Đây là tâm sự về hành trính chiến đấu và chiến thắng ung thư của một cô gái 26 tuổi. Rất nhiều điều mà người ngoài không hề hay biết...Bài viết được đăng trên báo Znews, mình chia sẻ chi tiết bên dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
"Tôi nằm trên giường mổ, cảm nhận hàng tá dây dợ, máy móc đang cật lực làm việc. Hai khóe mắt tôi ướt đẫm. Cổ họng khô khốc. Con tôi đã ra đi khi chưa kịp thành hình, để tôi có thể viết tiếp cuộc đời. Tôi là Hoàng Thị Thùy Trang, hiện là nhân viên ngân hàng. Ở tuổi 26, tôi đối mặt với căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối.
Tôi biết độ tuổi mắc ung thư đang ngày càng trẻ hóa, nhưng với tôi, căn bệnh ấy vẫn là một điều gì đó xa lạ, vốn chỉ xuất hiện trên báo đài hay trong những bộ phim Hàn Quốc mà tôi thường “cày” mỗi đêm.
Tôi lờ mờ nhận thấy những thay đổi bất thường trong cơ thể từ tháng 10/2023. Những cơn đau đầu bắt đầu ập đến, bao nhiêu thuốc thang cầm cự cũng không có hiệu quả. Tôi phớt lờ, cho rằng cơ thể chỉ đang kiệt sức sau những ngày thường xuyên bỏ bữa sáng, sau những buổi giao lưu với đối tác đến tận nửa đêm.
Em gái thứ ba của tôi sắp đặt chân vào giảng đường đại học. Em út cũng tập tễnh bước vào cấp 3. Những hóa đơn học phí khổng lồ không cho phép tôi được ngả lưng trước 0h. Nối tiếp những cơn đau đầu như búa bổ là những trận sốt đến hơn 40 độ. Lúc này, tôi mới nhận ra cơ thể đang cầu cứu. Tôi quyết định đến bệnh viện gần nhà để thực hiện vài kiểm tra đơn giản.
“Nghi ngờ mắc ung thư máu” - kết luận nhẹ tênh của bác sĩ như “bản á/n t/ử” giáng xuống đời tôi.
Tôi không tin, tiếp tục đến bệnh viện tuyến trên với hy vọng nhận được một kết quả khác. Ngày cầm trên tay chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp, chính là ung thư máu giai đoạn cuối, tôi thấy trời đất dường như sụp đổ. Tôi đứng giữa bệnh viện, òa khóc cùng với dòng suy nghĩ “đời mình coi như xong rồi”.
300 triệu đồng cho mỗi đợt hóa trị. 150 triệu đồng cho mỗi hộp thuốc nếu xuất hiện tế bào gene xấu. Đó là những con số khổng lồ mà tôi có quần quật làm việc cả đời cũng chẳng thể chạm đến. Mẹ tôi tuyên bố bán nhà, bán cả gia sản để cứu con gái.
“Bệnh này chỉ sống được vài tháng thôi, bán nhà thì thiệt thòi cho người ở lại”, tôi nghe thấy lời bác sĩ nói với mẹ về tình trạng của tôi. Tôi không nghe bà đáp lại, rất lâu sau đó chỉ khẽ bật ra một tiếng thở dài.
Cả nhà chạy tiền khắp nơi được vài trăm triệu để tôi cầm cự. Tôi nhập viện và bắt đầu điều trị tại khoa Huyết học Người lớn 3, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, cách ngày tổ chức đám cưới chưa đầy một tháng.
Tôi nhớ mình đã gục đầu trên vai chồng sắp cưới, khóc lịm. Cách đó một ngày, bác sĩ hỏi về chu kỳ kinh nguyệt để tiện theo dõi. Tôi tá hỏa nhận ra bản thân đã chậm kinh một tuần. Que thử thai hiện lên hai vạch đỏ ngạch, tôi đón nhận thiên chức cao cả của người phụ nữ chỉ sau ngày hóa trị đầu tiên.
Rõ ràng, hóa chất điều trị ung thư là liều thuốc độc đang dần dần lấy đi sinh mạng của con tôi. Dù tôi có may mắn sống đến lúc chuyển dạ, đứa trẻ cũng không thể giữ được sự sống. Giải pháp duy nhất lúc này là bỏ thai.
Việc hút thai được tiến hành ngay ngày hôm sau tại Bệnh viện Từ Dũ. Tôi nằm trên băng ca, đưa tay ôm lấy bụng, nơi sinh linh nhỏ bé chỉ bằng quả chanh đang dần thành hình hài. Tôi khóc, thương đứa con chẳng có cơ hội được nhìn thấy ánh mặt trời, đau đớn hơn cả lúc phát hiện mình mắc ung thư.
Là một thai phụ ung thư máu, trường hợp của tôi được đánh giá là đầy thách thức. Tôi có thể bỏ mạng ngay trên giường mổ bất cứ lúc nào. Để tỷ lệ rủi ro được giảm xuống một cách tối đa, ca hút thai được một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm nhất trong khoa trực tiếp thực hiện.
