Bé nhà em ốm mà chẳng dám cho vào viện Nhi các mẹ ạ. Vì mấy hôm trước em đọc báo thấy bảo trong viện quá tải, chẳng có chỗ ý. Giờ đang giao mùa, đủ thứ bệnh mà lại còn thêm virus Adeno nữa. Con virus này đã khiến 7 trường hợp không qua khỏi rồi nên khi con sốt, em lo lắm luôn các mẹ.

Không dám cho con vào viện Nhi, em vội tìm các bệnh viện tư với cả nơi xét nghiệm virus Adeno. Tưởng viện tư thì thưa, ai dè cũng đông lắm luôn các mẹ. Tốn một mớ tiền cả khám và làm xét nghiệm, cuối cùng bác sĩ kết luận bé sốt do viêm amidan bình thường thôi. Em thở phào nhẹ nhõm luôn, thôi thì tốn tiền mà yên tâm còn hơn, chứ giờ chả biết đường nào mà lần.

Nãy trên đường về nhà, em có lướt báo thì thấy cũng không ít mẹ mang tâm trạng như em. Vì lo lắng nên chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để xác định xem con có bị làm sao không.

Em chia sẻ lại bài báo ở bên dưới, chắc hẳn nhiều mẹ thấy đồng cảm lắm đấy.

Khu vực khám của bệnh viện Nhi Trung ương quá tải

Khu vực khám của bệnh viện Nhi Trung ương quá tải. Ảnh: Tuổi trẻ

Bỏ tiền triệu cho 1 lần xét nghiệm

Chị Quỳnh Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) có cậu con trai 4 tuổi. Sau vài ngày đi học mẫu giáo, con chị bỗng sốt cao hơn 39 độ kèm triệu chứng đau bụng, mắt đỏ và ra nhiều nhử. Thử tìm kiếm thông tin trên google thì thấy con dường như có triệu chứng nhiễm Adenovirus.

Thay vì đi khám, chị nhanh chóng liên hệ tới nơi lấy mẫu xét nghiệm cho con với giá hơn 1 triệu đồng/lần. Song, vì dịch vụ lấy mẫu đang quá tải nên chị buộc phải chờ đợi.

Còn chị Hoàng Oanh (Long Biên, Hà Nội) thì có con trai 9 tuổi. Lớp của con chị có đến gần ¼ trẻ phải nghỉ học do có triệu chứng nhiễm virus Adeno. Dù con chưa có biểu hiện gì nhưng vì lo lắng, chị vẫn cho con nghỉ học và cuống cuồng tìm nơi xét nghiệm cho hai con.

Tờ Vietnamnet đưa tin: Khảo sát tại một số cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám xét nghiệm virus Adeno ở Hà Nội có nhiều mức giá khác nhau. Chẳng hạn, test nhanh chẩn đoán căn nguyên virus Adeno gây bệnh đường tiêu hóa (lấy mẫu phân) thì có giá khoảng 230.000 đồng. Sau 1 – 2 tiếng làm xét nghiệm sẽ có kết quả. Còn xét nghiệm lấy mẫu máu thì đắt hơn, có giá 390.000 đồng.

Riêng xét nghiệm PCR thì có giá từ 850.000-1.2 triệu đồng/mẫu. Với xét nghiệm này, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu đờm, dịch tỵ hầu, dịch phế quản hoặc que tăm bông ngoáy dịch hậu môn. Nếu sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại nhà thì giá còn đắt hơn.

Nhiều phụ huynh lo lắng nên đưa con đi khám, làm xét nghiệm

Nhiều phụ huynh lo lắng nên đưa con đi khám, làm xét nghiệm. Ảnh minh họa, nguồn: imsilkroad

Chuyên gia khuyến cáo: Phụ huynh không nên đổ xô đưa con đi xét nghiệm

Các bệnh viện hiện nay đang quá tải vì số trẻ đến khám tăng cao. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng được chỉ định xét nghiệm tìm virus. Dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn có nguyện vọng làm xét nghiệm cho con. Trong khi đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Phụ huynh không nên lo lắng thái quá mà đổ xô đưa con đi xét nghiệm Adenovirus.

