Em đang bầu, mấy tháng nữa là sinh bé rồi. Dạo này thì em đang tìm hiểu về các loại bỉm cho em bé ý. Nhưng mẹ chồng em hôm qua mới nói là sau này sinh xong chịu khó mà giặt đồ, cho bé mặc bỉm ít thôi. Vì bà bảo, trẻ con mặc bỉm nhiều là chật chội, ảnh hưởng đến ‘hàng họ’ nhất là bé trai ấy.

Em thấy vô lý quá chừng luôn. Chẳng lẽ khi sản xuất người ta không nghĩ đến trường hợp này hay sao mà bảo mặc bỉm hại như vậy. Với cả, bao nhiêu người vẫn dùng bỉm cho bé đây, có vấn đề gì đâu. Nghe vây, bà mới bảo là lý do giờ nhiều cặp vợ chồng mãi không có con cũng vì thế đấy. Chứ ngày xưa thì đẻ sòn sòn, có thấy khó khăn gì đâu.

Thậm chí, bà còn bảo là cho con mặc bỉm sẽ bị chân vòng kiềng. Em thấy vô lý quá chừng luôn nên có cự lại bà mấy câu. Thế là bà bảo em hỗn láo này kia. Từ hôm qua đến giờ, em stress quá, chẳng biết phải làm sao.

Hôm nay em lên báo tìm hiểu thì thấy chuyên gia chia sẻ ý kiến về điều này rồi. Em định về tối đưa cho bà xem nhưng chẳng biết bà có tin không ý. Giờ các mẹ bảo em nên làm gì đây ạ? Chưa sinh mà em đã nhìn thấy viễn cảnh sau này mẹ chồng nàng dâu xung đột trong chuyện nuôi dạy trẻ rồi.

Thông tin cụ thể, em chia sẻ ở bên dưới, các mẹ xem nhé.

hình ảnh

Nhiều người lo lắng việc cho con dùng bỉm sẽ ảnh hưởng sinh sản. Ảnh minh họa, nguồn: kunanji

Có phải cho trẻ dùng bỉm sẽ hỏng hết ‘hàng họ’, chân vòng kiềng không?

Ths. BS Trần Thu Nguyệt (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho hay: Có nhiều bà mẹ lo ngại khi cho bé trai dùng bỉm. Bởi họ cho rằng dùng bỉm giấy sẽ làm hẹp bao quy đầu của trẻ, do đó khiến bé khó có con về sau. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn không có cơ sở.

Trên thực tế, việc hẹp bao ở bé trai có nhiều nguyên nhân, không hề liên quan tới bỉm giấy. Có chăng là do các mẹ dùng sai cách, để con đóng bỉm quá lâu không thay khiến bé bị viêm nhiễm bộ phận sinh lý.

Với lại, ở trẻ nhỏ, cơ quan sinh lý của bé chưa phát triển hoàn toàn. Lúc này, nó chỉ có chức năng là đi vệ sinh chứ chưa có khả năng sản xuất ra ‘con giống’. Phải khi trẻ ở độ tuổi 12 – 14 thì hormone nam mới phát triển. Lúc này, chế độ dinh dưỡng, đồ bó sát… mới có thể tác động tới khả năng sinh con.

Còn BS. Tô Minh Hương (PGĐ BV Phụ sản HN) khẳng định luôn: Chưa có cơ sở khoa học nào để nói rằng đóng bỉm gây khó có con ở bé trai. Lý do là vì, trẻ dùng bỉm ở độ tuổi rất nhỏ. Lúc này, cơ quan sinh lý chưa phát triển. Vì vậy, kể cả khi con đóng bỉm đến 2 – 3 tuổi thì vẫn không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản sau này.

Dù vậy, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo: Cha mẹ không nên quá lạm dụng, cần chú ý thay bỉm cho con thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ nhất là vùng da bẹn và cơ quan sinh lý. Bởi, nước tiểu tích tụ ở bỉm lâu có thể gây viêm nhiễm bàng quang.

Đối với vấn đề chân vòng kiềng, có rất nhiều người cho rằng nguyên nhân do bỉm, nhất là các bà ngày xưa. Song, BS. Trần Thu Nguyệt phân tích: Bé bị chân vòng kiềng là do chế độ dinh dưỡng và cách nuôi dưỡng của cha mẹ chứ không liên quan gì tới việc mặc bỉm cả.

