Theo số liệu từ GLOBOCAN 2020 (Tổ chức ung thư toàn cầu), tỉ lệ mắc mới ung thư tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc, xếp thứ 90/185 quốc gia. Trong năm 2018, số ca mắc là 165000 ca, và đến năm 2020, số ca mắc mới là 182000 ca. Tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc, xếp 50/185 sau 2 năm.
1. Các bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam
Theo thống kê của GLOBOCAN, 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam trong năm 2020 bao gồm: Ung thư gan (14.5%), ung thư phổi (14.4%), ung thư vú (11.8%), ung thư dạ dày (9.8%) và ung thư đại trực tràng (9%).
Nguồn: GLOBOCAN 2020
Cứ 100 người Việt có khoảng 3 người mang đột biến ung thư di truyền
Viện Di truyền y học – Gene Solutions (TP. HCM) cho hay có 1165 người Việt Nam được làm xét nghiệm gene oncoSure nhằm khảo sát 17 đột biến gene liên quan đến 15 loại ung thư di truyền phổ biến nhất trong năm 2020.
Kết quả cho thấy có đến 3.2% người tham gia có mang đột biến ung thư di truyền. Ở những người có tiền căn gia đình hoặc bản thân mắc ung thư (nhóm nguy cơ cao cần xét nghiệm gene), tỉ lệ này lên đến 4.2%; ở nhóm người không có tiền căn ung thư, tỉ lệ mang đột biến ung thư di truyền là 2.6%, tức cứ 100 người sẽ có khoảng 3 người mang đột biến ung thư di truyền.
Theo đánh giá có 80 – 90% ung thư là do mắc phải (đột biến gene phát sinh do môi trường, lối sống, tuổi tác) và chỉ khoảng 10 – 15% là do có mang đột biến gene di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường chủ yếu di truyền với gia đình có tiền căn ung thư.
Việc mang đột biến gene làm tăng nguy cơ phát triển ung thư di truyền gấp nhiều lần so với người không mang đột biến gene.
2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng số ca mắc mới và tỉ lệ tử vong do ung thư tăng tại Việt Nam
- Nguyên nhân dẫn đến ung thư
Nguyên nhân dẫn đến ung thư có thể bắt nguồn từ nhiều lí do gây nên đột biến gene, có thể kể đến như:
- Ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí với các chất gây ung thư (khí và chất thải xả ra từ các nhà máy, khu công nghiệp, v.v.)
- Tia cực tím (UV), bức xạ mặt trời có thể là thủ phạm gây ra các bệnh ung thư da.
- Tiếp xúc, làm việc trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất, nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cao.
- Hút thuốc lá trực tiếp, hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc do người bên cạnh nhả ra). Khói thuốc lá có chứa hơn 7000 hóa chất, trong đó có hơn 50 chất gây ra ung thư. Hút thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư như ung thư phổi, thực quản, thanh quản, miệng, cổ, họng, thận, bàng quang, tụy, dạ dày, cổ tử cung, v.v.
- Chế độ ăn uống không hợp lý dẫn đến thừa cân, béo phì có thể gây ra nhiều bệnh như ung thư thực quản, đại tràng, vú, nội mạc tử cung, thận, v.v. Việc tiêu thụ nhiều các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, dăm bông, giò, v.v. cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Lười vận động, các chất béo không được chuyển hóa, tích tụ trong dạ dày gây nên các bệnh lý liên quan tới dạ dày, lâu ngày có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
- Ăn nhiều thịt đỏ, đặc biệt các loại thịt nướng ở nhiệt độ cao, sản sinh ra chất polycylic aromatic, có thể gây nên ung thư.
- Sử dụng rượu, bia và các chất kích thích thường xuyên, liều lượng cao gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Thức khuya thường xuyên làm thay đổi đồng hồ sinh học của các tế bào trong cơ thể, làm ngăn cản cơ thể sản sinh ra chất melatonin.
- Đời sống tình dục không an toàn, lây truyền virus HPV, có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm liên quan đến cổ tử cung và ung thư cổ tử cung.
- Nguyên nhân tỉ lệ tử vong do ung thư tăng
Tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc xếp thứ 50/185 sau 2 năm. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Một số nguyên nhân tác động đến việc gia tăng bệnh nhân ung thư như:
- Dân số tăng dẫn đến số người mắc và tử vong do ung thư tăng.
- Dịch Covid-19 – Một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị ung thư bị gián đoạn bởi các biện pháp phòng chống dịch như giãn cách xã hội, phong tỏa, sụt giảm về kinh tế
Tổ chức y tế thế giới WHO đã tiến hành khảo sát trên nhiều nước cho thấy 77.5% bệnh nhân ung thư đã bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ,...
Sau các đợt giãn cách xã hội, nhiều bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận bệnh nhân ung thư đến khám trong tình trạng bệnh tiến triển nặng. Nhiều trường hợp bệnh nhân đã có khối u phát triển xâm lấn nội tạng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
3. Cách hạn chế, phòng ngừa ung thư hiệu quả
Để hạn chế ung thư, chúng ta nên xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, các loại đồ uống có cồn, các loại thực phẩm chế biến sẵn, duy trì cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả xanh, xây dựng thói quen khám sức khỏe tầm soát định kì.
Xem thêm:
- Bí quyết sống lâu và khỏe mạnh của người Nhật Bản
- Tỉ lệ sống sót sau 10 năm ung thư tại Nhật Bản có xu hướng tăng lên tới 58.9%
- Phương thức điều trị ung thư mới dựa trên vaccine công nghệ mRNA
Tham khảo: