Ước tính, mỗi năm cứ 100 người tử vong do bệnh tật thì có đến 77 người mắc các bệnh không lây nhiễm.
Các bệnh mạn tính thường không có triệu chứng rõ ràng, được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Ảnh: Freepik. |
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tỷ lệ người tử vong do mắc các bệnh lý không lây nhiễm cao là các bệnh này không có triệu chứng rõ ràng, được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Bên cạnh đó, tỷ lệ người mắc những bệnh này cũng rất cao.
Bệnh không lây nhiễm hay mạn tính không lây thường diễn tiến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm. Các bệnh phổ biến bao gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư, trầm cảm và rối loạn lo âu...
Mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh mạn tính này, đặc biệt là người cao tuổi. Người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động, ăn uống không lành mạnh, căng thẳng kéo dài... có khả năng mắc bệnh cao hơn.
Theo Điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021, số bệnh nhân mắc tăng huyết áp chiếm hơn 1/4 dân số trưởng thành.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên toàn thế giới, các bệnh không lây nhiễm khiến 41 triệu người tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gần 80% số ca tử vong.
Hút thuốc lá, khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh lý đường hô hấp, ung thư phổi... Ảnh: Pixabay. |
Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, giảm mắc và nguy cơ tử vong do các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và lao. Tuy nhiên, các bệnh không lây nhiễm vẫn là một thách thức đáng kể đối với sức khỏe người dân.
Nhiều người mắc bệnh mà không biết mình bị bệnh, do vậy, có khoảng 70-80% người bị mắc bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường mà không được điều trị.
Theo Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế), 4 loại bệnh không lây nhiễm chính là: Bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.
Các can thiệp ở cấp quần thể để giải quyết các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm bao gồm:
- Giảm sử dụng thuốc lá: Giảm khả năng chấp nhận về tài chính bằng cách tăng thuế tiêu thụ thuốc lá; trên cơ sở luật pháp, xây dựng môi trường hoàn toàn không khói thuốc tại nơi làm việc trong nhà, nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng; cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của thuốc lá và khói thuốc lá thông qua các hình thức cảnh báo có hiệu quả và các chiến dịch trên phương tiện thông tin đại chúng; và cấm tất cả hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ liên quan đến thuốc lá.
- Lạm dụng rượu: Tăng thuế đồ uống có cồn; hạn chế và nghiêm cấm toàn diện đối với hoạt động quảng cáo và khuyến mại rượu; và hạn chế bán lẻ rượu.
- Chế độ ăn không hợp lý và thiếu vận động thể lực: Giảm muối thông qua các chiến dịch trên phương tiện thông tin đại chúng, giảm hàm lượng muối trong thức ăn chế biến sẵn; thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa; Nâng cao nhận thức công chúng về chế độ ăn và vận động thể lực.
Các can thiệp cho cá thể để giải quyết bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu
- Các bệnh tim mạch và bệnh đái tháo đường: Phối hợp nhiều loại thuốc (bao gồm thuốc kiểm soát đường huyết đối với bệnh đái tháo đường) cho các cá nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, và những người có nguy cơ cao (> 30%) đối với các tai biến tim mạch trong vòng 10 năm tới; cung cấp aspirin cho những người bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Bệnh ung thư: Phòng ngừa ung thư gan thông qua tiêm chủng viêm gan B; và phòng ngừa ung thư cổ tử cung thông qua khám sàng lọc và điều trị tiền ung thư.
https://lifestyle.znews.vn/nhom-benh-gay-tu-vong-hang-dau-post1502399.html