Theo đó, nguyên nhân chính khiến trẻ bị chân vòng kiềng là vì còi xương do thiếu vitamin D. Hoặc do bé tập đứng, tập đi quá sớm khi mà xương chưa đủ độ cứng. Béo phì khiến trọng lượng cơ thể quá tải so với khả năng chịu của đôi chân khiến xương khớp của bé không chịu được cũng là nguyên nhân gây bệnh.

hình ảnh

Chuyên gia nói về thông tin trẻ đóng bỉm bị chân vòng kiềng. Ảnh minh họa, nguồn: hk01

Mặc dù không ảnh hưởng tới chân vòng kiềng hay khả năng sinh sản nhưng việc sử dụng bỉm cho trẻ cũng phải cẩn thận. Nếu không, nó có thể gây ra những hệ lụy như:

+ Hăm, loét, viêm da:

Nhiều trẻ bị hăm, loét, viêm da khiến mẹ nghĩ tới việc tại con dùng bỉm. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên nhân là vì mẹ cho con mặc bỉm 24/24 nhưng lại để bẩn không chịu thay. Việc để bỉm lâu khiến trẻ bức bối, mồ hôi ra cùng với nước tiểu sẽ sản sinh ra vi khuẩn gây hăm, loét.

Bên cạnh đó, trẻ đóng bỉm bị ‘ngâm’ hàng tiếng đồng hồ trong nước tiểu dễ bị lở loét nhất là vào mùa hè. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, một miếng bỉm nếu chỉ chứa nước tiểu thì chỉ mặc được trong 4 tiếng, tã giấy là 2 – 3 tiếng. Nếu trẻ đi ngoài thì phải thay ngay.

+ Nhiễm khuẩn đường tiết niệu:

Đóng bỉm nhiều dễ khiến da bẹn hoặc cơ quan sinh lý bị nhiễm khuẩn. Khi bé tiểu tiện, nước tiểu và các chất cặn bã do cơ thể đào thải sẽ lắng đọng ở bỉm. Chúng tích lại đó tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây viêm tại chỗ, gây viêm ngược lên hệ tiết niệu.

Bệnh này dễ gặp ở bé gái hơn bé trai vì đường tiết niệu của bé gái ngắn hơn. Do đó, vi khuẩn dễ xâm nhập rồi đi ngược từ niệu đạo lên bàng quang rồi từ bàng quan lên thận. Thậm chí, một số bé còn bị viêm ‘phụ khoa’ khi mới bé tí do nấm candida cũng liên quan tới việc dùng bỉm không đúng cách.

Vậy mặc bỉm cho bé thế nào là đúng?

+ Khi mua bỉm cho trẻ, mẹ nên chọn loại có nhãn mác đầy đủ, không ham rẻ mà mua đồ trôi nổi. Đồng thời, cần chọn loại có độ thấm hút tốt và thấm đều, vách chống trào tốt.

+ Bỉm cần vừa vặn với kích thước của bé.

+ Nên chọn loại có chất liệu bền và thoáng khí.

+ Một miếng bỉm dùng trong 4 – 6 tiếng là tối đa, khi bé đại tiện phải thay ngay. Khi thay nhớ vệ sinh vùng bẹn và mông của bé bằng nước ấm và chỉ cho trẻ đóng bỉm khi da bé khô hẳn. Tốt nhất, mỗi ngày nên cho bé ‘thả rông’ vài ba tiếng để da được khô thoáng, nhất là vào mùa hè.

+ Không được dùng phấn thoa lên vùng hăm tã vì sẽ khiến lỗ chân lông bị bít tắc và gây kích ứng.

+ Tập cho trẻ đi vệ sinh vào giờ nhất định để giảm thời gian mặc bỉm.

+ Nếu trẻ có biểu hiện viêm da thì cần đưa đến bác sĩ kiểm tra, không tự ý điều trị tại nhà.

Đây là những thông tin mà em tổng hợp được trên báo đây các mẹ. Em thấy chuyên gia nói vậy thì càng an tâm rồi nhưng chẳng biết giải quyết với mẹ chồng thế nào. Các mẹ cho em xin cách xử lý làm sao để yên ấm với. Vì sắp tới bà chăm mẹ con em nên em cũng không muốn làm phật ý bà. Bầu bì đã mệt mà giờ còn thế này, em oải quá các mẹ ạ.