Sốc phản vệ là trường hợp thường xảy ra ngay lập tức khi cơ thể phản ứng lại với thuốc, dịch truyền, ong đốt hoặc thức ăn không rõ nguồn gốc. Vậy biểu hiện sốc phản vệ khi truyền dịch và hướng xử trí khi bị phản vệ là gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có phương án xử trí kịp thời tránh những trường hợp đáng tiếc xảy xa.
Định nghĩa về sốc phản vệ
Sốc phản vệ là phản ứng của cơ thể thường xảy ra ngay lập tức khi tiếp xúc với dị nguyên. Có thể hiểu đơn giản dị nguyên là các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng. Tùy thuộc vào mỗi người, các dị nguyên có thể là chất lạ gây nguy hiểm đối với người này nhưng lại vô hại với người khác.
Sốc phản vệ gây ra, tác động đến trực tiếp trên cơ thể như: hệ thống miễn dịch, hệ hô hấp, da, hệ thống tuần hoàn, hệ thống tiêu hóa, hệ thống thần kinh trung ương và xuất hiện các triệu chứng trên cơ thể như: Ngứa da, môi bị sưng vù, hắt hơi, chảy nước mắt, nôn mửa, tiêu chảy,…
Sốc phản vệ do cơ thể phản ứng lại với các chất dị nguyênBiểu hiện sốc phản vệ qua các cấp độ
Sốc phản vệ độ 1 (nhẹ)
Ở mức độ này, bệnh nhân có các triệu chứng biểu hiện dưới da, tổ chức dưới da và niêm mạc như mề đay, ngứa, phù mạch,...
Sốc phản vệ độ 2 (vừa)
Có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
- Mề đay, phù mạch xuất hiện nhanh
- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi
- Đau bụng, nôn, ỉa chảy
- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp
Sốc phản vệ độ 3 (nguy kịch)
Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn:
- Đường thở: Tiếng rít thanh quản, phù thanh quản
- Thở: Thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở
- Rối loạn ý thức: Vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn
- Tuần hoàn: Sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp
Sốc phản vệ độ 4 (ngừng tuần hoàn)
Biểu hiện ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.
Sốc phản vệ là một tình trạng nguy hiểm và cần cấp cứu kịp thờiBiểu hiện của sốc phản vệ khi truyền dịch
Việc thực hiện các quy trình tiêm, truyền bất kể tại cơ sở y tế hay truyền dịch tại nhà đều có yếu tố nguy cơ bị sốc phản vệ. Mức độ nguy hiểm sẽ tùy vào tình trạng bệnh nhân đang gặp phải. Thông thường khi có biểu hiện sốc phản vệ, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Vã mồ hôi
- Rét run
- Sắc mặt nhợt nhạt
- Khó thở dần
- Mạch nhanh khó đoán
- Bắt đầu nổi ban, mề đay
- Biểu hiện nổi đỏ tại tay, trên cơ thể
- Mệt mỏi thêm, người lịm dần
- ...
Khi thấy bệnh nhân có những biểu hiện bất thường khi sử dụng dịch truyền, cần lập tức ngưng truyền. Theo dõi và thực hiện xử trí ngay theo phác đồ chống sốc của BYT.
Xử trí sốc phản vệ
Tất cả các trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời tại chỗ và theo dõi ít nhất thêm 24h.
Xử trí sốc phản vệ nhẹ
Dị ứng thuốc nhưng có thể chuyển thành nặng. Sử dụng thuốc có chứa hoạt chất Methylprednisolon hoặc Diphenhydramin uống hoặc tiêm trực tiếp tùy vào tình trạng bệnh nhân.
Xử trí sốc phản vệ nặng
Độ nguy hiểm khi có biểu hiện sốc độ 2 có thể chuyển biến nhanh sang độ 3,4 vậy nên cần xử trí khẩn trương đồng thời theo dõi diễn biến bệnh nhân:
- Ngừng ngay việc đang sử dụng thuốc hoặc dịch truyền
- Cho bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp, nghiêng bên trái nếu có nôn
- Sử dụng Adrenalin theo đường tiêm hoặc truyền.
- Thở ô-xy qua mặt nạ thở: 6-10l/phút đối với người lớn, 2-4l/phút đối với trẻ em
- Đánh giá tổng quan tình trạng của bệnh nhân: Hô hấp, ý thức, niêm mạc, các biểu hiện ở da
- Ép tim ngoài lồng ngực (nếu trong tình trạng ngừng hô hấp, tuần hoàn)
- Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu (nếu khó thở)
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch Adrenalin tĩnh mạch với kim tiêm 14-16G hoặc đặt catheter tĩnh mạch với đường tĩnh mạch thứ 2 để truyền dịch nhanh.
- Tiêm trực tiếp Adrenalin vào đùi (vùng mặt trước bên ngoài ở 1/3 giữa của đùi) đối với các trường hợp khẩn cấp.
- Hội chẩn thêm với các bác sĩ hồi sức cấp cứu chuyên khoa hoặc chuyên khoa dị ứng.
Trên đây là một số thông tin về biểu hiện sốc phản vệ và hướng xử trí kịp thời. Việc sử dụng dịch truyền để hồi phục cơ thể hoặc cung cấp các loại vitamin tổng hợp tại nhà đang phổ biến. Cần có sự đồng ý và can thiệp của bác sĩ để có kết quả tốt nhất và tránh những biến cố xảy ra trong quá trình điều trị.