Hạ sốt là việc cần làm ngay để con bớt khó chịu và không gây biến chứng, nhưng phải đúng cách nha.
Thông thường khi bé bị sốt, mẹ sẽ nghĩ ngay đến việc làm thế nào để con hạ sốt thật nhanh. Vậy nhưng việc mẹ không đo chính xác nhiệt độ, ủ ấm hay chườm lạnh, cho uống thuốc hạ sốt không đúng cách đều có thể khiến tình trạng của con càng nghiêm trọng hơn.
Hạ sốt là việc cần làm ngay để con bớt khó chịu. Ảnh minh họa
Vậy nên mẹ cần tìm hiểu kỹ để phòng khi con bị sốt thì xử lý đúng cách nhé.
5 sai lầm khi hạ sốt cho trẻ nhiều người mắc như sau:
Khi trẻ bị sốt, nhiều bố mẹ lại mắc một số sai lầm trong khi chăm sóc bé, khiến tình trạng của con ngày càng xấu đi. Những sai lầm này bao gồm:
1. Đắp thêm chăn, mặc ấm khi trẻ sốt do cảm lạnh
Khi con không may bị cảm lạnh thì cơ thể thường sẽ cảm thấy lạnh. Nên có không ít mẹ hay có tâm lý cho con mặc thêm quần áo hoặc đắp thêm chăn để bớt lạnh khi bé bị cảm lạnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, điều này sẽ khiến nhiệt độ cơ thể của bé tăng lên, khiến bé bị sốt cao hơn, dễ dẫn đến tình trạng co giật và tím tái. Do đó, các mẹ không được mắc sai lầm hạ sốt này.
2. Hạ sốt nhanh
Theo bác sĩ Dũng, khi thấy con bị sốt thì trong 10 mẹ sẽ có đến 9 mẹ tìm cách hạ sốt thật nhanh cho con. Vậy nhưng các mẹ không biết rằng, việc hạ sốt cấp tốc như vậy sẽ khiến cho nhiệt độ cơ thể đột ngột hạ xuống, sẽ khiến con rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Do đó, tốt nhất là mẹ nên hạ sốt cho con từ từ thôi, sau 1 – 2 giờ nhiệt độ cơ thể bé hạ xuống là được.
3. Dùng miếng dán hạ sốt
Thực ra miếng dán hạ sốt không hề có tác dụng hạ sốt như nhiều người nghĩ.
Bác sĩ Phí Văn Công, Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi, bệnh viện Xanh Pôn nói rằng mình đã gặp rất nhiều mẹ đưa con đến viện khám, cấp cứu vì sốt. Và trên trán bé nào cũng có miếng dán hạ sốt, thậm chí mọi người gọi đó là miếng dán ‘quốc dân’.
Vậy nhưng theo bác sĩ Công, miếng dán hạ sốt này thật ra không có tác dụng hạ sốt, mà nó chỉ có tính… giải trí thôi. Vì rất nhiều em bé cứ thích thú khi được dán miếng dán này.
Bác sĩ Công giải thích, cơ chế hoạt động của miếng dán hạ sốt này cũng giống như chườm mát. Do vậy mà nếu mẹ chỉ dán mỗi miếng lên trán, thì người bé thì vẫn nóng hầm hập.
Thực ra nếu mẹ dán xong rồi đo ở trán con thì có hạ nhiệt thật, nhưng nếu đo ở nách hoặc bộ phận khác thì vẫn nóng vậy...
4. Chườm lạnh khi sốt
Một sai lầm phổ biến khi hạ sốt cho các bé nữa mà nhiều mẹ mắc phải, đó chính là chườm lạnh khi con bị sốt.
Không được chườm lạnh khi trẻ bị sốt. Ảnh minh họa
Giải thích về việc chườm lạnh khi sốt, bác sĩ Công nói rằng, cách hạ sốt tốt nhất là chườm cho bé. Vậy nhưng không phải thấy bé sốt cao thì mẹ lấy nước lạnh để chườm cho con, mà phải dùng nước mát. Ngoài ra, nước ấm cũng không được.
Nước chườm khi sốt phải có nhiệt độ kém hơn nhiệt độ cơ thể từ 1 – 2 độ. Nếu lạnh quá thì sẽ khiến cho con dễ bị sốt cao hơn, còn khi chườm nóng thì con sẽ không thể hạ sốt được.
