Nhiều người thấy con khỏi cô vít rồi thì cứ yên tâm là con sẽ không gặp vấn đề gì nguy hiểm về sức khỏe nữa. Tuy nhiên đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm nha mọi người.

Dù trẻ có khỏi cô vít rồi thì phụ huynh vẫn nên tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ bởi rất có thể sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm sau đó. Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra rồi chứ không phải là không có nha mọi người.

Theo thông tin mình đọc được trên báo Dân trí online thì đã có bé sau nhiễm cô vít 1 tháng rồi sức khỏe mới gặp nguy hiểm. Cụ thể thông tin về bé mình sẽ chia sẻ lại bên dưới, mọi người tham khảo nha!

hình ảnh

Rất nhiều trẻ gặp di chứng nguy hiểm sau khi khỏi cô vít. Ảnh minh họa, nguồn: bb

Nhiễm cô vít không triệu chứng, bé trai vẫn gặp di chứng nghiêm trọng

Theo đó, một tháng sau khi nhiễm cô vít, bé trai 11 tuổi (Tuyên Quang) bỗng dưng bị sốt lại, kèm theo sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, phát ban… Trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C.

Bé hiện điều trị tại khoa Dị ứng-Miễn dịch-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Chị Thảo, mẹ bé cho biết con trai chị béo phì, 11 tuổi nặng 43kg. Lúc nhiễm cô vít, cháu không có triệu chứng gì, không sốt, vì mẹ test nhanh dương tính nên đã cho bé đi kiểm tra và phát hiện.

Một tháng sau, thấy con bỗng dưng sốt cao 40 độ C, run lẩy bẩy, sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban trên da, gia đình đưa trẻ đến khám tại viện gần nhà và được chẩn đoán bị viêm hạch.

Nhưng sau đó 4 ngày, tình trạng sốt của bé không thuyên giảm, nên mẹ bé xin chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).

Tại đây, bé được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C hay hội chứng viêm đa hệ thống liên quan tới nhiễm SARS-CoV-2.

Chị Thảo chia sẻ: ‘Lúc đầu, con nhập viện tôi cũng thấy lo lắng, cháu không ăn được gì, chỉ uống tí sữa, nằm li bì. Sau 2 ngày, cháu hết sốt và giờ đã có thể chơi đùa, ăn hết một suất cơm’.

Độ tuổi trẻ dễ gặp hội chứng MIS-C

Trường hợp trẻ mắc hội chứng MIS-C như trên khá thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương thời gian gần đây. Một tháng nay Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng hơn 100 ca đó mọi người.

hình ảnh

Tất cả các trường hợp bệnh nhân MIS-C đều phải theo dõi đánh giá sau ít nhất 6 tháng đến một năm. Nguồn: Dantri

TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp cho biết: Trong 1-2 tuần gần đây, số lượng trẻ nhập viện do hội chứng MIS-C nhiều hơn, trước đây lẻ tẻ 2-3 ca/tuần, tối đa 5 ca/ngày, nhưng hiện giờ một ngày có thể có đến 10 ca.

Những trường hợp nặng đe dọa mạng sống của trẻ như: Biểu hiện sốc, suy giảm chức năng cơ tim nặng sẽ được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Những trẻ không có biểu hiện nặng như trên sẽ điều trị tại khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp. May mắn là đa phần trẻ đáp ứng tốt với điều trị.

Theo TS Chi, trẻ mắc hội chứng này chủ yếu là trẻ lớn 6-12 tuổi, trẻ dưới 3 tuổi ít gặp hơn. Với hội chứng MIS-C một dấu hiệu chắc chắn là trẻ có sốt nha mọi người. Ngoài ra, còn kèm theo một số biểu hiện toàn thân, đa cơ quan như: Phát ban da, nổi hạch, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa đau bụng nôn, đi ngoài phân lỏng. Một số trẻ ho, môi đỏ, lưỡi gai, phù nề mu bàn tay, chân. Biểu hiện nặng hơn là trẻ có thể rất mệt, biểu hiện suy tuần hoàn, đau đầu, co giật, suy tim, rối loạn nhịp tim…

TS Chi nói: ‘Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng không phải trẻ nào mắc cô vít cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine. Theo nghiên cứu của các nước, nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn ở trẻ chủng tộc da đen, bé trai, trẻ từ 5 đến 12 tuổi, cơ địa béo phì. Tỷ lệ mắc hội chứng MIS-C theo một số báo cáo ở trẻ em liên quan SARS-CoV-2 chỉ dưới 1%’.

Điều trị sớm trẻ sẽ đáp ứng tốt, nhanh hồi phục

Để điều trị thì cần kết hợp nhiều chuyên khoa nhưng quan trọng nhất vẫn là các thuốc điều hòa miễn dịch. MIS-C sẽ nặng nhất là các biến cố về suy tuần hoàn, giảm chức năng cơ tim, rối loạn nhịp tim và phình giãn động mạch vành. Vì thế, Bệnh viện Nhi trung ương thường phối hợp các chuyên khoa đặc biệt, chuyên khoa hồi sức, tim mạch… Trung bình sau 5-7 ngày điều trị, trẻ có thể ra viện đó mọi người.  

TS Chi cho biết: Nếu được điều trị sớm, hầu hết trẻ đều đáp ứng tốt, diễn biến hồi phục nhanh. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trẻ bị MIS-C đều phải theo dõi đánh giá sau ít nhất 6 tháng đến một năm tùy từng bé. Những ca nặng, có sốc hoặc ảnh hưởng đến tim từ khi nhập viện cần có sự theo dõi lâu dài.

hình ảnh

Nên đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường. Ảnh minh họa, nguồn: sohu

Ngoài ra, với những trẻ bị nặng, có sốc, có tổn thương tim buộc phải dùng các thuốc điều hòa miễn dịch, tuy nhiên thuốc này khá đắt, hiện nay bảo hiểm y tế chưa chi trả. Vì thế, chi phí điều trị có thể lên đến hơn trăm triệu (vì thuốc tính theo cân nặng).

Trong khi đó, nếu trẻ không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể còn ảnh hưởng tới mạng sống nữa như: Tổn thương tim, tổn thương mạch vành kéo dài, đây là những biến chứng nặng nề nhất.

Cách phòng tránh

Để phòng hội chứng này, TS Chi cho rằng: Tốt nhất là giảm lây nhiễm SARS-CoV-2, từ đó sẽ ngăn ngừa được kích hoạt hệ thống miễn dịch bất thường. Đây là vấn đề xảy ra sau phơi nhiễm virus SARS-CoV-2, virus đã kích hoạt hệ miễn dịch của trẻ phản ứng bất thường, làm tổn thương các mạch máu nhỏ, rối loạn điều hòa miễn dịch và cơn bão cytokine, gây  tổn thương đa cơ quan.

Dấu hiệu của hội chứng này thường khá rõ. Vì thế, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi con có biểu hiện sốt sau 2-8 tuần mắc cô vít hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm. Ngoài ra, có thể kèm thêm các biểu hiện khác như: Mắt đỏ, phát ban, nôn, đau bụng, sưng hạch, kèm theo bất cứ dấu hiệu gì khác thì cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để xem có phải trẻ mắc hội chứng MIS-C không.

Những thông tin trên mình đọc được trên báo thấy hay nên chia sẻ lại để mọi người cùng biết về những dấu hiệu trẻ gặp nguy hiểm sau khi khỏi cô vít. Nhìn chung thời buổi dịch bệnh nguy hiểm nên nhà nào có con nhỏ nên để ý, nếu có bất thường gì thì nên đi khám ngay nha.

Nguồn tổng hợp