Trẻ nhỏ thường gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, hay gặp nhất là triệu chứng đầy bụng khó tiêu. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số cách xử trí vừa an toàn lại hiệu quả có thể áp dụng tại nhà để giảm bớt cảm giác khó chịu do đầy bụng khó tiêu gây ra cho bé.
1. Nguyên nhân đầy bụng khó tiêu ở trẻ
Một số nguyên nhân khiến trẻ bị đầy bụng khó tiêu có thể kể đến như sau:
- Chế độ ăn của mẹ: Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, nên khi trẻ có tình trạng đầy bụng khó tiêu, mẹ nên nghĩ ngay đến nguyên nhân đầu tiên là từ chế độ ăn của mẹ. Có thể mẹ đã ăn phải thức ăn ôi thiu, thực phẩm chưa được nấu chín, nguội lạnh hoặc có tính hàn cao.
- Thay đổi chế độ ăn đột ngột: Trong những năm đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn nhạy cảm nên việc thay đổi chế độ ăn đột ngột có thể khiến trẻ không kịp thích nghi. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ ở trong giai đoạn chuyển từ bú mẹ sang bú bình hoặc từ bú sữa hoàn toàn sang ăn dặm.
- Bất dung nạp đường lactose: Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể trẻ không tiết hoặc tiết không đủ lượng men lactase để tiêu hóa các thực phẩm có chứa lactose trong đó chủ yếu là sữa. Khi lactose không được tiêu hóa, chúng sẽ bị vi khuẩn lên men tạo khí, gây nên hiện tượng bụng chướng hơi.
- Dị ứng với protein sữa: Khi hệ miễn dịch của trẻ dị ứng với một hoặc một số loại protein trong sữa, trẻ có thể bị nôn trớ, khó thở, tiêu chảy ngoài biểu hiện tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
- Dùng các loại thuốc kháng sinh hoặc các thuốc khác: Các thuốc kháng sinh khi vào đường tiêu hóa sẽ tiêu diệt cả hại khuẩn và lợi khuẩn, làm rối loạn hệ vi sinh tại đường ruột. Việc này có thể gây ra tình trạng rối loạn ở đường tiêu hóa của trẻ với biểu hiện là tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu.
- Rối loạn tiêu hóa (trào ngược dạ dày, tiêu hóa, táo bón): Khi bé bị trào ngược dạ dày, hơi bị tống xuất theo chiều ngược lại so với bình thường. Vì thế, trẻ rất dễ bị chướng bụng, ợ hơi, dễ nôn ói. Khi trẻ có tình trạng táo bón tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn yếm khí lên men tạo khí, gây đầy hơi cho trẻ. Còn khi xảy ra tình trạng tiêu chảy, bé bị mất điện giải gây nên chướng bụng.
2. Biểu hiện của tình trạng đầy bụng khó tiêu ở trẻ
Biểu hiện của tình trạng đầy bụng khó tiêu ở trẻ, đó là:
- Bé cảm thấy đau bụng râm ran hoặc nặng bụng
- Sau ăn khoảng 2 tiếng, bụng vẫn căng tròn, đầy hơi.
- Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua nếu acid và chất lỏng trào ngược từ dạ dày lên miệng
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đột nhiên bé quấy khóc liên tục không rõ nguyên nhân, bé thấy khó chịu, bứt rứt, bỏ ăn hoặc chán ăn hơn bình thường.
- Bé có thể xì hơi nhiều lần, đi tiêu phân lỏng hoặc sền sệt, có khi táo bón mấy lần.
- Khó ngủ vào buổi tối, có khi quấy khóc do đau bụng ấm ách, lỏng bụng.
