Trước kia cứ nói đến ung thư thì ai cũng phải dè chừng, giờ đến nCoV lại càng đáng sợ vì đây là bệnh vừa dễ lây, chưa có thuốc chữa lại nguy cơ qua đời rất nhanh.

Vậy nhưng ngoài những bệnh đáng sợ kể trên, cũng không được chủ quan với 1 căn bệnh vô cùng nguy hiểm là đột quỵ mọi người ạ.

Sở dĩ bệnh đột quỵ được đánh giá là nguy hiểm như vậy bởi theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân. Còn sau 6 giờ vàng đó, người bệnh không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não, sẽ có nguy cơ qua đời rất cao.

Trong trường hợp có được cứu sống, nhiều người bệnh có thể đối diện nguy cơ tàn phế do các biến chứng như khó khăn khi nói hoặc nuốt, mất khả năng vận động, rối loạn nhận thức, nhiễm trùng đường tiết niệu hay rối loạn tâm lý...

Dù vậy không phải ai cũng biết cách phòng tránh căn bệnh này như thế nào, nhất là khi mùa đông đến chính là thời điểm nhiều người rất dễ bị đột quỵ.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức cũng vừa chia sẻ 10 lưu ý giúp tránh xa bệnh đột quỵ trong mùa đông, mình chia sẻ lại cho mọi người tham khảo để tự cứu mình nha.

10 lưu ý giúp tránh xa bệnh đột quỵ trong mùa đông như sau:

hình ảnh

Bệnh đột quỵ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Đầu tiên: Hãy cố gắng đi kiểm soát sức khoẻ định kỳ sớm nhất có thể (nếu năm nay chưa thực hiện). Đặc biệt quan tâm đến các thông số như huyết áp, đường máu, mỡ máu…để kịp thời điều chỉnh ngay.

Ngoài ra, mỗi gia đình cũng nên sắm 1 cân sức khoẻ và 1 máy đo huyết áp để theo dõi trọng lượng và huyết áp định kỳ cho các thành viên trong nhà.

Thứ 2: Cần tránh những thói quen không tốt trong ăn uống làm tăng nguy cơ bị bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim như ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm xào, rán, quay, nướng, xúc xích, thịt nguội hay những thực phẩm đóng hộp công nghiệp.

Tốt nhất nên tạo thói quen ăn sáng đủ đầy, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít. Ưu tiên thực phẩm luộc, hấp, nấu canh, salad, kho nhạt, nguyên liệu nên ưu tiên rau, củ, quả, cá tươi hay các loại hạt.

Thứ 3: Xây dựng và duy trì những thói quen tốt cho sức khoẻ hằng ngày như giảm rượu mạnh, không hút thuốc lá, ngủ trước 23h và dậy sớm, thể dục thể thao mỗi ngày (đạp xe, đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh, tập Yoga, bài tập với bóng Gym tại nhà...).

Lưu ý nếu trời lạnh, mọi người không nên dậy quá sớm, nhớ khởi động nhẹ nhàng trên giường trước khi tung chăn ngồi dậy và mặc ấm khi bước ra khỏi nhà. Ngoài ra, nên vận động thể chất mỗi ngày, cố gắng giảm cân nặng nếu quá cân…

Thứ 4: Tránh ngồi lâu một tư thế vì rất dễ hình thành những cục huyết khối bắn đi gây tình trạng tắc mạch não, mạch phổi, mạch vành. Khi ngồi máy bay hay ô tô dường dài, ngồi làm việc lâu, nhớ cứ 60 phút rời khỏi vị trí, vận động ép giãn cơ thể, co duỗi tay chân dăm phút, hay vươn thở.

Thứ 5: Tránh những động tác gắng sức đột ngột như bê vật nặng, bê vali trên đường chuyền sân bay, bê chậu cây cảnh, nâng tạ, tập luyện gắng sức trong thời gian ngắn….Tốt nhất mọi động tác vận động đều cần nhẹ nhàng tăng dần và cần được khởi động trước.

Thứ 6: Tránh tự ý dừng thuốc, thay đổi loại thuốc, điều chỉnh liều lượng và thời điểm dùng thuốc, đặc biệt là thuốc điều chỉnh nhịp tim, thuốc huyết áp, tiểu đường, mỡ máu…

hình ảnh

BS Khánh chỉ ra 10 lưu ý quan trọng giúp tránh xa bệnh đột quỵ. Ảnh: Internet

Thứ 7: Tránh để cơ thể tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, đặc biệt là với người già.

Sau khi ngủ dậy cũng chưa vội tung chăn rời khỏi giường hoặc sau tiệc rượu chưa vội “lao” ra đường ngay. Luôn xoa lòng bàn tay bàn chân vào nhau hoặc khởi động cơ thể trong chăn 1 lúc trước khi ra ngoài hoặc cần phải mặc ấm trước khi rời tiệc.

Thứ 8: Chủ động thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực, lạc quan và hãy luôn trân quý từng ngày được sống. Bởi vì căng thẳng kéo dài sẽ kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm, từ đó tăng nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch.

Thứ 9: Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ cần tạo thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm đặc biệt là khám chuyên khoa tim mạch, bao gồm:

- Người uống nhiều rượu, hút thuốc lá.

- Người có bệnh lý tim mạch, tăng cân béo phì, tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ, loạn nhịp tim, ít vận động thể thao, người có tiền sử người thân bị tai biến hay nhồi máu, người đang chữa ung thư, người bị bệnh thận mạn tính hoặc bị bệnh hệ thống, miễn dịch.

- Phụ nữ có tiền sử bị tiểu đường thai nghén hoặc tiền sản giật, người nằm lâu sau phẫu thuật thay khớp, phẫu thuật ổ bụng...

Ngoài ra tất cả những người này cũng như xây dựng kế hoạch loại bỏ dần những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Cuối cùng: Đặc biệt cần để ý những dấu hiêu báo trước dù mơ hồ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn để xử lý kịp thời tai biến như đột ngột đau nhức đầu hoặc đang ăn cơm tự nhiên rơi đũa hoặc lắp bắp nói khó (dấu hiệu đột quỵ) hoặc tự nhiên đổ gục...

Những lúc như vậy, có thể kiểm tra nhanh thêm những dấu hiệu như lưỡi lệch một bên, méo miệng, không nói tròn vành chữa A, khó khăn khi huýt sáo,...

Cách xử lý khẩn cấp là: Gọi cấp cứu 115 ngay để đưa người bệnh đến viện nhanh nhất có thể. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi ở nhà và trên đường đến viện, hãy cởi bớt áo quần tư trang, đặt người bệnh nằm ngửa và đầu nghiêng 1 bên để tránh tụt lưỡi hay trào ngược.

Cần đo huyết áp và bắt đếm mạch nếu có máy đo huyết áp. Đồng thời tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì kể cả An Cung Hoàng khi chưa có chẩn đoán xác định bệnh và chỉ định từ các bác sĩ.

Trên đây là 10 lời khuyên của bác sĩ Khánh để đề phòng nguy cơ đột quỵ vừa được báo chí chia sẻ. Đây là căn bệnh nguy hiểm và nguy cơ cao mất mạng nếu chậm chễ cứu chữa. Vì vậy cách tốt nhất vẫn là để phòng mọi người ạ.

Nguồn: Tổng hợp