp khi mang thai



Viêm lợi


Nguyên nhân có thể là do nhiễm khuẩn hoặc do thay đổi tuần hoàn máu ở lợi. Hiện tượng này xảy ra từ tháng thứ 3 và giảm dần đến tháng thứ 8 của thai kỳ.



Sâu răng


Nếu bị viêm lợi, cộng thêm người mẹ không chăm sóc vệ sinh răng sạch sẽ lâu dần sẽ dẫn đến sâu răng và bệnh nha chu.



Chảy máu chân răng


Những trường hợp chảy máu khi đánh răng, nhức răng, rất có thể do chân răng đã bị lộ từ trước, giờ đây những tác động cơ học và rối loạn tuần hoàn làm cho trầm trọng hơn cùng với những viêm nhiễm nếu có đi kèm.


Những triệu chứng trên gây ra rất nhiều hệ quả xấu. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những triệu chứng viêm lợi của người mẹ có thể gây ra sự cố sinh non và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của trẻ.



Như vậy, để có thể phòng tránh các triệu chứng trên, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần chăm sóc răng miệng theo phương pháp sau:



Đầu tiên, trước khi xác định sẽ mang thai, người mẹ nên đi khám răng tổng thể, lấy cao răng và nghe nha sỹ tư vấn cách chăm sóc răng miệng trong thời kỳ mang thai. Nếu có vấn đề về răng miệng: viêm lợi, sâu răng…nên chữa trị kịp thời để đảm bảo môi trường tốt nhất để mang thai



Trong quá trình mang thai, người mẹ phải luôn duy trì vệ sinh răng miệng thật tốt, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, nên sử dụng kem đánh răng có chứa fluor. Nên dùng chỉ nha tơ để làm sạch các kẽ răng thay cho dùng tăm. Kiểm tra định kỳ răng miệng và điều trị triệt để các bệnh răng miệng nếu đã mắc phải. Đặc biệt trong những tháng đầu thai kỳ, hiện tượng nôn ẹo sẽ diễn ra nhiều. Chính vì thế, càng cần phải chăm sóc răng miệng thật kỹ. Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, người mẹ nên hạn chế ăn đồ ngọt để tránh bị sâu răng, mà thay thế bằng hoa quả, rau xanh, uống nhiều sữa và hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo.



Với những hiện tượng chảy máu chân răng, viêm lợi do thay đổi hoocmon, người mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng hơn nữa. Khi khám bệnh nên báo cho bác sĩ biết người bệnh đang mang thai ở giai đoạn nào để bác sĩ có các biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, nhất là sử dụng tetracyclin, vì thuốc này sẽ làm cho răng con bạn sau này có màu nâu hoặc đen. Để những đứa trẻ có hàm răng khỏe, đẹp, bà mẹ nên ăn uống đầy đủ các chất bổ dưỡng, đặc biệt là canxi, cũng không nên ăn nhiều đồ ngọt, chất béo.



Sau khi sinh con, người mẹ vẫn phải giữ thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chăm chỉ uống sữa để bảo vệ men răng và cung cấp canxi cho trẻ qua nguồn sữa mẹ.



Tóm lại, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ rất nhạy cảm và dễ bị vi khuẩn xâm nhập gây các bệnh về răng miệng. Nên cần thiết phải đến nha khoa khám răng định kỳ để sớm nhất có thể phòng tránh các bệnh răng miệng, chăm chỉ uống sữa để giúp trẻ phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ.