Các bậc làm cha mẹ ai cũng hy vọng con sau này sẽ thành công. Người thì mong muốn con sau này trở thành người tài, thành ông nọ bà kia. Người lại muốn con sau này giàu có. Cũng có người lại muốn con ở tầng lớp trí thức. Nhưng cũng có những người đơn giản chỉ muốn con sống vui, sống khỏe, còn con sau này là người thế nào do bản thân con quyết định. Chúng ta khó để mà nói rằng những người đặt kỳ vọng lớn lao, muốn con phải thế này thế kia là sai hay đúng.
Chỉ có điều, kỳ vọng nhưng đừng quá tạo áp lực cho con cái. Nhìn tụi nhỏ đi học bây giờ mà thấy mệt mỏi, thương quá.
Ngẫm lại chúng ta ngày xưa, bố mẹ cũng kỳ vọng nhưng không quá mức khắt khe ngày học ở trường, đêm học gia sư như bây giờ. Chúng ta được tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ với đủ các trò nghịch ngợm. Nhưng chẳng phải giờ đây chúng ta vẫn nên người đó sao. Vậy thì tại sao phải tạo áp lực lên con cái như thế?
Báo chí cũng đưa tin rất nhiều về những trường hợp con cái bị vấn đề về tâm lý do áp lực từ cha mẹ rồi. Thậm chí, có những đứa trẻ không thể chịu đựng được mà tìm cách tự kết thúc cuộc đời khi chưa đủ 16 nữa. Thương tâm biết bao nhiêu.
Mới đây, mình đọc báo lại cũng gặp một trường hợp tương tự. Cũng vì áp lực của gia đình mà cuối cùng cậu bé đang học cấp 2 ra đi như vậy.
Có những đứa trẻ học đến kiệt sức, vừa đeo bình oxy vẫn không rời cuốn sách. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Cậu học sinh cấp 2 qua đời tức tưởi vì áp lực học hành
Tiêu Chí là một nam sinh cấp 2 ở Trung Quốc. Cha mẹ cậu đều là người trong giới trí thức, tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng. Bởi vậy, họ cũng mong cậu tiếp nối truyền thống gia đình. Cha mẹ luôn đặt kỳ vọng cao vào cậu. Họ mong rằng cậu sẽ trở thành một kỹ sư cấp cao hoặc giám đốc điều hành một công ty. Hay chí ít cũng phải được như cha mẹ mình.
Để làm được điều đó, họ quản lý Tiêu Chí rất chặt chẽ. Thay vì để con được phát triển tự nhiên, có học có chơi thì từ khi còn ở mẫu giáo, Tiêu Chí đã phải đi học thêm. Từ thứ 2 – chủ nhật, không có hôm nào trống lịch cả. Lên tiểu học, lịch học lại càng dày hơn khiến Tiêu Chí không kịp thở.
Trong suốt những năm tháng ở tiểu học, điểm số của Tiêu Chí luôn đứng đầu lớp. Lên cấp 2, cậu thi vào một trường trung học cơ sở trọng điểm của địa phương.
Thế nhưng, lúc này họ lại phát hiện ra rằng ở trong môi trường mà tụ họp anh tài kiệt xuất đổ về, Tiêu Chí có phần đuối hơn hẳn. Bước vào môi trường mới, bạn bè lại giỏi giang mà Tiêu Chí từ nhỏ đến giờ chỉ có học hành theo sự sắp xếp của cha mẹ. Vì vậy, ngay từ đầu cậu đã không theo kịp.
Kỳ thi giữa kỳ năm lớp 6, cậu đứng thứ 50 toàn trường khiến cha mẹ cậu cảm thấy xấu hổ và ‘không thể chấp nhận được’ với đứa con mà họ vẫn luôn lấy làm tự hào.
Không thể chấp nhận kết quả đó, cha mẹ Tiêu Chí bắt đầu lên kế hoạch cho con trai. Lần này, thời gian học bài mỗi đêm của cậu tăng lên, lại còn bài tập ngoại khóa nữa. Không làm xong thì còn lâu mới được nghỉ ngơi. Mỗi ngày, cậu phải thức tới khuya mới hoàn thành được lượng bài tập khổng lồ. Cha mẹ thấy vậy thì vui nhưng chẳng ai biết rằng Tiêu Chí đang đứng trước bờ vực của sự suy kiệt về thể lực lẫn tinh thần.
