Mấy hôm nay dịch covid-19 lại bùng phát trở lại rồi các mẹ, có mấy ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng với Quảng Ngãi. Điều đáng lo là tới giờ người ta vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm là ở đâu ấy. Giờ lại có thêm 12 ca nghi nhiễm rồi kìa các mẹ. Mà mình đọc báo thấy bảo chủng virus SARS-CoV-2 này còn biến đổi gen rồi nên có khả năng lây lan trong cộng đồng nhanh lắm. Hoang mang ghê.
Trong tình hình dịch covid-19 đang có xu hướng bùng phát trở lại thì ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, dịch bạch hầu vẫn chưa hạ nhiệt đâu. Mệt mỏi nhất là dịch này chọn đối tượng lây nhiễm chủ yếu là trẻ em. Mà tụi nhỏ thì sức đề kháng kém chứ. Lo ngại hơn là mình đọc báo còn thấy có 5 bé ở Quảng Trị dương tính với bạch hầu nhưng cả 5 bé này đều đã được tiêm phòng rồi ấy. Lo ghê, mình chỉ sợ hai dịch cùng bùng lên, dịch chồng dịch thôi. Khổ quá mà.
5 bệnh nhi ở Quảng Trị dương tính với bạch hầu đều đã tiêm vắc xin
Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Quảng Trị thì trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với bạch hầu. Cả 5 ca này đều ở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Đặc biệt, 5 bé này đều trong độ tuổi từ 7 – 9.
Hiện tại, 5 trường hợp này đang được điều trị tại trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh. Ảnh: internet
Bé đầu tiên bị mắc bệnh là H.T.T.M (9 tuổi) khởi phát bệnh hôm 10/7. Đến ngày 20/7, Viện Pasteur Nha Trang có kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với bệnh bạch hầu.
Ông Đỗ Văn Hùng (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị) cho biết: cả 5 trường hợp mắc bạch hầu đã được tiêm vắc xin phòng bệnh. Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguồn lây bệnh. Hiện tại, 5 trường hợp này được điều trị cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh.
Nói về trường hợp có những trường hợp dù đã tiêm phòng rồi nhưng vẫn dương tính, TS. Dương Thị Hồng (Phó viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) cho biết: vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao. Nó không chỉ tồn tại ở người bệnh mà còn ở những người lành mang vi khuẩn. Vì vậy, bệnh bạch hầu có thể bùng phát ở bất cứ nơi nào.
‘Một điểm đáng chú ý là miễn dịch đối với bệnh bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy cả người lớn và trẻ vị thành niên dù đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh trước đó khoảng 5 – 10 năm mà không được tiêm nhắc lại thì hoàn toàn có khả năng mắc bệnh’, PGS. Hồng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đừng chủ quan với bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn này tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.
Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng của người bệnh. Vi khuẩn bạch hầu còn có thể xâm nhập qua các vết thương hở trên da.
Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân sẽ có thể lây nhiễm cho người khác.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu gồm: Sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. 2 – 3 ngày sau, bệnh nhân sẽ xuất hiện giả mạc màu trắng ngà hoặc xám đen ở mặt sau hoặc hai bên thành họng. Lớp giả mạc này dai, dính, chỉ cần nhẹ bóc là sẽ chảy máu. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên nghiêm trọng và khiến người bệnh qua đời sau 6 – 10 ngày.
Ảnh chụp màn hình
Cách phòng bệnh bạch hầu:
Để phòng bệnh bạch hầu, mọi người cần:
+ Tiêm phòng vắc xin bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
+ Nắm rõ thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu để có thể phát hiện sớm triệu chứng của bệnh.
+ Nếu từng tiếp xúc với người bệnh phải đi xét nghiệm vi khuẩn và theo dõi trong 7 ngày, đồng thời tiêm kháng sinh Penicillin hoặc uống kháng sinh Erythromycon từ 7 – 10 ngày.
+ Những người tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu và người từng được tiêm vắc xin trước đây cần tiêm nhắc lại sau 5 – 10 năm.
+ Giữ không gian nhà ở, nơi giữ trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đầy đủ ánh sáng.
+ Tăng cường giám sát cà phát hiện các trường hợp bị viêm họng giả mạc để sớm phát hiện bệnh, không để bệnh bùng phát thành dịch.
+ Sát trùng tất cả những vật dụng có liên quan tới người bệnh bằng dung dịch khử khuẩn, bát đũa, chăn màn, quần áo của người bệnh phải được luộc sôi để khử khuẩn. Đồ dùng như sách vở, đồ chơi… thì phải mang phơi nắng.
Nguồn: Tổng hợp