Theo BS. Đào Trường Giang (BV Đa khoa Xanh Pôn) phân tích: Virus Adeno cũng giống các loại virus khác. Hiện, nó chưa có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị các triệu chứng. Thậm chí, nhiều bệnh nhân nhiễm virus nhẹ có thể tự khỏi mà không cần chữa trị.

Các bác sĩ chỉ chỉ định xét nghiệm trong một số trường hợp nhất định như những ca bệnh nặng. Hoặc trường hợp kết quả xét nghiệm dùng làm cơ sở để sử dụng thuốc kháng virus.

Bác sĩ khuyến cáo không phải trường hợp nào cũng cần làm xét nghiệm hay nhập viện điều trị

Bác sĩ khuyến cáo không phải trường hợp nào cũng cần làm xét nghiệm hay nhập viện điều trị. Ảnh: Tuổi trẻ

Một bác sĩ của BV Nhi Trung ương cho hay: Về mặt lý thuyết, những trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc với người xác định nhiễm virus như ở cùng nhà, cùng lớp… Hoặc người có biểu hiện viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, rối loạn tiêu hóa… thì có thể chỉ định làm xét nghiệm.

Vị bác sĩ này cũng nói thêm: Điều trị Adenovirus chưa có thuốc đặc trị. Còn vấn đề chỉ định xét nghiệm thì cần cân nhắc, không phải ai cũng cần phải làm. Những ca bệnh có diễn biến lâm sàng rầm rộ như sốt cao, ho, khó thở, tổn thương phổi, tổn thương nhiều… thì cần làm xét nghiệm để tiên lượng và có chỉ định điều trị thích hợp.

BS. Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM) khuyên phụ huynh cần bình tĩnh. Ông cho rằng, việc đưa con đi xét nghiệm bên cạnh gây lãng phí, tốn kém còn khiến trẻ khó chịu vì phải lấy mẫu.

Theo ông, Adeno cũng giống như các loại virus hợp bào và cúm. Chúng xuất hiện quanh năm và đều gây bệnh cho người. Người bệnh có biểu hiện nóng, ho, sổ mũi, nặng hơn thì khó thở phải tới bệnh viện.

Bệnh này hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ‘đa số mắc rồi tự hết’. Chỉ có những trường hợp nặng mới phải nhập viện để phòng bội nhiễm. Những trẻ bị nặng thường là vì miễn dịch kém, có bệnh nền như tim bẩm sinh, bệnh não, phổi mạn tính, nhiễm thêm vi trùng nhất là vi trùng kháng thuốc.

Do đó, ông cho rằng: Phụ huynh không nên tự ý đưa con đi xét nghiệm hay muốn cho con nhập viện điều trị cho… an tâm. Tốt nhất, nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nào thì trẻ nhiễm Adeno mới cần nhập viện điều trị?

Theo đó, trẻ cần nhập viện khi có những biểu hiện sau:

+ Khó thở, thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.

+ Xuất hiện tình trạng suy hô hấp hoặc giảm oxy máu, tím tái, SpO 2 < 94%

+ Có dấu hiệu nặng toàn thân như nôn không uống thuốc được, li bì, nhiễm trùng nặng.

+ Bị bệnh nền nặng như phổi mạn tính, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…

+ Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy tổn thương nặng, hoại tử phổi, abces phổi, TDMP, TKMP.

Trường hợp trẻ có những biểu hiện sau sẽ được chuyển tuyến dưới điều trị ổn định:

+ Không suy hô hấp, SpO2 từ 94% trở lên, không bị tím tái.

+ Giảm khó thở.

+ Hết sốt

+ Tự ăn được bằng đường miệng

+ Rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Giờ đúng là lo lắng thật vì lượng trẻ bị bệnh nhiều, lại thêm thời tiết giao mùa nữa. Nhưng các mẹ cũng đừng hoang mang quá, nên nghe theo lời bác sĩ, chuyên gia khuyến cáo thông qua báo chí ý. Chứ nhiều khi chúng ta cứ lo quá lại mệt cả mẹ lẫn con.