3. Làm gì khi trẻ đầy bụng khó tiêu?
Đầy bụng khó tiêu ở trẻ có thể thường xuyên xảy ra. Với những trường hợp nhẹ, có thể sử dụng một vài biện pháp tại nhà đơn giản để hỗ trợ tiêu hóa tốt bao gồm:
Massage bụng
Việc này giúp trẻ giảm cảm giác khó chịu khi bị đầy bụng khó tiêu. Ngoài ra, cách này còn có tác dụng trong việc giảm bớt lượng hơi còn thừa trong dạ dày, giúp trẻ thoải mái và ăn ngon hơn. Phương pháp này có thể được áp dụng được cho tất cả các độ tuổi kể cả trẻ sơ sinh, bởi phương pháp này hiệu quả và an toàn.
Cách thực hiện:
- Cho trẻ nằm ngửa giường. Mẹ có thể lấy một vài giọt tinh dầu vào lòng bàn tay rồi xoa vào nhau cho ấm lên. Thao tác này sẽ giúp tạo cảm giác thư thái và tăng hiệu quả của phương pháp, bên cạnh đó tinh dầu sẽ giúp ma sát để tránh gây trầy xước cho da bé.
- Ngoài ra, mẹ có thể dùng các đầu ngón tay xoay một vòng hình tròn, theo chiều kim đồng hồ, bắt đầu từ rốn và mở rộng đường kính ra cả vùng bụng một cách nhẹ nhàng. Tiếp tục thực hiện từ 8 - 10 lần để giúp làm giảm cảm giác chướng bụng.
Lưu ý: Không nên thực hiện phương pháp massage bụng này cho trẻ sơ sinh sau khi vừa mới ăn xong, vì trẻ trong độ tuổi này dạ dày vẫn còn ở tư thế nằm ngang nên rất dễ xảy ra tình trạng thức ăn bị trào ngược.
Uống nước lá tía tô
Do lá tía tô có tính ấm, nên được sử dụng rộng rãi trong việc giúp trẻ giảm triệu chứng đầy bụng khó tiêu.
Cách thực hiện: Bài thuốc này rất dễ thực hiện, chỉ cần lấy khoảng 30gram lá tía tô tươi, đem rửa sạch, để ráo nước rồi đem giã nhuyễn hoặc có thể dùng máy xay sinh tố và chắt lấy nước cho trẻ uống. Trong trường hợp trẻ còn quá nhỏ để an toàn cho hệ tiêu hóa còn non yếu, mẹ nên nấu nước lá tía tô đó rồi mới cho trẻ uống sẽ giúp giải quyết tình trạng đầy hơi cho trẻ.
Sử dụng nước vỏ quýt
Vỏ quả quýt cũng có tính ấm như lá tía tô, vị cay, ngọt rất thích hợp để cải thiện tình trạng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu ở trẻ nhỏ. Dùng phương pháp này sẽ giúp trẻ hạn chế việc dùng thuốc tây. Với nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, bài thuốc này khá an toàn và thích hợp với trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Cách thực hiện: Dùng một vài miếng vỏ quýt đã thái nhỏ và phơi khô đem rửa sạch với nước ấm, sau đó đem đi hãm như hàm trà trong thời gian từ 15 - 20 phút. Phần nước sau khi chắt lọc được cho trẻ uống ngay khi vẫn còn ấm.
Nên dùng các vỏ quýt có nguồn gốc rõ ràng, rửa sạch với nước muối và sau khi phơi khô cần bảo quản trong lọ thủy tinh ở nơi khô ráo để tránh nấm mốc. Không nên sử dụng các loại vỏ quýt có nguồn gốc không xác định, vì có thể tồn dư chất bảo quản hoặc hóa chất.
Chườm tỏi ấm
Có thể sử dụng tỏi để làm giảm tình trạng đầy hơi khó tiêu ở trẻ nhỏ. Tỏi có chứa các thành phần ví như thuốc kháng sinh tự nhiên giúp làm giảm lượng khí tích tụ ở dạ dày, kích thích tiêu hóa.
