Nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đường tiết niệu là các khái niệm cùng để chỉ tình trạng vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu gây nên các tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.


Đây là các bệnh lý rất hay gặp ở cả hai giới, trong đó giới nữ hay gặp hơn giới nam. Bệnh gây nên các triệu chứng hay gặp như tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu, nước tiểu đục, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiễm trùng đường tiết niệu nguy hiểm như thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu ra sao? Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin khoa học cho các bạn!


webtretho


1. Nhiễm trùng đường tiết niệu nguy hiểm như thế nào?



Hệ tiết niệu của con người bao gồm 2 quả thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo, trong đó niệu quản là đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang và niệu đạo là đường dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể thông qua 1 lỗ nhỏ tại bộ phận sinh dục. Nhiễm trùng đường tiết niệu chia theo vị trí bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu dưới tức là nhiễm trùng bàng quang, niệu đạo; nhiễm trùng đường tiết niệu trên tức là nhiễm trùng quả thận (đài bể thận và nhu mô thận).


Các nhiễm trùng đường tiết niệu dưới rất hay gặp do đây là cửa ngõ của cơ thể với môi trường bên ngoài, đặc biệt vùng này gần hậu môn nên vi khuẩn trong phân rất dễ xâm nhập vào.


Nhiễm trùng đường tiết niệu dưới có thể lan ngược dòng dần lên trên gây nên các nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Các nhiễm trùng đường tiết niệu thường gây ra các dấu hiệu, triệu chứng bao gồm: Luôn cảm thấy mắc tiểu và đi tiểu nhiều lần; tiểu rắt (mỗi lần đi tiểu chỉ ra một ít); Tiểu buốt (cảm giác bỏng hoặc rát khi đi tiểu);Tiểu ra máu: Nước tiểu có lẫn màu đỏ của máu; nước tiểu đục và có mùi hôi. Ngoài ra, nhiễm khuẩn đường tiết niệu còn có một số triệu chứng đặc biệt khác, tùy theo bộ phận nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng:


+ Nếu là viêm bể thận cấp tính: Đau vùng hông, lưng hoặc đau mạng sườn, có thể sốt cao, rét run.


+ Nếu là viêm bàng quang: Cảm giác tức nặng ở vùng bụng dưới, có thể cảm thấy bị đau tức, khó chịu vùng hạ vị.


+ Nếu là viêm niệu đạo: Nam giới có thể thấy dương vật chảy ra dịch mủ, nữ giới có thể thấy mủ chảy ra từ lỗ niệu đạo.


Do đường tiết niệu dưới nằm ngay cạnh đường sinh dục nên các viêm nhiễm đường tiết niệu dưới rất dễ lan sang viêm nhiễm đường sinh dục, ở nữ giới có thể gây viêm âm đạo- cổ tử cung- tử cung- vòi trứng, ở nam giới có thể gây viêm ống dẫn tinh, túi tinh, tinh hoàn, tiền liệt tuyến. Các viêm nhiễm này nếu không được điều trị tốt sẽ là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh.


Mặt khác các viêm nhiễm đường tiết niệu dưới có thể lan ngược dòng lên trên gây nên viêm đài bể thận, nhu mô thận và các tổ chức xung quanh thận, nếu không điều trị kịp thời, các viêm nhiễm này sẽ gây nên các ổ mủ, gây nên tình trạng tắc nghẽn đường tiểu, suy thận, nhiễm khuẩn huyết và có thể gây tử vong.


2. Cách điều trị và phòng ngừa nhiễm trùng tiết niệu?


2.1. Nguyên tắc điều trị nhiễm trùng tiết niệu


Tùy vị trí nhiễm trùng đường tiết niệu mà có các phương pháp điều trị riêng đặc hiệu, tuy nhiên việc điều trị các bệnh lý này luôn theo các nguyên tắc chung:


- Uống nhiều nước, đảm bảo duy trì lượng nước tiểu >1,5 lít/ ngày


- Điều trị loại bỏ các nguyên nhân thuận lợi: sỏi đường tiết niệu, phì đại tiền liệt tuyến…


- Dùng kháng sinh và các chất sát khuẩn phù hợp


2.2. Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu


Các nhiễm trùng đường tiết niệu rất hay gặp, chữa khỏi tuy nhiên rất hay tái phát, để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và tránh tái, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:


- Đầu tiên là nên uống nhiều nước, ít nhất 2 lít/ngày để tăng lượng nước tiểu tống xuất các vi khuẩn khỏi đường tiểu.


- Tăng cường sử dụng các loại quả chín và rau xanh có chứa nhiều vitamin C, việc này có tác dung gây toan hóa nước tiểu giúp tiêu diệt vi khuẩn đường niệu.


- Tăng cường vệ sinh cá nhân, tránh mặc quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu bí, nóng.


- Tránh các sinh hoạt dễ gây tổn thương niệu đạo như: ngâm tắm lâu trong bồn tắm pha xà phòng, ngâm tắm lâu ở các nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, dùng chất khử mùi tại chỗ…


- Vệ sinh sach sẽ, đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.


- Khi đi đại tiện nên lau hậu môn từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào lỗ niệu đạo.


- Phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục, hay bị viêm đường tiết niệu nên tìm hiểu các tư thế quan hệ phù hợp, tránh các tư thế tác động nhiều tới lỗ niệu đạo.


- Không được nhịn tiểu vì việc này sẽ khiến nước tiểu bị ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.


- Khi đi tiểu nên đi từ từ, không quá sức để tránh ảnh hưởng tới khung chậu và niệu đạo.


- Cuối cùng, cần đi khám sức khỏe định kỳ, điều trị các nguy cơ gây viêm đường tiết niệu như u phì đại tuyến tiền liệt, sỏi đường tiết niệu…


TS.BS. Đoàn Huy Cường- Hội Y học Việt Nam