Vài ngày sau khi uống sữa, người phụ nữ có những triệu chứng như: sốt, kích động, ảo giác, co giật và sợ uống nước. Đáng buồn hơn, ngay sau đó, người phụ nữ này đã không qua khỏi. Nguyên nhân được bác sĩ tìm ra khiến nhiều người bàng hoàng. Thông tin này được đăng tải trên báo chí cụ thể như sau:
Ngày 28/3, các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin, hồi đầu năm 2025, một phụ nữ Ấn Độ (giấu tên) đã uống sữa từ 1 con bò nhiễm bệnh dại mà không hề hay biết. Trước đó, con bò này bị 1 con chó hoang mắc bệnh dại cắn.
Ảnh minh hoạ.
Vài ngày sau khi uống sữa, người phụ nữ có những triệu chứng như: sốt, kích động, ảo giác, co giật và sợ uống nước.
Gia đình đưa người phụ nữ đến một số bệnh viện, nhưng bị từ chối điều trị vì tình trạng bệnh đã quá nghiêm trọng. Người phụ nữ tử vong tại nhà ngay sau đó.
Các bác sĩ cho biết: Bệnh dại là bệnh do vi rút gây bệnh dại lây truyền qua nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh như chó, gấu mèo, dơi, chó sói đồng cỏ và cáo. Hầu hết mọi người mắc bệnh do vết cắn hoặc vết cào của động vật. Các triệu chứng ban đầu ở người bao gồm sốt, nhức đầu, kích động, lú lẫn và nôn mửa.
Ở giai đoạn sau, bệnh nhân sẽ bị kích động, bồn chồn, ảo giác, co giật, chảy nước dãi quá mức và sợ nước hoặc gió thổi vào mặt.
Năm ngoái, tại Mỹ, một cô giáo đã t.ử v.o.ng vì nhiễm bệnh dại sau khi bị dơi cắn trong lúc đứng lớp.
KFSN-TV dẫn lời người bạn tên Laura Splotch cho hay cô Leah Seneng (60 tuổi) tìm thấy một con dơi trong lớp học vào giữa tháng 10/2024. Giáo viên này tìm cách nhặt con vật lên và mang ra ngoài lớp, nhưng trong quá trình này cô đã bị dơi cắn.
Ban đầu cô Seneng không thể hiện bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, sau đó cô ngã bệnh và được đưa vào bệnh viện ngày 18/11. Bốn ngày sau nạn nhân qua đời.
Theo thông tin trên Facebook cá nhân, cô Seneng là cô giáo dạy mỹ thuật của trường cấp hai Bryant ở Dos Palos (bang California).
Nhà chức trách hạt Merced xác nhận đã xảy ra tình trạng nhiễm bệnh dại ở địa bàn, nhưng không tiết lộ tên người chết vì luật bảo vệ quyền riêng tư. Sở Y tế Công cộng California cũng cho biết nạn nhân chết vì mắc bệnh dại.
"Những vết do dơi cắn có thể rất nhỏ và khó thấy hoặc phát hiện. Điều quan trọng là phải rửa tay kỹ lưỡng và tìm kiếm dấu vết của bất kỳ miệng vết thương nào sau khi tiếp xúc một cá thể động vật hoang dã, và lập tức đến cơ sở y tế xử lý nếu bị cắn", theo Giám đốc Sở Y tế Công cộng California, tiến sĩ Tomás J. Aragón.
Theo ông, tốt nhất là không chạm vào động vật hoang dã nếu bạn không biết rõ nguồn gốc của chúng.
Mỗi năm, hàng chục ngàn trường hợp mắc bệnh dại được ghi nhận trên toàn thế giới. Riêng Ấn Độ có từ 18.000 đến 20.000 ca tử vong vì bệnh dại mỗi năm, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm hơn 1/3 số ca tử vong vì bệnh dại trên thế giới).
Cách duy nhất để phòng bệnh dại khi bị động vật cắn là tiêm vắc-xin, phải tiêm càng sớm càng tốt.
Những động vật nào cắn thì phải đi tiêm phòng dại?
1. Chó – Nguồn lây bệnh dại phổ biến nhất
Chó là loài động vật có tỷ lệ mắc bệnh dại cao nhất và là nguyên nhân chính gây lây nhiễm bệnh dại ở người. Khi bị chó cắn, bạn cần:
Theo dõi con chó trong 10 – 14 ngày để xem có biểu hiện bất thường như chảy nước dãi, hung dữ hoặc sùi bọt mép không.
Nếu là chó hoang hoặc chó không được tiêm phòng dại, cần đi tiêm phòng ngay lập tức.
Nếu là chó nhà đã được tiêm phòng đầy đủ và không có dấu hiệu dại, có thể theo dõi nhưng vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
2. Mèo – Đối tượng có nguy cơ lây bệnh dại
Giống như chó, mèo cũng có thể bị nhiễm virus dại và truyền bệnh sang người thông qua vết cắn hoặc vết cào. Khi bị mèo cắn hoặc cào:
Nếu mèo là thú cưng đã tiêm phòng, có thể theo dõi trong 10 – 14 ngày.
Nếu mèo hoang hoặc chưa rõ lịch sử tiêm phòng, cần đến cơ sở y tế để tiêm phòng ngay.
3. Dơi – Động vật mang virus dại nguy hiểm
Dơi là loài động vật có nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao, đặc biệt là dơi hút máu ở một số vùng trên thế giới. Dơi mang virus dại trong nước bọt và có thể lây sang người qua vết cắn nhỏ.
Nếu bị dơi cắn, dù chỉ là một vết rất nhỏ, bạn cần đi tiêm phòng dại ngay vì dơi thường mang virus mà không biểu hiện rõ triệu chứng.
4. Cầy hương, cáo, chồn, sói – Động vật hoang dã có nguy cơ cao
Nhóm động vật hoang dã như cầy hương, cáo, chồn, sói… có nguy cơ lây truyền bệnh dại rất cao. Những động vật này thường sống trong tự nhiên, có thể bị nhiễm virus từ đồng loại hoặc từ các loài động vật khác.
Nếu bị một trong các loài này cắn, bạn cần đi tiêm phòng ngay lập tức mà không cần chờ theo dõi.
5. Khỉ – Có nguy cơ nhưng ít phổ biến
Khỉ ít khi truyền bệnh dại sang người, nhưng nếu bị khỉ cắn, vẫn có nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm khác như virus Herpes B hoặc bệnh truyền nhiễm từ động vật hoang dã.
Nếu bị khỉ cắn, cần sát trùng vết thương ngay và đi khám bác sĩ để đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh.
6. Chuột, thỏ và một số loài gặm nhấm khác – Nguy cơ thấp
Các loài gặm nhấm nhỏ như chuột, sóc, thỏ thường không phải là nguồn lây nhiễm chính của bệnh dại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, nếu bị chuột hoặc sóc hoang dã cắn, bạn vẫn nên đi khám để được tư vấn.