Cách thực hiện: Dùng một củ tỏi đem nướng sơ và cho vào túi vải sau đó chườm lên bụng trẻ khi còn ấm. Phương pháp này giúp cải thiện đáng kể tình trạng đầy bụng ở trẻ, tuy nhiên các mẹ khi thực hiện phương pháp này lưu ý là không nên đặt trực tiếp củ tỏi lên bụng bé để tránh tình trạng tổn thương trên da. Phương pháp này cũng chỉ áp dụng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên.
Uống nước gừng
Trong đông y, gừng cũng có tính ấm nên được sử dụng phổ biến trong trường hợp để giải độc và kích thích hệ tiêu hóa. Để xử trí chướng bụng ở trẻ nhỏ các bà mẹ có thể sử dụng cách này để giúp lượng khí còn thừa trong dạ dày xuống ruột non làm dạ dày trở nên trống rỗng hơn, giúp giảm đầy hơi.
Cách thực hiện: Sử dụng một củ gừng đã phơi khô và hãm cùng với nước nóng như hãm trà, sau đó chắt lấy nước và cho trẻ uống. Có thể pha loãng nước gừng trên để an toàn hơn cho trẻ nhỏ khi dạ dày còn non yếu của trẻ. Lưu ý phương pháp này cũng chỉ nên sử dụng cho trẻ trên 3 tháng tuổi, đối với những trẻ nhỏ hơn mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.
Hỗ trợ giúp trẻ ợ hơi
Đây là cách được các bác sĩ khuyên mẹ nên làm sau khi cho các bé sơ sinh bú xong để giảm triệu chứng nôn trớ và trào ngược dạ dày - thực quản. Khi bé bị đầy bụng, việc này lại càng cần thiết hơn.
Cách thực hiện: Mẹ hãy bế bé sao cho đầu bé tựa vào mẹ, sau đó vỗ nhẹ nhàng lưng bé cho đến khi bé phát ra những tiếng ợ hơi.
Hỗ trợ giúp bé xì hơi
Mẹ hãy giúp trẻ đưa hơi từ dạ dày ra bằng cách ôm bé sát vào ngực, hơi ngả người ra sau hoặc mẹ bế bé sao cho bụng bé nằm ngang trên cánh tay mẹ. Sau đó, mẹ dùng tay vuốt lưng cho bé xì hơi dễ hơn.
Đối với trẻ sơ sinh, mẹ có thể đặt bé nằm ngửa, nắm chặt phần chân gần đầu gối, đẩy chân lên phía ngực, chân còn lại đẩy xuống phía dưới. Mẹ đổi bên và lặp lại động tác “đạp xe” này. Động tác này cũng giúp giảm lượng khí tích tụ trong dạ dày hiệu quả.
4. Nên làm gì để giúp hệ tiêu hóa của bé luôn khỏe mạnh?
Để hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh, giảm thiểu tình trạng chướng bụng, đầy hơi ở trẻ sơ sinh thì các bà mẹ phải lưu ý những điều sau đây:
- Thiết lập chế độ ăn đảm bảo đủ hàm lượng chất xơ mỗi ngày, cũng như những khoáng chất tốt cho đường tiêu hóa.
- Không tự ý mua thuốc chống đầy bụng khó tiêu cho trẻ sử dụng khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Bổ sung men vi sinh để cân bằng hệ vi sinh đường ruột và tránh đầy hơi, chướng bụng.
- Chia nhỏ bữa ăn, uống đủ nước, mặc quần áo thoáng mát, tránh mặc đồ chật chội sẽ ép lên bụng của bé gây tức bụng, đau bụng, khó thở.
- Mẹ cần cho bé ngủ đủ giấc trong không gian yên tĩnh.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp một số thông tin cần thiết về cách trị đầy bụng khó tiêu ở trẻ. Mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học nhằm hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu ở trẻ bú mẹ. Bên cạnh đó, khi xảy ra tình trạng trên trong thời gian dài kèm theo những triệu chứng khác, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và phát hiện kịp thời những bệnh lý đường tiêu hóa khác. cha mẹ tham khảo thêm kiến thức nuôi dạy giáo dục trẻ phát triển toàn diện cho con