Không được gây mê, tôi hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cả quá trình. Việc h/ú/t thai diễn ra trong chưa đầy nửa tiếng, nhưng tôi cảm giác bản thân đang đón nhận nỗi đau bằng một đời cộng lại, cả về th/ể x/á/c lẫn tâm hồn. Giây phút được đẩy ra từ phòng phẫu thuật, tôi thấy tim mình lạnh ngắt.
Sự im lặng như ngầm đồng ý của chồng sắp cưới khi tôi ngỏ lời chia tay khiến tim tôi hẫng đi một nhịp. Khoảng thời gian trị bệnh không dài, không ngắn ấy khiến cuộc đời tôi như chệch khỏi quỹ đạo ban đầu. Rơi vào tình thế “sống nay chết mai”, tôi không muốn bất kỳ ai vì mình mà cuộc đời phải dở dang. Tôi chọn cách buông tay để cả hai không còn vướng bận.
Những ngày sau đấy trôi qua như một cơn ác mộng. Phác đồ điều trị của tôi kéo dài 4 đợt. Suốt 5 tháng, tôi xem bệnh viện là nhà. Những đợt vào thuốc liên tục khiến cơ thể nhỏ bé của tôi chẳng thể chống đỡ. Mùi hóa chất lớn vởn trong vòm họng khiến tôi mất đi cảm giác thèm ăn. Những cơn đau do tràn dịch màng phổi dày vò tôi đến chết đi sống lại. Tôi chỉ có thể duy trì tư thế ngồi, kể cả lúc ngủ để hơi thở được ổn định.
Những đợt truyền hóa chất khiến cơ thể rệu rã, tóc rụng dần, người suy kiệt nhưng ham muốn sống mãnh liệt không cho phép tôi bỏ cuộc.
Mắc căn bệnh này, chỉ số hồng cầu, bạch cầu cứ tăng lên, giảm xuống liên tục như trêu ngươi. Không dưới 3 lần, tôi đột nhiên ngất xỉu. Sự kề cạnh của mẹ khiến tôi an tâm phần nào. Sau này, khi tôi đã khỏi bệnh, mẹ mới thủ thỉ với tôi rằng những lúc ấy bà rất sợ, mẹ sợ tôi vì những biến cố ấy mà quyết định từ bỏ cuộc đời.
“Mình không được c/h/ế/t”, tôi đã tự nhủ với bản thân hàng trăm, hàng nghìn lần. Bất kể những cơn đau nơi lồng ngực, bất kể mái tóc trơ trụi dần sau những lần hóa trị, tôi vẫn thèm được sống.
Tôi còn trẻ, còn nhiều mảnh đất chưa được đặt chân đến, những cuộc hẹn với bạn bè vẫn đang chờ. Mỗi ngày thức dậy, tôi vẫn thầm cảm ơn ông trời vì đã cho mình thêm ngày để sống, tôi biết ơn dòng máu nóng vẫn bền bỉ chảy trong tim mình.
Tôi không tin vào kỳ tích, cho đến khi nó thật sự xuất hiện trong cuộc đời tôi. Tôi không nhớ rõ bản thân đã vượt qua 5 tháng ấy thế nào, chỉ biết rằng cơ thể đã đáp ứng thuốc rất tốt và nhanh chóng hồi phục sau phác đồ điều trị đầu tiên, như một giấc mơ.
Một tháng sau khi “tốt nghiệp trường K”, tôi trở về với công việc ở ngân hàng. Vẫn là những buổi “buôn dưa lê” lúc xế chiều với đồng nghiệp nhưng trà sữa dần được thay thế bằng nước lọc. Đồ nướng, bánh tráng trộn giờ đã được đưa vào "danh sách đen". Tôi đối xử tốt với cơ thể, như một cách cảm ơn cuộc đời vẫn cho tôi được sống.
Như một đứa trẻ mới tập tễnh bước vào trường đời, tôi phải học lại nhiều thứ. Tôi học cách mở lòng để đón nhận những biến cố sẽ xảy đến trong đời. Học cách cười nhiều và ít nghĩ hơn.
Tôi cũng học cách sống cùng với vết sẹo ở xương đòn, nơi đặt buồng tiêm dưới da, minh chứng rõ ràng nhất cho khoảng thời gian kiên cường chiến đấu của bản thân. 5 năm sau là lúc phẫu thuật để lấy buồng tiêm ra khỏi cơ thể, tôi vẫn mong mình có thể sống được đến ngày ấy.
Căn bệnh ung thư ở tuổi 26 tựa như một cơn bão cuộc đời, tôi luyện tôi thành một bản ngã mạnh mẽ, kiên cường hơn, như nhà văn Haruki Murakami từng viết trong quyển “Kafka bên bờ biển”:
"Và một khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ là mình đã vượt qua nó như thế nào, làm cách nào để bạn có thể sống sót. Thậm chí, bạn còn không chắc chắn liệu cơn bão đã thực sự kết thúc hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn, khi bạn bước ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là người cùng một người mà đã bước vào”.