Chắc chắn mọi người đều biết, gout là bệnh mãn tính vốn dĩ thường chỉ thấy ở những người già hoặc ít nhất cũng phải trung tuổi trở lên, vậy tại sao một đứa nhỏ 3 tuổi lại có thể mắc gout. Mình nghe mà ngỡ ngàng. Thế nhưng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật, vừa mới xảy ra thôi.
Mình vừa đọc trên báo về em bé này mới 3 tuổi đã bị gút rồi, thậm chí, bé còn bị sưng các khớp nhìn xót lắm mọi người ạ. Mọi người nên đọc để rút kinh nghiệm, đừng để đến lúc con cháu nhà mình cũng bệnh rồi mới hối nhé.
Sau khi bé gái 3 tuổi này được đưa đi bác sĩ khám, mới biết con bị gout do bà nội bé quanh năm suốt tháng cho cháu ăn món không hợp độ tuổi.
Bé gái họ Hạ này sống ở Huệ Châu, Quảng Đông, Trung Quốc. Cách đây không lâu mẹ bé bất ngờ phát hiện con bị mẩn đỏ và sưng tấy cả hai bàn tay sau khi ăn bát canh đậu mà ông bà nội bón. Thậm chí khi chạm vào tay, bé còn kêu đau thất thanh.
Không rõ con bị sao mà như vậy, nên bố mẹ đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra, kết quả phát hiện axit uric trong máu tăng cao, chẩn đoán bé bị bệnh gout. Đây vốn là căn bệnh tưởng như chỉ xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi.
Với kết quả này, không chỉ bố mẹ mà ngay cả Bác sĩ Trương Tuyết Trân, trưởng Khoa Nhi Bệnh viện nhân dân trung tâm thành phố Huệ Châu - là người khám cho bé cũng vô cùng bất ngờ, vì con mới chỉ 3 tuổi thôi.
Bà nội luôn cẩn thận chế biến món ăn cho cháu gái, ảnh: Sohu
Để tìm nguyên nhân, bác sĩ Trân đã hỏi kỹ bố mẹ bé về chế độ ăn uống hàng ngày của con gái họ, mới biết hóa ra bé gái bị bệnh gút là do bà nội quanh năm suốt tháng cho cháu ăn canh xương hầm đậm đặc.
Mẹ bé kể rằng, từ khi chào đời thì con gái họ được ông bà nội thương yêu vô cùng. Không chỉ chiều chuộng cháu mà còn chăm sóc rất kỹ. Cũng vì sợ cháu không đủ dinh dưỡng để lớn mau, nên bà nội ngày ngày cứ hầm canh xương, hầm súp để bổ sung dinh dưỡng cho cháu từ khi còn rất nhỏ.
Thực tế thì rất nhiều gia đình thích hầm canh xương, cho rằng ăn canh xương hầm, canh móng giò lợn thì có thể bổ sung canxi cho trẻ tốt hơn, con cũng mau cao lớn hơn, nhưng không nghĩ đến các tác hại khi ăn quá nhiều món này.
Vào buổi tối trước khi phát bệnh, bé được bà nội cho ăn bát canh đậu, sau khi ăn, bé lại xuất hiện tình trạng đau chân, 2 mắt cá chân đỏ và sưng tấy, ai chạm vào bé cũng kêu đau, bé không thể đi nổi và khóc không ngừng.
Bác sĩ Trân giải thích rằng, bát canh đậu trước khi bé phát bệnh cũng là một 'giọt nước tràn ly', vì thực tế món đậu tương là thực phẩm chứa nhiều nhân purin cao.
Trong khi nếu người bị gout ăn nhiều đậu, thì hàm lượng purin trong cơ thể sẽ tăng cao, từ đó dẫn đến tăng nhanh axit uric và làm trầm trọng thêm bệnh tình.
Không chỉ vậy, nó còn nguy cơ hình thành các tinh thể axit uric sắc nhọn, từ đó gây sưng tấy, đau nhức và được gọi là bệnh gout.
Và sự thật là sau khi ăn món canh đậu và món hầm bổ dưỡng, bé gái 3 tuổi này đã mắc bệnh gout. Đây là căn bệnh không chỉ gây đau nhức, nó còn khiến khớp bị cứng và biến dạng.
Rất nhiều mẹ có thói quen ninh xương để lấy nước nấu bột, cháo hoặc canh cho con và tin rằng nước xương hầm rất giàu canxi, nó cũng chứa tất cả những chất bổ tinh túy nhất của thực phẩm.
Hơn nữa, vị ngọt của nước hầm xương giúp bé cảm thấy ngon miệng, lại dễ tiêu hóa và giúp xương của bé chắc khỏe. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng thì không cho rằng như vậy.
Bác sĩ Trân nói rằng, sở dĩ canh xương hầm không nên ăn nhiều là vì khi ninh xương, nhìn màu trắng đục của nước xương tưởng rất nhiều canxi nhưng thực chất, hàm lượng canxi trong nước xương rất ít (2-4mg/100ml, trong khi canxi của sữa là 100-150mg/100ml). Và màu trắng đục này chính là chất béo và purine.
Khớp tay của tiểu Hạ, ảnh: Sohu
Khi cơ thể dung nạp quá nhiều chất béo từ xương hầm như vậy, rất dễ gây ra tình trạng béo phì. Nếu thời gian dài ăn canh xương có nhiều purine còn có thể dẫn đến bệnh mỡ máu cao, axit uric cao.
Ngoài ra, món canh xương cũng rất ít đạm và nếu có hàm lượng đạm thì sẽ nằm chủ yếu ở phần thịt của xương, Vậy nên nếu chỉ ăn canh xương sẽ không bổ sung đủ lượng đạm mà cơ thể cần.
Từ trường hợp bé gái 3 tuổi ở trên, bác sĩ nhắc nhở mọi người, bất cứ thứ gì bổ dưỡng cũng cần ăn ở mức độ vừa phải, không thể cứ bổ là ăn mãi, sẽ gây ra tác hại xấu cho sức khoẻ, dễ mắc các bệnh nguy hiểm.
Cho bé ăn xương hầm cũng cần lượng vừa phải, 1 tuần chỉ nên dùng cho bé 1-2 lần nước hầm xương, và nên thay đổi các loại như xương sườn, xương hom lợn, xương gà… chứ không nhất thiết là xương ống.
Ngoài ra, cần đảm bảo con được ăn thêm cả phần thịt, hơn nữa cũng nên bổ sung tôm, cá, rau xanh, hoa quả và các loại thịt khác cho trẻ... để con được cung cấp đủ chất.
Lớp chất béo trong nước hầm xương không thực sự tốt cho trẻ, vì thế mẹ nên loại bỏ phần này ra khỏi nước hầm xương của bé, bằng cách hớt bỏ phần váng mỡ nổi lên trong quá trình hầm xương, hoặc sau khi hầm xong thì cho nước hầm vào tủ lạnh vài tiếng, để lớp mỡ này nổi và đóng cục lên bề mặt rồi vớt bỏ.
Tóm lại là việc dùng nước hầm xương nấu cháo cho bé là không thực sự cần thiết. Thực tế thì các thực phẩm tự nhiên như rau củ, thịt, cá, trái cây… tự nó đã có độ ngọt và hương vị riêng rồi.
Nên mẹ hạn chế cho con ăn để không xảy ra hậu quả đáng tiếc như bé gái 3 tuổi nói trên nha.