Lâu nay dân gian có câu "người chửa cửa mả" đúng là không sai đâu mọi người.
Mới đây, có trường hợp một phụ nữ mang thai đột nhiên bị đau đầu, chóng mặt nhưng lại nghĩ là triệu chứng thông thường mà mẹ nào cũng gặp phải nên không để ý lắm. Đến khi tình trạng ngày càng nặng mới đưa vào viện thì đã bị xuất huyết não.
Mẹ bầu 21 tuần bỗng dưng xuất huyết não nguy kịch
Thai phụ nói trên là N.T.N. (27 tuổi, ở TP Cần Thơ) đang mang thai ở tuần thứ 21. Khoảng nửa đêm 12/8, thai phụ đột nhiên bị đau đầu, chóng mặt nhưng lại tưởng 'do thai hành'. Tuy nhiên, sau đó tình trạng đau đớn này ngày càng dữ dội, kèm theo biểu hiện lơ mơ, liệt nửa người bên phải.
Ngay lập tức gia đình đã đưa thai phụ này đến bệnh viện địa phương để điều trị nhưng tình trạng không cải thiện, gia đình quyết định chuyển chị N. đến Bệnh viện Đa Khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để cấp cứu.
Chị N. đang được chăm sóc sức khỏe sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Đa Khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, lúc nhập viện người bệnh trong tình trạng lơ mơ, kích thích, liệt nửa người phải. Các bác sĩ đã gây mê hỗ trợ tiền mê để chụp MRI não không tiêm thuốc tương phản hạn chế gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Kết quả MRI cho thấy chị N. bị giảm tri giác do một tổn thương xuất huyết não ở bán cầu não trái, chưa loại trừ khả năng là do vỡ dị dạng động tĩnh mạch máu não. Do vậy, chị N. được phẫu thuật cấp cứu để loại bỏ khối máu tụ, đồng thời xử trí tổn thương dị dạng mạch máu (nếu có).
"Sau mổ 1 ngày, chị N. đã được rút nội khí quản, cai máy thở, mở mắt tự nhiên. Đến sáng 17/8, thai phụ đã có phản xạ tay chân, và đặc biệt sức khỏe thai nhi vẫn ổn định”, bác sĩ Cường cho biết.
Theo bác sĩ Cường, mẹ bầu này bị xuất huyết não do tăng huyết áp thai kỳ. “Những phụ nữ mang thai, nếu bị cao huyết áp cần theo dõi huyết áp thai kỳ, đồng thời kết hợp tầm soát đột quỵ nếu cần hoặc có yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Cường khuyến cáo.
Vậy bệnh tăng huyết áp thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và con như thế nào?
Có 4 nhóm bệnh liên quan đến tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ, bao gồm:
- Tăng huyết áp thai kỳ: Là chỉ có tăng huyết áp đơn thuần, thường xảy ra sau tuần thai thứ 20.
- Tiền sản giật: Tình trạng này cũng xảy ra sau tuần 20, gồm có tăng huyết áp, phù và có đạm trong nước tiểu.
- Tăng huyết áp mãn tính: Có cao huyết áp trước khi mang bầu.
- Tăng huyết áp mãn tính ghép thêm tiền sản giật.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet
Tình trạng tăng huyết áp khi mang thai nếu không được kiểm soát kịp thời có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và con như sau:
Với mẹ: Có thể dẫn đến các tai biến cho mẹ, giống như tình trạng tai biến mạch máu của người bị bệnh cao huyết áp (là do mạch máu bị vỡ dưới áp lực quá cao).
Với con: Do tình trạng máu nuôi kém, có thể có thai nhẹ cân hay suy dinh dưỡng; nguy hiểm nhất là tình trạng sinh non hay buộc phải cho con chào đời sớm để giảm bệnh lý cho mẹ vì các bệnh lý huyết áp của thai kỳ, đa số đều giảm rõ rệt sau khi thai được sinh ra.
Tình trạng tăng huyết áp khi mang thai cũng lấy ngưỡng là 140/90mmHg (ngưỡng cần điều trị).
Trên đây là câu chuyện mẹ bầu 21 tuần suýt mất mạng vì xuất huyết não trong thai kỳ mình vừa vô tình đọc trên báo. Cũng là phụ nữ, ai cũng hiểu sự vất vả 9 tháng 10 ngày mang thai để đón em bé chào đời thuận lợi, là hành trình vất vả như thế nào.
Mẹ khỏe con khỏe là điều ai cũng mong muốn, nhưng nếu thấy cơ thể bất thường các mẹ nhớ đi kiểm tra kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra nhé.
Nguồn: Tổng hợp