Nguyên nhân đột quỵ do nắng nóng
Có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng đột quỵ do nắng nóng, bao gồm: Mạch máu não bị tắc nghẽn khiến dòng máu không thể lưu thông lên não và nuôi dưỡng các tế bào não; Mạch máu não bị vỡ, khối máu tụ thoát ra khỏi lòng mạch và chèn ép, gây thiếu máu nuôi các nhu mô não.
Tình trạng đột quỵ thường xuyên xảy ra vào mùa hè là do việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ kém hơn so với các mùa khác. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm: cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, uống rượu,...
Ngoài ra, do thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến hiện tượng đột quỵ
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ
Dấu hiệu điển hình nhất là nhiệt độ cơ thể tăng cao, có khi lên đến 40oC, kèm theo ngất xỉu. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như đau nhức đầu, choáng váng, hoa mắt, không đổ mồ hôi, mặc dù cơ thể đang rất nóng, da đỏ, chuột rút, tê người, buồn nôn và nôn, tim đập nhanh, thở nông, những thay đổi về hành vi, như rối loạn tâm thần, mất phương hướng, phát cơn co giật, động kinh, bất tỉnh.
Phòng ngừa
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng ta cần chủ động phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra cho bản thân và gia đình mình như:
Chủ động theo dõi dự báo thời tiết để có các biện pháp phòng tránh.
Người cao tuổi không nên đi lại làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là giờ cao điểm từ 10g sáng đến 4g chiều. Không làm việc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói, khát khi ở ngoài trời nắng. Ra ngoài trời cần có mũ nón, uống nước đầy đủ.
Nên mặc dài tay và đội mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh mặt trời. Quần áo nên nhẹ và được làm từ chất liệu thoáng mát; không nên đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
Máy điều hòa nên để ở nhiệt độ 26 - 280C. Hoặc làm mát nhà bằng cách che nắng, mở cửa cho thông thoáng, bật quạt.
Uống nước thường xuyên để tránh mất nước, nên dùng thêm nước trái cây, rau xanh.
Các yếu tố khác: kiểm soát stress, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; tránh xa rượu bia; thuốc lá; khám sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Cách sơ cứu khi bị đột quỵ do nắng nóng
Nếu người thân của bạn có dấu hiệu của đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức hoặc chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong khi chờ cấp cứu, nên đưa nạn nhân vào nơi có bóng râm thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo. Nếu nhận thấy thân nhiệt nạn nhân quá nóng, hãy dùng mọi cách để làm mát cho họ như: Dùng quạt để làm mát, áp khăn thấm ướt lên người nạn nhân; Chườm nước đá vào các vùng bẹn, nách, vì đây là những vị trí có nhiều mạch máu gần với da, khi được làm mát có thể nhanh chóng làm giảm thân nhiệt.
Nếu bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê không nên cố gắng cho uống nước vì dễ gây sặc nước vào phổi càng nguy hiểm.
Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị./.
Nguồn: Sưu tầm