Thời tiết ở nước ta đang có sự chuyển giao từ lạnh sang nóng ẩm ở miền Bắc và từ khô sang mưa ở miền Nam. Đây là thời điểm mà trẻ dễ mắc nhiều bệnh như sốt xuất huyết, sốt virus…

Ở những bệnh này, đặc điểm chung của trẻ đều là sốt. Và sốt nếu không biết cách xử lý có thể dẫn tới co giật hoặc gây ra hậu quả khôn lường. Vì vậy, trong nhà nếu có trẻ bị sốt thì khiến cả gia đình lo lắng không thôi. Mặc dù đây là phản ứng hay gặp của cơ thể trẻ với các tác nhân gây hại nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách chăm sóc trẻ bị sốt thế nào cho hợp lý.

Mới đây, mình đọc trên Sức khỏe & Đời sống, TS. BS Lê Thị Thu Hương (chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã có chia sẻ thông tin để hỗ trợ cha mẹ. Các vấn đề thắc mắc thường gặp đều đã được bác sĩ giải thích. Mình xin được chia sẻ lại ở bên dưới, các mẹ cùng theo dõi nhé.

hình ảnh

Bác sĩ giải đáp các băn khoăn của mẹ chăm sóc trẻ sốt. Ảnh minh họa, nguồn: Sohu

Trẻ con bị sốt có nên đắp chăn kín gió để vã mồ hôi không?

Không ít người cho rằng: Khi con trẻ bị sốt thì nên quấn chăn, đắp kín cho đỡ bị gió và để mồ hôi ra thì mới hạ sốt được. Về vấn đề này, TS. BS Lê Thị Thu Hương giải đáp như sau:

Trẻ sốt thì không nên quấn chăn kín. Bởi, việc này sẽ khiến trẻ bị tăng nhiệt độ. Nếu sốt cao không hạ thân nhiệt kịp thời, hệ thần kinh trung ương có thể bị ảnh hưởng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sốt co giật, cơ thể tím tái. Thậm chí là nguy hiểm tới sự sống của trẻ. Còn về việc vã mồ hôi để thoát nhiệt thì chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt là nhiệt sẽ thoát được ra bên ngoài cơ thể qua da.

Vì thế, nguyên tắc quan trọng khi chăm sóc trẻ bị sốt là không được đắp chăn và không được đóng kín cửa mà mở cửa để không khí trong nhà lưu thông. Tuy nhiên, cần chú ý không để gió thổi trực tiếp vào người của trẻ. Đồng thời, mẹ không nên cho trẻ mặc nhiều quần áo dày nhưng cũng không được phong phanh, hãy giữ thân nhiệt ổn định.

Để hạ nhiệt cho trẻ, cha mẹ nên chườm ấm hoặc lau khăn ấm khắp người, nhất là vùng nách, bẹn để giảm hân nhiệt. Bên cạnh đó, hãy cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, có thể dùng oresol để bù nước nếu bị mất nước quá nhiều.

Đối với trẻ bị sốt mà vẫn còn đang ti mẹ thì nên tăng lượng và cữ để cung cấp đủ nước lẫn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Nhiều phụ huynh cũng lo ngại, việc cho con nhỏ uống hạ sốt sẽ ảnh hưởng đến gan

Liên quan tới vấn đề này, BS. Hương cho hay: Thuốc hạ sốt chuyển hóa qua gan. Vì thế, mẹ cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ là được, thuốc được dùng tính theo cân nặng của từng bé nên không phải bé nào cũng giống nhau.

Khi trẻ sốt trên 39 độ sẽ có nguy cơ gây co giật. Lúc này, mẹ mới cần cho bé uống thuốc. Nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol với liều lượng: 10-15mg/kg/lần cách 4-6h/ lần.

hình ảnh

Trẻ nên đi khám nếu thấy có điều bất thường. Ảnh minh họa, nguồn: KK News

Có một số trẻ vừa bị sốt kèm đi ngoài và ói thì sao?

Theo BS. Hương, trẻ vừa bị đi ngoài, sốt và ói thì sẽ rất mệt. Bởi, không chỉ thân nhiệt bé tăng lên mà còn bị mất nước và điện giải. Vì thế, nếu bé gặp trường hợp này, cha mẹ nên:

+ Cho bé uống nhiều nước – sữa hoặc hoa quả.

+ Bổ sung vitamin B, D, kẽm và lợi khuẩn cho bé.

+ Tăng cường dinh dưỡng theo nguyên tắc nấu đồ ăn nhừ, nấu kĩ, giữ vệ sinh, chia nhỏ bữa cho dễ tiêu. Đồng thời, nên dùng thức ăn giàu đạm và đa dạng.

Những việc này nhằm tăng cường sức khỏe, giúp bé đỡ cảm thấy mệt mỏi và nhanh phục hồi hơn.

Con bị ốm có nhất thiết dùng thuốc Tây không? Khi nào cần đi bác sĩ?

Có mẹ còn hỏi BS. Hương, con sốt ngày đầu, người lớn bên nội trong nhà cứ nói không cần đi bác sĩ mà cho uống nước lá và đông y là khỏi mà đỡ hại. Nhưng từ nhỏ, người mẹ này đã được nuôi theo kiểu, ốm thì uống thuốc Tây. Vì vậy, chị không biết rốt cuộc là bên nội đúng hay bên ngoại đúng.

BS. Hương cho hay, trẻ nếu sốt trên 39 độ thì nên cho bé dùng thuốc có thành phần paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg/lần cách 4-6h/ lần.

Trong trường hợp, bé vẫn tỉnh táo, ăn chơi bình thường thì cho theo dõi thêm ở nhà. Nhưng nếu bé mệt, quấy khóc, ăn kém hay sốt từ 3 ngày trở lên thì nên cho đi khám bác sĩ.

Đặc biệt, nếu bé có dấu hiệu bú kém và ngủ li bì thì phải cho đi viện ngay. Bởi, đây là những dấu hiệu nguy hiểm.

‎Trên đây là những thông tin mà BS. Thu Hương đã chia sẻ với báo chí xoay quanh việc chăm sóc con trẻ bị sốt. Ở thời điểm này, cô vít vẫn chưa hết mà lại còn nhiều dịch bệnh theo mùa hè ‘ập’ tới. Vì thế, các mẹ nên để ý nhiều hơn. Nếu có điểm bất thường như đã nói thì đưa bé đi viện ngay cho chắc nhé.

Nguồn: Tổng hợp