Một đêm nọ, cha cậu bưng bát soup gà nóng hổi lên để tẩm bổ cho con trai. Lúc này, Tiêu Chí mệt mỏi nói với cha: ‘Bố ơi, con rất mệt và buồn ngủ lắm. Con nhắm mắt nghỉ ngơi một tí nhé’.
Người cha nghe nói thế thì đau lòng vô cùng nên để bát soup lại rồi đi ra, đóng cửa cho con nghỉ một tí. Vậy mà khi ông quay lại thì bát siup gà ‘nguội tanh nguội ngắt’, còn Tiêu Chí thì đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Ông vội vã đánh thức con nhưng cậu bé đã chẳng bao giờ tỉnh lại nữa.
Dù ông lập tức gọi cấp cứu đến bệnh viện, đưa con tới nơi có điều kiện y tế tốt nhất nhưng Tiêu Chí đã rời đi mãi mãi. Bác sĩ nói rằng: ‘Bệnh nhân quá mệt mỏi, bị kiệt sức nghiêm trọng nên đã bị ngừng tim đột ngột’.
Nghe lời bác sĩ nói, cha mẹ cậu không cầm được nước mắt. Người mẹ gào thét gọi tên con trong vô vọng, lòng đầy sự hối hận vì đã ‘vắt kiệt’ sức của con chỉ vì kỳ vọng của bản thân.
Cha mẹ đừng vì kỳ vọng của mình mà hủy hoại cuộc đời con trẻ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Cơ thể của trẻ không thể đủ sức khỏe để chịu áp lực quá lớn
Tất nhiên, nếu đọc báo thì mọi người có thể thấy những trường hợp như Tiêu Chí không thiếu. Có những đứa trẻ vì mang trong mình kỳ vọng của cha mẹ mà bị ảnh hưởng tâm lý rồi cuối cùng tự làm tổn thương bản thân. Những câu chuyện đau lòng như vậy chẳng phải ở Trung Quốc hay các quốc gia xa xôi, ngay tại Việt Nam thôi cũng có rất nhiều.
Cơ thể trẻ vốn còn đang trong giai đoạn phát triển. Ở tuổi thanh thiếu niên còn là lúc mà chúng dậy thì, đang là lúc nổi loạn và định hình tính cách. Lúc này, việc học tập và sinh hoạt dưới áp lực cao lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần mà chúng ta không thể cứu vãn được.
Áp lực tinh thần thực chất là phản ứng của cơ thể khi đối diện với tình huống quá tải với sức chịu đựng của bản thân.
Theo các chuyên gia, nếu thường xuyên bị căng thẳng, nhất là căng thẳng kéo dài thì dù là trẻ em hay người lớn cũng dễ gặp các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, cao huyết áp, đau ngực, các vấn đề về sinh lý và giấc ngủ. Nó cũng là nguyên nhân gây ra các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, hoảng loạn…
Người bị căng thẳng lâu ngày có thể gặp những vấn đề về sức khỏe như:
+ Vấn đề về sức khỏe tâm thần: Trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách.
+ Bệnh tim mạch, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ.
+ Béo phì và các rối loạn ăn uống.
+ Rối loạn chu kỳ ở phụ nữ.
+ Rối loạn chức năng sinh lý ở cả nam lẫn nữ.
+ Vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, đại tràng, hội chứng ruột kích thích…
Đọc những câu chuyện như này trên báo, thực sự mình thấy đau lòng quá. Nhìn vào thực trạng bây giờ, nhiều bậc phụ huynh chạy theo thành tích rồi đăng ký cho con đủ lớp học, học ngày học đêm, không có thời gian nghỉ. Đến bản thân chúng ta như vậy cũng còn chẳng chịu được nữa là con trẻ. Nói chung, cho con học thêm không xấu nhưng đừng ‘nhồi’ con tới mức thế các mẹ ạ.
Nguồn: Tổng hợp