Sỏi thận là căn bệnh rất dễ gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không được điều trị dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc tìm rõ các nguyên nhân và các dấu hiệu sỏi thận giúp chúng ta chủ động phòng tránh bệnh.
Sỏi thận là bệnh gì?
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận. Đây là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Sỏi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong đường tiểu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo nam giới (niệu đạo nữ giới rất ngắn nên không tạo sỏi). Căn bệnh này có biểu hiện rất đa dạng. Từ việc âm thầm gây thận ứ nước đến tình trạng đau quặn bụng phải đi cấp cứu.
Nguyên nhân gây nên sỏi thận
Ăn nhiều muối
Muối là loại gia vị được nêm vào hầu hết tất cả các món ăn hàng ngày. Nếu ăn nhiều muối sẽ gây tăng đào thải natri, kéo theo các ion canxi cũng tăng tại ống thận. Nồng độ canxi quá cao tạo điều kiện hình thành các loại sỏi như canxi oxalat, canxi photphat, canxi cacbonat.
Nhịn tiểu lâu
Nhịn tiểu lâu và thường xuyên không chỉ gây ra hậu quả nặng nề như: nhiễm trùng tiểu, bệnh lý về thận, sỏi thận, bàng quang, đường tiết niệu mà còn làm giảm chức năng sinh lý. Trong đó, vỡ bàng quang được coi là nguy hiểm nhất. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe.
Nhịn tiểu lâu là nguyên nhân gây nên sỏi thận
Lượng nước tiểu ít
Lượng nước tiểu ít chính là nguy cơ gây nên căn bệnh sỏi thận. Tình trạng này xảy ra là do cơ thể mất nước vì làm việc quá sức, tập thể dục ở cường độ cao, sinh sống ở nơi có khí hậu khô nóng hay không uống đủ nước.
Khi lượng nước tiểu ít sẽ dẫn đến cơ thể có ít nước hơn để hòa tan muối. Từ đó dẫn đến lắng đọng natri và hình thành sỏi thận. Uống đủ nước sẽ làm loãng muối trong nước tiểu, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Sử dụng thuốc không đúng cách
Rất nhiều người bị ốm và lo lắng cơ thể thiếu vitamin, canxi nên thường tự ý mua thuốc bổ sung cho cơ thể. Một số loại thuốc phải uống đúng giờ, uống nhiều nước, không được kết hợp với một số loại thuốc khác nhưng người dùng không biết, không tìm hiểu nên sử dụng sai cách.
Do vậy, cơ thể không hấp thụ được thành phần của thuốc. Từ đó gây lắng cặn ở thận và tích tụ thành sỏi. Chính vì vậy, việc dùng thuốc sai cách, sai liều lượng, không theo chỉ định của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây tổn thương thận, hình thành sỏi thận và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Mắc các bệnh về viêm đường ruột
Những người mắc bệnh viêm đường ruột thường có nguy cơ cao bị sỏi hơn là những người khác. Đặc biệt là bệnh viêm loét đại tràng. Do những bệnh này làm tăng nguy cơ gây mất nước và kéo theo hóa chất gây sỏi thận ở nước tiểu.
Bệnh nhân mắc viêm loét đại tràng rất có thể bị sỏi thận
Di truyền
Có đến gần 25% tỷ lệ mắc sỏi thận là do gen di truyền. Do vậy, nếu có người thân trong gia đình mắc bệnh sỏi thận sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
Bỏ bữa sáng
Theo các chuyên gia, nguy cơ gây ra bệnh sỏi thận do không ăn sáng là rất lớn. Vào buổi sáng, túi mật sẽ bài tiết dịch mật, chuẩn bị trước cho việc tiêu hóa thức ăn. Nếu bỏ bữa sáng, mật sẽ không có thức ăn để tiêu hóa. Do đó, dịch mật sẽ ở trong túi mật lâu hơn. Nếu để thời gian dài như thế, dịch mật sẽ tích tụ trong túi mật và đường ruột, cholesterol từ trong mật tiết ra sẽ dễ hình thành nên sỏi thận.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi thận
Sốt và cảm giác ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh là dấu hiệu cho thấy bị nhiễm trùng ở thận hoặc một phần khác của đường tiết niệu. Vì sỏi thận là nơi vi khuẩn dễ dàng phát triển. Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng do sỏi thận gây ra.
Nếu gặp trường hợp này thì bạn nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Sốt và ớn lạnh là dấu hiệu cho thấy bị nhiễm trùng ở thận hoặc một phần khác của đường tiết niệu
Tiểu nhiều lần và thường xuyên
Trong trường hợp viên sỏi nằm ở cuối niệu quản, đầu bàng quang hoặc nằm ở cổ bàng quang thì bạn sẽ thường xuyên có nhu cầu đi tiểu. Mỗi lần đi một lượng nhỏ giọt. Nguyên nhân là do sỏi kích thích gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang, tạo tín hiệu buồn tiểu giả.
Nếu viên sỏi to, nó có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Nếu gặp những trường hợp như vậy, người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay bởi đây là một trong những dấu hiệu sỏi thận đặc trưng.
Đau khi ngồi lâu
Khi những viên sỏi đã to, người bệnh khó có thể ngồi hay nằm lâu trong một tư thế. Do áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi thận khiến các vùng mô xung quanh thận bị chèn ép và gây đau.
Buồn nôn
Triệu chứng buồn nôn xảy ra do giữa thận và đường tiêu hóa có chung một đường truyền tín hiệu. Do vậy, sỏi trong thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, khiến cho dạ dày co thắt và khó chịu.
Người bị sỏi thận thường có triệu chứng buồn nôn
Nước tiểu đục
Khi thấy nước tiểu đục thì khả năng cao bạn đang có sỏi. Hoặc bạn đang nằm trong nhóm đối tượng dễ có sỏi ở thận - tiết niệu. Nước tiểu đục có thể là do quá nhiều chất cặn bã lắng đọng hoặc đang bị viêm đường tiết niệu. Nếu bị viêm đường tiết niệu thì nước tiểu đục sẽ kèm theo mùi hôi. Còn nếu lắng cặn thông thường thì nước tiểu sẽ không có mùi.
Vô niệu
Sỏi niệu quản có thể gây ra tình trạng vô niệu một phần hoặc hoàn toàn. Vô niệu một phần là do viên sỏi gây tắc một bên của thận. Trường hợp hiếm gặp là sỏi làm cả hai bên niệu quản đều bị co thắt gây vô niệu hoàn toàn. Nếu xảy ra tình trạng này, bạn nên đến cơ sở y tế sớm. Tránh các tình huống xấu như vỡ thận hoặc suy thận cấp xảy ra.
Sỏi thận là một bệnh vô cùng phổ biến. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như giãn thận, ứ nước, viêm thận, viêm đường tiết niệu, suy thận hay thậm chí là teo thận. Do đó, bạn đừng chủ quan nếu thấy cơ thể có một hoặc một vài những dấu hiệu trên. Mọi thắc mắc cần được giải đáp hoặc đặt lịch khám hãy liên hệ Bệnh viện Đa khoa Phương Đông qua hotline 1900 1806.
THAM KHẢO GÓI KHÁM SỨC KHỎE TẠI ĐÂY: https://benhvienphuongdong.vn/cac-goi-kham-suc-khoe/?utm_source=ft&utm_medium=301T&utm_campaign=pd
Địa chỉ: Số 9 Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 1900 1806
Cấp cứu: 0833 015 115