Chị dâu mình mới sinh con. Vì đợt này lạnh nên Bunny nhà chị từ lúc sinh tới giờ mới tắm có mấy lần thôi. Hôm giữa tuần trước mình sang chơi thì thấy chị bọc Bunny kín mít luôn. Mình hỏi thì anh chị kêu là trời lạnh nên không dám cho Bunny tắm, chỉ sợ bé còn nhỏ ốm cái thì khổ. Mình thấy cũng đúng vì như bản thân mình lớn rồi mà vẫn ngại. Mỗi lần đi tắm là lại phải mất mươi mười lăm phút ngồi nghĩ xem mình có nên đi tắm không. Bởi vì, tắm xong rét lắm luôn ấy.

Anh chị mình còn bảo thôi để hôm nào trời ấm lên thì mới cho Bunny tắm. Thà để Bunny bẩn một tí còn hơn là bị bệnh. Thế nhưng sáng nay chị dâu gọi điện sang bảo nhờ đưa chị với Bunny đi khám vì chồng chị đi công tác rồi. Mình sang hỏi Bunny làm sao thì chị dâu kêu là không biết làm sao mà mấy hôm nay Bunny cứ quấy khóc hoài. Trong khi bình thường Bunny ngoan lắm, ít khóc cực ý. Chị dâu mở quần áo ra xem thì thấy lưng Bunny nổi đầy các nốt li ti như kiểu bị phát ban, dị ứng ấy. Thế nên sáng nay chị mới vội bảo mình đưa đi khám.

Tới bệnh viện, bác sĩ khám xong thì hỏi là dạo này chị có tắm cho Bunny không. Nghe chị bảo lạnh nên không cho Bunny tắm, bác sĩ không khỏi thở dài vì suy nghĩ ‘lạc hậu’ của chị. Nghe bác sĩ nói thế mình cũng giật mình vì không nghĩ tới việc không tắm cho con trẻ trong ngày lạnh lại chẳng hề tốt như chúng ta vẫn nghĩ ấy.

Sau đấy chiều nay mình về thì có tìm hiểu thêm về chuyện tắm cho con trong những ngày lạnh. Hóa ra đã có nhiều bài báo do các bác sĩ chia sẻ vấn đề liên quan này rồi đấy ạ. Các mẹ lắng nghe mà rút kinh nghiệm nè.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sợ con bị cảm lạnh, ốm nên cha mẹ không tắm cho con, chỉ thay quần áo, việc này liệu có đúng?

Theo Ths. BS Đỗ Thiên Hải (Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Khi trời chuyển lạnh, nhiều bố mẹ vì lo lắng con lạnh nên mặc quần áo dày cho bé. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh thì cha mẹ còn quấn kèm vài lớp chăn bông để giữ ấm. Thế nhưng, việc này có thể gây hại cho trẻ. Bởi khi ủ ấm kỹ quá bé sẽ bị nóng và toát mồ hôi. Tuy nhiên, vì lớp quần áo dày quá khiến mồ hôi không được thoát ra được nên sẽ thấm vào quần áo và khiến bé bị lạnh. Nếu không kịp thời phát hiện và lau khô thì bé rất dễ bị ốm, gây viêm phế quản.

Không chỉ thế, việc không tắm cho trẻ mà chỉ thay quần áo trong mùa lạnh cũng không hề đúng. Bởi, việc thay quần áo bên ngoài mà không lau rửa nhất là ở bộ phận như khuỷu tay, cổ, nách, bẹn… thì sẽ gây ngứa ngáy khó chịu. Đồng thời còn khiến bé dễ bị vi khuẩn có hại tấn công, không tốt cho sức khỏe. Vì thế, BS. Hải khuyến cáo: Khi nhiệt độ xuống thấp thì phụ huynh vẫn cần phải tắ cho con. Nếu không thể ngày nào cũng tắm thì ít nhất cũng phải tắm 2 – 3 lần/tuần. Tuy nhiên, khi con không tắm thì cha mẹ vẫn phải thay quần áo và rửa ráy sạch sẽ hàng ngày.

hình ảnh

Hình minh họa, internet

Đồng tình với ý kiến này, Ths. BS Nguyễn Văn Lộ (Nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Dù trời lạnh thì cha mẹ vẫn nên tắm cho trẻ thường xuyên. Bởi, ở trẻ nhỏ quá trình trao đổi chất diễn ra rất nhanh. Do đó, các chất bài tiết mạnh nên da bé rất nhanh bị bẩn. Nếu không được tắm rửa thường xuyên thì da sẽ bị bít lỗ chân lông, gây viêm nhiễm, ngứa ngáy khiến bé khó chịu.

Ông Lộ nhấn mạnh rằng càng trẻ nhỏ thì càng cần được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên. Cha mẹ có thể tắm hàng ngày hoặc cách ngày phải cho bé tắm một lần. Khi tắm, mẹ nên tắm cho bé trong phòng kín, để máy sưởi hoặc điều hòa sao cho nhiệt độ phòng ấm tầm 28 – 29 độ C. Trước khi tắm là phải chuẩn bị sẵn khăn ấm để lau người, mặc đồ cho bé. Đồng thời, mẹ cũng nên tắm nhanh cho bé bằng nước ấm từ dưới chân trước rồi mới lên trên, gội đầu cuối cùng. Việc chỉ lau người cho bé sẽ không thể sạch được, mà vẫn cần cởi quần áo của bé nên càng khiến bé bị nhiễm lạnh hơn.

Lưu ý khi tắm cho trẻ để hạn chiếc việc con trẻ bị nhiễm lạnh

Theo BS. Hải, để phòng trường hợp con bị nhiễm lạnh khi tắm thì các mẹ cần lưu ý những điều sau:

+ Không nên cởi toàn bộ quần áo của con ra mà tắm theo từng bộ phận, tắm tới đâu cởi đến đó.

+ Thời gian tắm cho bé trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút, tránh tắm cho bé quá sớm hoặc quá muộn trong ngày. Thời điểm lý tưởng để tắm cho bé là từ 10h – 10h30 và 15-16h chiều.

+ Không nên pha nước tắm cho bé nóng quá vì bé có thể bị bỏng. Mẹ nên dùng tay cảm nhận thấy nước đủ ấm với mình thì tức là nóng với trẻ. Do đó, tốt nhất là cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước thích hợp cho bé.

+ Tắm cho trẻ xong, mẹ cần dùng khăn bông lau khô người và mặc đồ nhanh cho bé.

+ Trong những ngày giá rét thế này thì nên dùng đèn sưởi khi tắm cho bé.

Nguồn: Tổng hợp