Hen phế quản hay hen suyễn là bệnh lý viêm mạn tính của phế quản. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, số bệnh nhân mắc bệnh hen phế quản đang có xu hướng ngày càng gia tăng, ước tính có khoảng 334 triệu người mắc bệnh hen phế quản trên toàn cầu. Hen phế quản là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến nhiều yếu tố di truyền, phát triển và môi trường, tác động qua lại tạo nên một tình trạng tổng thể. Dưới đây là thông tin chi tiết giúp chúng ta hiểu thêm về bệnh học hen phế quản.


webtretho


Bệnh hen phế quản là gì?



Bệnh hen phế quản là gì?


Theo GINA 2014 (Global Initiative for Asthma) Hen phế quản là một bệnh lý đa dạng, thường có đặc điểm là viêm đường thở mạn tính. Hen phế quản được định nghĩa bởi sự hiện diện của bệnh sử có các triệu chứng hô hâp như khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, các triệu chứng này thay đổi theo thời gian và về cường độ, cùng với sự giới hạn luồng khí thở ra dao động.


Hiểu cách khác, hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là một bệnh lý mạn tính của phế quản thuộc hệ hô hấp trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào. Biểu hiện là phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp có phục hồi do được kích thích bởi sự tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc.


Yếu tố nguy cơ gây ra hen phế quản Yếu tố môi trường:


– Dị nguyên là yếu tố quan trọng nhất gây bệnh hen phế quản, nó bao gồm: khói bụi, lông động vật, nấm, phấn hoa, các chất hóa học…


– Ô nhiễm không khí: chất đốt, khói công nghiệp…


– Hút thuốc lá, khói thuốc lá cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản.


– Nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm…


– Các yếu tố khác: cảm xúc âm tính, thời tiết, dùng thuốc, đồ ăn, hoạt động, tập luyện thể dục với cường độ mạnh.


Yếu tố cơ địa:– Do di truyền;


– Cơ địa dị ứng;


– Chủng tộc;


– Giới tính;


– Béo phì.


Triệu chứng bệnh hen phế quản:



– Cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho đặc biệt xảy ra vào ban đêm hay sáng sớm. Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở tạo thành tiếng rít, như tiếng cò cử, cơn nặng phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn hen có thể kịch phát hoặc liên tục. Khi gần hết cơn thấy ho tăng dần, khạc đờm trắng, dính quánh như bột sắn chín. Nếu là bội nhiễm thì đờm nhầy mủ màu vàng hoặc xanh, càng khạc đờm ra thì thấy cơn đỡ dần rồi hết. Khi không xuất hiện cơn bệnh nhân có thế làm việc và hoạt động bình thường.


– Khám phổi trong cơn: gõ vang, rung thanh bình thường, rì rào phế nang giảm, có ran rít và ran ngáy ở khắp hai phổi tùy theo từng mức độ bệnh.


Biến chứng hen phế quản Biến chứng hen phế quản cấp tính


– Hen phế quản cấp nặng tương ứng với tình trạng cơn hen cấp không đáp ứng với điều trị thông thường và nặng dần hoặc xảy ra gấp trong vòng vài phút. Đây là tình trạng nguy cấp có diễn tiến rất xấu có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh;


– Tràn khí màng phổi do phế nang bị vỡ;


– Suy tim cấp hay hội chứng tim phổi cấp;


– Tâm phế cấp.


Biến chứng hen phế quản mạn tính– Khí phế thũng đa tiểu thùy;


– Biến dạng lồng ngực;


– Suy hô hấp;


– Tâm phế mạn.


Điều trị bệnh hen phế quản


Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh. Nên phòng, chống và kiểm soát lâu dài là chìa khóa để ngăn ngừa cơn hen tái phát.


Điều trị nội khoa:– Chống co thắt cơ trơn phế quản;


– Chống viêm, chống dị ứng;


– Điều trị giảm oxy máu bằng thở oxy, có thể thống khí nhân tạo và các biến chứng khác nếu có.


Điều trị ngoại khoa:– Cắt dây X chọn lọc bằng phương pháp bóc vỏ cuống phổi;


– Cắt tiểu thể cảnh.


Lưu ý kiểm soát cơn hen phế quản– Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc;


– Luôn giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh. Nếu phải ra ngoài nên có khăn ấm và sử dụng khẩu trang…


– Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm. Bạn có thể tiêm những vaccine cần thiết;


– Thận trọng trong việc sử dụng thuốc;


– Giữ không khí trong nhà thông thoáng, sạch sẽ, tránh xa khói bụi, khói từ chất đốt;


– Bảo vệ môi trường xung quanh nhà ở;


– Không ăn những thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, hải sản…


– Tập luyện thể dục đều đặn nâng cao sức khỏe. Chú ý nên chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, khí công…và nên tham khảo ý kiến của bác sỹ điều trị trước khi tập luyện;


– Cuối cùng, sử dụng biện pháp điều dự phòng để kéo dài thời gian tái phát cũng như hạn chế tới mức tối đa tần suất xuất hiện cơn hen phế quản.