5. Uống thuốc hạ sốt sớm
Nhiều mẹ cứ thấy con hơi sốt đã cho uống thuốc là một sai lầm lớn. Theo bác sĩ Công, không phải lúc nào bé sốt cũng cần phải dùng đến thuốc. Nếu con sốt nhẹ từ 37,5 – 38 độ thì chưa cần phải dùng đến thuốc, mà lúc này chỉ cần cởi bớt quần áo cho bé, rồi cho con uống nhiều nước hoặc ti nhiều hơn là được.
Nếu nhiệt độ của con từ 38,5 trở đi, thì lúc này mới cần dùng thuốc. Hơn nữa, các mẹ cũng nên đo nhiệt độ ở nách cho bé mới là chính xác nhất, chứ không nên đặt ở miệng, ở trán hay hậu môn của bé.
>> Bài viết được đọc nhiều: 3 ngày con sốt, vào viện đã thở máy tiên lượng xấu: Giờ mẹ mới biết lý do, cầu xin phép màu
Vậy làm thể nào khi trẻ bị sốt?
Mỗi cách hạ sốt đều có những ưu nhược điểm nhất định, mẹ nên lưu ý để hạ sốt đúng cách cho con mình nha.
Mẹ tìm hiểu kỹ để hạ sốt đúng cách. Ảnh minh họa
1. Hạ sốt bằng cách lau mát
Khi bé bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, mẹ có kết hợp cách lau mát cơ thể cùng với việc dùng thuốc hạ sốt. Việc lau mát rất có hiệu quả nếu như bé được lau đúng cách.
Mẹ hãy pha nước có nhiệt độ dưới cơ thể bé tầm 1-2 độ C, lấy 6 chiếc khăn rồi nhúng vào nước, vắt nhẹ (không nên vắt kiệt nước). Sau đó để 4 khăn vào 2 hõm nách và 2 bẹn của bé, 1 đắp trên trán, còn khăn lau toàn thân. Cứ di chuyển và thay khăn nhúng nước liên tục cho đến khi nhiệt độ cơ thể bé giảm.
Mẹ nhớ là không dùng cách này khi bé đang ở trong môi trường lạnh. Bởi vì lạnh sẽ làm nước trong khăn nguội rất nhanh, như vậy sẽ khiến cho bé khó chịu. Hơn nữa, nước lạnh cũng sẽ làm co mạch máu gây giữ nhiệt trong cơ thể.
2. Cho con dùng thuốc hạ sốt
Nếu con bị sốt vừa hoặc sốt cao mà lau mát không hiệu quả, mẹ có thể cho con dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của y bác sĩ theo đúng độ tuổi, cân nặng của con. Nếu bé trẻ không uống được như đang ngủ hoặc nôn ói, mẹ có thể dùng viên đưa vào hậu môn với liều lượng tương tự.
3. Cần quan sát kỹ khi bé bị sốt
- Quan sát xem bé có ho, thở nhanh, thở khó, thở bất thường gì không
- Bé có bị đau hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể không?
- Quan sát xem bé có ăn uống tốt không, nôn ói, tiêu tiểu thế nào
- Xem có giảm sốt sau khi uống thuốc hạ sốt không?
- Quan sát xem bé có vui tươi, chơi đùa không
Tóm lại là mẹ có thể theo dõi và hạ sốt cho con tại nhà nếu bé vẫn tươi tỉnh, chơi ngoan, ăn uống bình thường, sắc da hồng hào, hết sốt trong vòng 2 ngày và không có dấu hiệu gì khác lạ.
Còn khi con có dấy hiệu bất thường, cần đưa con đi khám bác sĩ để được xử lý đúng cách và kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra với con.
>> Có thể bạn quan tâm: 4 món cháo nên cho trẻ ăn khi bị sốt: Nhờ biết sớm, mẹ nuôi 3 con nhàn tênh, ốm rất nhanh khỏi
Ngoài ra, mẹ cần cho bé uống thêm nước các loại như nước lọc, nước hoa quả... với những bé dưới 6 tháng đang bú mẹ hoàn toàn, thì mẹ tăng lượng bú lên cho con vì trong sữa mẹ đã có nước.
Mẹ cũng nhớ cho bé mặc quần áo mỏng, thoáng mát để mau hạ sốt, mẹ cũng cần cho bé ở trong phòng thoáng, thông gió, không đóng kín cửa nha..
Link bài tham khảo thêm:
12h đêm, con sốt 39 độ co giật: Bố bật dậy phản xạ như bác sĩ, mẹ ngồi khóc từ đầu đến cuối
Đêm con sốt 38 độ cả nhà chồng nói 'không sao đâu, mai tính', vào viện đã 'tiên lượng xấu'