Thấy con sốt đến mức co giật thì hầu như mẹ nào chả cuống lên, tôi cũng vậy và không biết phải làm gì mà chỉ biết khóc. Cũng may ông chồng vẫn bình tĩnh xử lý, nhờ vậy mà con qua được cơn nguy kịch.
Sau đó 2 vợ chồng đưa con đi vào viện, kể lại sự tình thì bác sĩ bảo cũng may chồng tôi xử lý kịp thời, chứ không sẽ rất nguy hiểm. Giờ con ổn rồi, tôi mới vào chia sẻ câu chuyện của mình để các mẹ tham khảo, xử lý đúng cách khi gặp tình huống tương tự nha.
Con sốt 39 độ khiến tôi luống cuống. Ảnh minh họa/Nguồn: QQ
Con tôi mới được 6 tháng, từ lúc sinh đến giờ cũng vài lần bị sốt, đi ngoài nhưng nói chung là không quá nặng. Hơn tuần trước, đúng 12h đêm đang ngủ tự dưng sờ người thấy con nóng ran, lúc đo nhiệt độ con 39 độ thì rất hoảng hốt, tôi đang định dậy lấy thuốc hạ sốt thì con bắt đầu khóc và nôn nhiều.
Chỉ vài phút sau, con đột nhiên bị co giật, người đang hồng hào chuyển sang màu tái nhợt rồi tím tái dần, mọi thứ diễn ra quá nhanh, tôi luống cuống không biết phải làm gì, tay vẫn ôm con mà chỉ biết khóc nức nở.
Đúng lúc đó, ông chồng nằm bên cạnh bật dậy. Ông giật con trên tay tôi rồi bắt đầu 'xử lý tình huống'. Cũng may ông xã tôi là người hay đọc sách báo, nên học được cách xử lý trong tình huống khẩn cấp thế này.
Đầu tiên anh đặt con xuống giường, tôi thấy anh nhẹ nhàng nhấc 1 chân của con 1 co lên (để con 1 chân co, 1 chân duỗi). Tiếp theo anh xoay để con nằm nghiêng sang một bên. (về sau khi bình tĩnh lại anh có giải thích với tôi là làm như vậy để tránh việc con bị co giật sẽ bị ói, khiến thức ăn từ chất ói lọt vào đường thở gây nguy hiểm. Đúng là tôi chỉ biết há hốc mồm nghe)
Sau đó anh tháo khăn sữa đang cuốn ở cổ con ra, cởi bớt cúc áo trên cùng để cổ con được nới lỏng, thoáng.
Chồng bảo tôi đi lấy thuốc hạ sống cho con uống. Tôi vừa lau nước mắt vừa làm theo. Nhà có trẻ con nên thường trữ sẵn thuốc Paracetamol dạng bột và dạng viên đạn. Bình thường hay pha thuốc bột cho con khi sốt, nhưng hôm đó do con đang co giật, nên anh bảo tôi lấy 1 viên dạng viên đạng đút vào h ậu môn.
Nhờ được xử lý đúng cách mà con tôi qua cơn nguy kịch. Ảnh minh họa/Nguồn: Health
Đặt thuốc cho con xong, trong lúc chờ đợi thì 2 vợ chồng bắt đầu chườm ấm. Lúc này con đã bắt đầu hồng hào dần và hết co giật. Anh bảo tôi cứ đi nghỉ ngơi nhưng tôi chỉ nằm xuống bên cạnh và tiếp tục theo dõi. Chồng tôi ít chăm con nhưng phải công nhận anh là người yêu con và luôn biết đề phòng những tình huống nguy hiểm. Thuốc trong nhà cũng là một tay anh sắm sửa sẵn.
Tôi nằm xuống bên cạnh, nhìn anh lấy mấy cái khăn sữa sạch, nhúng nước ấm rồi đặt ở nách, bẹn và sau mang tai của con.
Cứ thế 2-3 phút lại thấy anh đem khăn đi nhúng lại rồi lại đặt vào các vị trí đó. May mắn là 30 phút sau con hết sốt và không co giật nữa các mẹ ạ. Dù thế nhưng 2 vợ chồng vẫn quyết định cho con vào viện để biết nguyên nhân tại sao lại sốt. Bác sĩ bảo bị sốt vi rút các mẹ ạ. Về nhà theo dõi thôi chứ giờ có được nằm viện đâu, đông lắm.
Tôi chia sẻ lên đây để các mẹ biết xử lý cơn co giật và hạ sốt cho con tại nhà cho đúng nha, cũng chỉ mấy bước đơn giản vậy thôi, nhưng các mẹ nhớ có vài lưu ý thế này để tránh xảy ra sự cố không mong muốn nha. Cái này cũng chính là chồng tôi đã nói với tôi đấy.
Cụ thể là các mẹ nhớ là khi con bị co giật, không được cho bất cứ thứ gì vào trong miệng hoặc cố gắng nạy răng của con nha. Cũng không được đè bé hoặc cố gắng dùng sức để kìm cơn co giật của con.
Cũng không được dùng nước đá để làm mát cho con khi bị sốt, vì sẽ gây co mạch làm chậm trễ quá trình giải nhiệt.
Sau khi con hạ sốt và hết co giật rồi, cũng nên đưa con đến bác sĩ để kiểm tra con sốt là do nguyên nhân gì để xử lý đúng nha. Vì sốt có thể do nhiễm vi khuẩn, virus, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý ác tính... tóm lại là cứ để con ở nhà sẽ không thể biết được.
Hơn nữa, sốt co giật còn dễ tái phát, nên tốt nhất là đừng chủ quan.
Cũng vì sốt co giật ở trẻ rất dễ tái phát, nên các mẹ cần xử lý ngay khi thấy con bị sốt thì sẽ phòng tránh được các cơn co giật xảy ra. Một số cách phòng co giật thế này:
Khi thấy con bị sốt thì nên đưa bé đi khám để tìm nguyên nhân và được bác sĩ hướng dẫn mẹ cách phòng tránh các cơn co giật cho con. Ngoài ra, cần cho bé uống nhiều nước hoặc các chất điện giải bù nước khi bị sốt.
Cho bé mặc quần áo nhẹ, thoáng và nhớ là không được ủ ấm cho bé. Các mẹ theo dõi nhiệt độ của con liên tục bằng nhiệt kế để phòng khi con sốt quá cao nha.
Tóm lại trẻ con bị sốt rất thường gặp, nhưng các mẹ cũng đừng chủ quan, nhất là khi con bị sốt co giật cần nằm lòng cách xử lý đúng, đề phòng những tình huống đáng tiếc xảy ra cho con.